'Điểm mặt' vi phạm tại dự án Cam Lộ - La Sơn

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).

Nhiều gói thầu chậm tiến độ

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020) nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án).

Để đáp ứng tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai, trong đó về vật liệu xây dựng phục vụ dự án, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các ban, ngành chức năng của địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các Ban Quản lý dự án, tư vấn để thống nhất vị trí mỏ vật liệu đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng; ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án. Đồng thời trong quá trình triển khai dự án, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức các hội nghị để chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp vật liệu (nhất là vật liệu đất đắp nền đường) nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp đầy đủ vật liệu theo tiến độ thi công độ dự án.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, được sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021, UBND các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương và phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh triển khai, thực hiện việc tháo gỡ các khó khăn về nguồn vật liệu sử dụng cho dự án, dự án đã được thông xe vào ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các gói thầu xây lắp đều bị chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã 5 lần gia hạn tiến độ thực hiện, trong đó các gói thầu XL02, XL05, XL06, XL11 bị chậm tiến độ có liên quan đến việc thiếu vật liệu đất đắp nền đường và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật phải bổ sung nguồn vật liệu đất đắp nền đường; các gói còn lại phần lớn được sử dụng đất đắp điều phối nội bộ từ nền đào.

Theo Thanh tra Chính phủ nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án do: Số lượng mỏ quy hoạch cung cấp cho dự án nhưng chưa cấp phép, đến khi khởi công dự án mới tiến hành cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác nên mất nhiều thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, trong khi thủ tục cấp giấy phép phải qua 15 bước, thời gian thực hiện lên đến 405 ngày; bất cập, vướng mắc giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; giá nhiên vật liệu tăng (thép xây dựng tăng khoảng 18-22%, xăng dầu tăng khoảng 55% so với năm 2019 - năm phê duyệt dự toán); giá vật liệu (đất đắp) thực tế cao hơn so với giá công bố của tỉnh, nhà thầu thi công cầm chừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế trong các năm mưa nhiều, kéo dài ảnh hưởng đến công tác thi công các gói thầu; đặc biệt năm 2020 có bão lũ lịch sử gây ngập lụt bất thường kéo dài từ cuối tháng 9/2020 đến hết tháng 1/2021 (thời gian khoảng 4 tháng); thời tiết khu vực diễn biến bất thường (theo thống kê của tư vấn giám sát từ ngày 1/1/2022 đến ngày 24/6/2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 65/173 ngày mưa, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 64/173 ngày mưa) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Có thiếu sót, vi phạm

Theo Thanh tra Chính phủ, đối với Bộ Giao thông Vận tải với tư cách chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn đã có một số thiếu sót vi phạm.

Công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác; một số mỏ có trong thiết kế, nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới; một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp, hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường khi thực hiện dự án.

Dự án Cam Lộ - La Sơn

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông Vận tải giao làm đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án, chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn Liên danh Tổng Công ty TVTK GTVT - CTCP, Công ty cổ phần TVTK giao thông vận tải 4 và Công ty cổ phần TVXD công trình giao thông 5; Liên danh Công ty cổ phần Tấn Phát và Công ty cổ phần xây dựng VNC; Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn) trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công.

Trách nhiệm thuộc về các đơn vị tư vấn (Liên danh Tổng Công ty TVTK GTVT - CTCP, Công ty cổ phần TVTK giao thông vận tải 4 và Công ty cổ phần TVXD công trình giao thông 5; Liên danh Công ty cổ phần Tấn Phát và Công ty cổ phần xây dựng VNC; Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn); Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao quản lý dự án); Bộ Giao thông Vận tải.

Đối với UBND tỉnh Quảng Trị, các cơ quan chức năng của tỉnh chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ ngành theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; ban hành các Quyết định khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đúng tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 78, khoản 2 Điều 26 Luật Khoáng sản và khoản 6 Điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ; ban hành quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 (đã được bãi bỏ tại Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 28/8/2020) quy định về quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình trên địa bàn không xác định đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phân cấp cho UBND cấp huyện cấp phép khai thác là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 64, Điều 77 và khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 53 và khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản (mỏ đất xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị); chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Khoáng sản (mỏ đá khối A - Tân Lâm, xã Cam Thành của Công ty cổ phần Thiên Tân - đại diện Liên danh Công ty cổ phần Thiên Tân và Công ty cổ phần Tân Hưng); khai thác vượt công suất (mỏ đá vôi khối B - Tân Lâm, xã Cam Tuyền của Công ty cổ phần Thiên Tân); một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép, nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; cho phép 3 hộ gia đình cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình, không đúng với quy định tại Điều 64 Luật Khoáng sản; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, phí bảo vệ môi trường (mỏ cát, sỏi lòng sông Đắkrông của Công ty TNHH xây dựng số 9).

Chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án và việc nâng công suất khai thác theo quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ, dẫn đến một số gói thầu của dự án không mua được đá làm bê tông nhựa và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Nam làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian thi công; việc công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn từ năm 2019 đến tháng 11/2022 không có giá đất vật liệu san lấp.

Trách nhiệm thuộc Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã có liên quan; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phụ trách; các chủ mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản.

Đối với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ còn hạn chế; việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong việc cung cấp vật liệu đáp ứng nhu cầu, tiến độ dự án (nhất là vật liệu đất đắp nền đường) chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ, như: chậm cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT phục vụ theo nhu cầu, tiến độ của dự án; phê duyệt bổ sung quy hoạch thời gian kéo dài; việc ưu tiên trong cấp phép khai thác vật liệu cho nhà thầu thi công dự án chưa được chú trọng, ảnh hưởng tiến độ cung cấp cho dự án; việc cấp phép khai thác và nâng công suất một số mỏ đất chưa được kịp thời, dẫn đến một số mỏ khi được cấp phép thì thời điểm thi công đắp nền đường đã kết thúc.

Việc cho phép Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất tại thôn Phường Hóp) khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất; chưa có hướng xử lý, kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ (mỏ đá Khe Phèn của Công ty TNHH Coxano Hương Thọ).

Việc kiểm tra, giám sát, bổ sung giá đất đắp nền đường khi có thông tin về giá vật liệu đất đắp được bán với giá cao hơn giá được công bố chưa được thực hiện; thông báo giá vật liệu đất san lấp chung cho các mỏ cấp phép thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các mỏ cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chưa chỉ đạo thông báo giá vật liệu đất đắp K95, K98 để quản lý giá vật liệu đất đắp cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Trách nhiệm thuộc Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phụ trách; các chủ mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản.

Văn Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/diem-mat-vi-pham-tai-du-an-cam-lo--la-son-5727135.html