Điểm sáng về tái hòa nhập cộng đồng

Từng là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), tuy nhiên sau 3 năm thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tái hòa nhập cộng đồng đã giúp xã Long Hà, huyện Phú Riềng đạt tiêu chí ANTT, về đích nông thôn mới. Những năm qua, xã Long Hà thực hiện tốt công tác định hướng cho công dân sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Từ đó giúp nhiều công dân tái hòa nhập cộng đồng được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tiếp cận vốn chính sách, yên tâm ổn định cuộc sống.

Định hướng và giúp đỡ kịp thời

Từng là sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhưng do tuổi trẻ nông nổi, anh Nguyễn Trung Thành ở thôn 4, xã Long Hà đã vi phạm pháp luật, phải rời ghế nhà trường để chấp hành án phạt tù. Quá trình chấp hành án, anh đã được các cán bộ quản giáo, giám thị giáo dục, hỗ trợ hướng nghiệp. Tuy nhiên, khi chấp hành xong án phạt tù trở về gia đình, anh Thành đối mặt với sự mất mát lớn, mẹ bị bệnh và qua đời khiến tinh thần anh suy sụp. Kinh tế gia đình trở nên sa sút. Những biến cố ấy khiến con đường tái hòa nhập cộng đồng, khởi nghiệp của anh càng khó khăn hơn.

Anh Nguyễn Trung Thành, thôn 4, xã Long Hà chia sẻ với lãnh đạo địa phương về mô hình chăn nuôi dê nhân giống bán do anh mới phát triển

Anh Nguyễn Trung Thành (thứ 3 từ phải sang) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dúi

Anh Thành cho biết: Trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, các hội, đoàn thể, anh em, bạn bè động viên hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần đã giúp tôi có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế. Tôi quyết tâm bỏ lại quá khứ, hướng tới xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Hiện tôi đã thành công với mô hình nuôi gà, nuôi dúi. Ngoài ra, tôi còn trồng điều xen canh nhiều loại cây trồng khác, thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng. Sự đa dạng cây trồng, vật nuôi giúp tôi có nguồn thu ổn định quanh năm.

Anh Thành cho biết thêm: Khi kinh tế ổn định, tôi đã hỗ trợ những người từng lầm lỗi như mình có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Hiện tôi đang hỗ trợ 4 thanh niên tái hòa nhập cộng đồng về công việc, con giống, tư vấn kỹ thuật các mô hình chăn nuôi theo nhu cầu của mỗi người. Từ đó giúp họ có thu nhập ổn định.

Sự thành công của anh Thành (áo đen) trong phát triển kinh tế sau khi tái hòa nhập cộng đồng là nhờ sự động viên, định hướng hỗ trợ kịp thời từ công an địa phương và chính quyền, đoàn thể xã Long Hà

Anh Nguyễn Thế Tâm ở thôn 4, xã Long Hà chia sẻ: Từng loay hoay trong việc chọn mô hình để phát triển kinh tế, tôi may mắn được anh Thành hỗ trợ, đồng hành phát triển mô hình nuôi dúi. Vượt qua những khó khăn ban đầu về kỹ thuật, vốn để đầu tư phát triển. Đến nay, đàn dúi của gia đình tôi có khoảng 350 con với đầu ra ổn định. Thời gian tới tôi sẽ nhân rộng mô hình này và lan tỏa đến các bạn trẻ trong địa phương muốn lập nghiệp.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Nhờ thực hiện tốt Nghị định số 49, xã Long Hà đạt được những kết quả tích cực trong quản lý, hỗ trợ công dân tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ ổn định cuộc sống. Để đạt kết quả này, xã Long Hà đã kiện toàn lực lượng công an, làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền giúp nhân dân và các công dân tái hòa nhập cộng đồng hiểu đúng về chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị định số 49, tạo điều kiện cho các công dân này có cơ hội, khởi nghiệp, ổn định cuộc sống tại địa phương.

Qua 3 năm thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND xã Long Hà đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp đỡ 27 công dân tái hòa nhập cộng đồng với số vốn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, đã giới thiệu 3 công dân làm việc trong các tổ chức, công ty trên địa bàn, giúp họ ổn định cuộc sống.

Thiếu tá PHẠM TUẤN HOÀNG, Trưởng Công an xã Long Hà

Ông Lê Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hà cho biết: “Việc giúp đỡ công dân sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập là nhiệm vụ chính trị chung của toàn xã hội. Làm sao để họ không tái phạm mới là hiệu quả thiết thực. Để làm được điều đó, phải quan tâm tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế; đối với trường hợp không có đất sản xuất thì đào tạo nghề, giới thiệu vào các công ty, xí nghiệp để làm việc. Ngoài ra, cần sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng để họ tự tin, hướng tới tương lai ngày một tốt hơn”.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/154080/diem-sang-ve-tai-hoa-nhap-cong-dong