Điểm sáng thu hút vốn FDI

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục giữ xu hướng tích cực trong bốn tháng qua, trong đó, vốn đăng ký đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ, kể cả về số dự án và vốn đầu tư.

Công nhân Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam) đóng gói sản phẩm màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Ðông Mai, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh KHÁNH AN)

Công nhân Công ty TNHH Competition Team Technology (Việt Nam) đóng gói sản phẩm màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Ðông Mai, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh KHÁNH AN)

Theo đó, bốn tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 28,8% về số lượng dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tăng 73,2% về tổng vốn đăng ký đầu tư mới. Ðây là tín hiệu tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng vốn giải ngân các dự án cũng tăng 7,4%, đạt 6,28 tỷ USD. Sự tăng trưởng liên tục của vốn giải ngân cho thấy những cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là thực chất.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 ngành kinh tế quốc dân, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi...

Ðáng chú ý, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn trực tiếp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ðơn cử như các dự án của Intel, Amkor đầu tư trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…

Gần đây, lãnh đạo Tập đoàn Nvidia đã có cam kết bước đầu với Việt Nam hợp tác về trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, nâng cao khả năng hợp tác trong xây dựng các trung tâm siêu tính toán, đào tạo nhân lực AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.

Trong chiến lược phát triển, kinh tế đối ngoại tiếp tục được xác định là trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tiếp theo, với vai trò ngày càng lớn của khu vực FDI.

Về phía các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong một số lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn,...

Ðể tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam khi không còn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, Quốc hội đã đồng ý chủ trương giao Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng đề xuất ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đi kèm với một trong các điều kiện về quy mô vốn đầu tư; đạt doanh thu hoặc tốc độ giải ngân,... Dự kiến Nghị định này có thể sẽ được ban hành vào cuối quý II này.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/diem-sang-thu-hut-von-fdi-5008946.html