Điểm mới ở tòa hành chính: Đương sự được hỏi và tranh tụng không khác gì luật sư

Trước đây, trong phiên tòa hành chính, việc hỏi chủ yếu do Hội đồng xét xử tiến hành. Đương sự cũng có quyền được hỏi những người khác nhưng còn rất hạn chế. Nay, Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) 2015 ghi nhận đương sự có quyền hỏi và tranh tụng không thua kém gì luật sư. Việc hỏi chủ yếu do đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện dưới sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.

Ảnh minh họa.

Điểm mới trong Luật TTHC 2015 ghi nhận đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…) có quyền đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác (Điều 55) khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử (HĐXX).

Trước đây, phần hỏi chủ yếu do HĐXX, Kiểm sát viên, Luật sư thực hiện và theo thứ tự Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, những người tham gia tố tụng khác và Kiểm sát viên.

Nay, quy định về thủ tục hỏi, trình bày chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ hơn. Thứ tự hỏi khác hẳn so với trước đây: Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người tham gia tố tụng khác; chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân; Kiểm sát viên tham gia phiên tòa (Điều 177).

Luật TTHC 2015 bổ sung các quy định để cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, như: Quy định về nguyên tắc về đảm bảo tranh tụng trong xét xử (Điều 18), Luật TTHC 2015 bổ sung quy định: Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; đương sự có nghĩa vụ thông báo cho nhau những tài liệu, chứng cứ đã giao nộp.

Bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng, như: đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ…; Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ…

Quy định mới về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ của đương sự, cụ thể là: Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân.

Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ.

Bùi Đức Độ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/diem-moi-o-toa-hanh-chinh-duong-su-duoc-hoi-va-tranh-tung-khong-khac-gi-luat-su-d28367.html