Điểm nhấn tài chính tuần 11-16/9: NHNN sẽ không công bố kết quả xếp hạng TCTD

NHNN sẽ xếp hạng các tổ chức tín dụng nhưng không công bố kết quả, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi; Bộ công thương xem xét cắt giảm tối đa 612 điều kiện kinh doanh,.. là những điểm nhấn về tài chính trong tuần.

Thị trường phái sinh đạt sự tăng trưởng sau 1 tháng giao dịch

Sau 1 tháng khai trương và đi vào hoạt động (từ 10/8 đến 8/9), thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện thông qua sự tăng trưởng về cả khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản được mở thêm trong vòng 1 tháng qua.

Tính đến ngày 8/9/2017, đã có 7.849 tài khoản giao dịch phái sinh được mở ở các CTCK thành viên thị trường phái sinh.

Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã đưa vào giao dịch 5 mã hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, trong đó có 1 mã hợp đồng VN30F1708 đáo hạn ngày 17/08/2017.

Hiện tại, có 4 mã hợp đồng tương lai đang được niêm yết tại HNX là VN30F1709, VN30F1710, VN30F1712, và VN30F1803. Nhà đầu tư có xu hướng tập trung giao dịch vào các hợp đồng có tháng đáo hạn gần nhất, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch trong 1 tháng qua là 85.641 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt 6.450 tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 4.078 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân theo quy mô danh nghĩa đạt 307,1 tỷ đồng/phiên.

Apple có thể trở thành công ty nghìn tỷ đô đầu tiên trên thế giới nhờ Iphone 8

Ngay khi sự kiện ra mắt iphone 8 diễn ra thành công, cổ phiếu Apple đã tăng 2%, hòa cùng với đà tăng của toàn thị trường. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Apple đã tăng khoảng 40% - thấp hơn duy nhất một cổ phiếu khác trong rổ Dow Jones có đà tăng 55% là Boeing.

Với giá trị 800 tỷ USD, Apple rõ ràng là công ty giá trị nhất thế giới. Nó không chỉ dẫn đầu trong thế giới công nghệ mà còn bỏ xa những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp dầu mỏ hay tài chính. Thậm chí, iPhone mới có thể đưa Apple trở thành công ty đầu tiên cán mốc nghìn tỷ USD.

Đơn giản bởi vì doanh thu từ phiên bản iPhone mới nhất sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng Macbook cho Apple. Doanh thu từ iTunes và App Store nhờ đó cũng tăng theo. Thậm chí cả iPads và Apple Watches cũng bán được nhiều hàng hơn. Giới phân tích gọi đó là hiệu ứng hào quang.

Hiện nay, giá cổ phiếu Apple chỉ kém đỉnh cao nhất lịch sử thiết lập hồi tháng trước 2%. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đang ở mức đáng kinh ngạc 835 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là, nếu cổ phiếu Apple tăng thêm 20%, nó sẽ trở thành công ty đầu tiên trên thế giới trị giá 1.000 tỷ USD.

Phố Wall nhận định doanh thu của Apple trong quý IV sẽ tăng 10% và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu sẽ tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

NHNN sẽ xếp hạng các TCTD nhưng không công khai kết quả

NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 ban hành Quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo bản dự thảo này, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá xếp hạng của các nhà băng trong hệ thống theo 5 hạng: Hạng A (Tốt), B (Khá), C (Trung bình), D (Yếu) hoặc E (Yếu kém).

Việc xếp hạng sẽ theo các tiêu chí gồm cả định lượng và định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật.

NHNN thực hiện xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài định kỳ hàng năm. Trước ngày 30/06 hàng năm, Thống đốc NHNN phê chuẩn kết quả xếp hạng của năm liền kề trước đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo NHNN, việc xếp hạng này chủ yếu nhằm phục vụ công tác thanh tra giám sát nội bộ của ngành ngân hàng. Trước đó, trong Quyết định số 06 do Ngân hàng Nhà nước từng ban hành năm 2008 cũng quy định nhà điều hành phải công bố kết quả xếp loại chính thức trên website của mình.

Và, việc công bố kết quả xếp hạng trên website chưa được thực hiện do tính chất nhạy cảm của việc công bố và chất lượng của việc xếp loại cũng chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo. Đồng thời, qua nghiên cứu và tham khảo các tổ chức quốc tế (WB, JICA), hiện chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý công bố kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng và việc công bố kết quả nêu trên có tính nhạy cảm cao.

Vì vậy, trong dự thảo Thông tư Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không quy định việc NHNN phải công bố việc xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên website của NHNN; và NHNN chỉ thông báo kết quả xếp hạng cho từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội chưa đồng ý tăng thuế môi trường với xăng dầu

Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Được biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có ý kiến như vậy khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình dự luật nhằm tăng khung thuế đối với xăng dầu với đề xuất tăng gấp đôi khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên 8.000 đồng/lít.

Đánh giá về tác động của dự luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong tình tình kinh tế đất nước hiện nay thì việc tăng thuế suất nhìn chung là không thuận. Bà nhấn mạnh đến tư tưởng của Thủ tướng là hạn chế tăng các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo phấn khởi cho nhân dân. Đối với mặt hàng xăng dầu thì với khung thuế suất hiện hành vẫn chưa áp mức tối đa, do đó cần cân nhắc lại việc đề nghị tăng lên nữa.

Bộ Công Thương xem xét cắt giảm tối đa 612 điều kiện kinh doanh

ại cuộc họp chiều 15/9, tổ công tác về cải cách hành chính Bộ Công Thương cho biết, đã rà soát1216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô). Qua rà soát, tổ công tác đề xuất 2 cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. 17 ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại của ngành công thương là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/diem-nhan-tai-chinh-tuan-11-16-9-nhnn-se-khong-cong-bo-ket-qua-xep-hang-tctd-209418.htm