Điểm mới trong quyền tiếp cận thông tin trong Dự thảo Luật Lưu trữ

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) khẳng định sứ mệnh của Lưu trữ là gìn giữ và phát huy các thông tin quá khứ - bộ nhớ của dân tộc và có nhiều điểm mới so với hiện hành

Ngày 22/5, chia sẻ về nội dung và những điểm mới của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5/2024, ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) (sau đây gọi là Dự thảo) dự kiến được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Dự thảo được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ phục vụ quần chúng nhân dân và góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Dự thảo nhấn mạnh sứ mệnh của Lưu trữ là gìn giữ và phát huy các thông tin quá khứ - bộ nhớ của dân tộc. Nhân dân là những người làm nên lịch sử, chính vì lẽ đó, các tài liệu lưu trữ - thông tin lịch sử trong bộ nhớ của cả dân tộc, trước hết là để phục vụ mọi nhu cầu chính đáng của nhân dân.

“Với tinh thần xuyên suốt này, yêu cầu đặt ra là xây dựng một nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân. Đây cũng là chính sách đầu tiên trong 6 chính sách của Nhà nước về lưu trữ được quy định trong dự thảo Luật”, ông Đặng Thanh Tùng nói.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ (người đứng).

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ (người đứng).

Theo ông Tùng, nhiệm vụ của Lưu trữ không chỉ đơn thuần là bảo quản, bảo vệ bộ nhớ của dân tộc, mà hơn cả, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi và thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, cho phép các thế hệ quần chúng nhân dân của các giai đoạn lịch sử kết nối với nhau và kết nối với cội nguồn của mình. Chính vì lẽ đó, cùng với việc ghi nhận giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, một chương mới (so với Luật Lưu trữ 2011).

Ngoài việc phục vụ nhu cầu về thông tin của người dân, Chương V “Lưu trữ tư” của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn hướng tới phục vụ các nhu cầu khác của người dân trong việc bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu do cá nhân sở hữu, bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của các cá nhân/cộng đồng có sở hữu tài liệu.

Có thể nói, với việc bổ sung nhiều quy định mới nêu trên, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Mở rộng phạm vi, giảm thời gian giải mật tài liệu

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cũng cho biết điểm mới và tiến bộ của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện ở việc mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận và tăng khả năng thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Thứ nhất, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu. Cụ thể, trong thời hạn 5 năm (Luật hiện hành là 10 năm), cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc giải mật tài liệu lưu trữ đã nộp vào lưu trữ lịch sử trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

“Với quy định trên sẽ thúc đẩy quá trình giải mật tài liệu được nhanh hơn. Nhiều thông tin trong các tài liệu lưu trữ đóng dấu chỉ các mức độ mật thường liên quan đến các sự kiện, vụ việc, nhân vật được rất nhiều người quan tâm. Nếu các thông tin chính thức không được đáp ứng sẽ có những thông tin không chính thức thay thế”, ông Đặng Thanh Tùng cho biết.

Trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ thông tin và xu thế mở rộng dân chủ của xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải chủ động tuyên truyền về đường lối, chính sách, chủ trương của mình tạo điều kiện để công chúng tiếp cận đầy đủ hơn với tài liệu, hạn chế mức thấp nhất khoảng trống thông tin do tính mật của tài liệu tạo nên thì sự thật lịch sử sẽ trở nên khách quan, đầy đủ hơn, tránh sự xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử của các thế lực thù địch gây nên.

Thứ hai, đối với các tài liệu của ngành Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, dự thảo Luật trao quyền cho “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao, nhưng hằng năm phải “lập Mục lục hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thuộc phạm vi quản lý và hằng năm cập nhật, gửi Bộ Nội vụ.

Đồng thời, quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt Danh mục tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện của ngành quốc phòng, công an và Bộ Ngoại giao. Điều này góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin về một số lĩnh vực quan trọng trong quản lý xã hội.

Thứ ba, đối với tài liệu lưu trữ cấp xã, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của HĐND, UBND cấp xã phải nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật). Tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử vẫn được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật, do đó vẫn bảo đảm nhu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ của người dân và đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở.

Các tài liệu lưu trữ chưa đựng các thông tin lịch sử làm nên bộ nhớ của cả dân tộc.

Các tài liệu lưu trữ chưa đựng các thông tin lịch sử làm nên bộ nhớ của cả dân tộc.

Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Với vai trò quan trọng đó, Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đã xác định: dữ liệu của Việt Nam cần mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Vì vậy, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về loại hình tài liệu mới - tài liệu lưu trữ số. Đồng thời, có điều khoản quy định về việc xây dựng, quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo cũng đã giải quyết mối quan hệ giữa việc lưu giữ thông tin - tài liệu lưu trữ với việc sử dụng, phát huy giá trị của tài liệu trong đời sống xã hội. Việc thúc đẩy sự tham gia được thể hiện thông qua 2 hướng: Tài liệu lưu trữ tham gia, phục vụ đời sống xã hội và cả cộng đồng xã hội tham gia vào công tác lưu trữ.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/diem-moi-trong-quyen-tiep-can-thong-tin-trong-du-thao-luat-luu-tru-a664761.html