'Điểm mặt' ứng viên là căn cứ quân sự ở hải ngoại tiếp theo của Trung Quốc

Cảng Hambantota của Sri Lanka có thể là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc cho căn cứ hải quân tiếp theo, do Bắc Kinh đã đầu tư 2,19 tỷ USD vào đây. Thông tin được đưa ra tuần trước theo dự án nghiên cứu AidData có trụ sở tại Mỹ.

Sri Lanka đứng đầu danh sách các quốc gia có thể đặt căn cứ hải quân Trung Quốc trong những năm tới khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng khả năng hàng hải của mình

Theo đánh giá của dự án nghiên cứu AidData tại Đại học William & Mary ở Virginia, cảng Hambantota của quốc gia Nam Á này là địa điểm khả dĩ nhất để đặt căn cứ do Trung Quốc đã đầu tư 2,19 tỷ USD vào đây

“Cảng được đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài là Hambantota và Bắc Kinh thực hiện quyền kiểm soát trực tiếp đối với cơ sở này”, báo cáo của AidData ngày 27-7 cho biết.

“Cùng với vị trí chiến lược, quan hệ tốt giữa Trung Quốc với giới chức và người dân Sri Lanka, Hambantota là ứng cử viên hàng đầu cho một căn cứ trong tương lai”, AidData nhận xét.

Lãnh đạo Sri Lanka trước đó cũng cho biết, họ sẽ không cho phép cảng Hambantota tiếp đón bất kỳ lực lượng vũ trang nước ngoài nào.

Trên thực tế, công ty Trung Quốc đã tiếp quản cơ sở này vào năm 2017 khi Sri Lanka không thể trả các khoản vay để giúp xây dựng cảng.

Trong nhiều năm, các nhà quan sát đã xem xét và phân tích mức độ Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy tham vọng quân sự của mình.

Quốc gia châu Á này có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu chiến. Các công ty xây dựng và kỹ thuật của nước này đang bận rộn xây dựng các cơ sở cảng trên khắp thế giới.

Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay và trợ cấp trị giá gần 30 tỷ USD từ năm 2000-2021 để xây dựng hoặc mở rộng 78 cảng ở 46 quốc gia, báo cáo của AidData cho biết.

Bất chấp những đồn đoán thường xuyên về các căn cứ của Trung Quốc đang được xây dựng, Bắc Kinh mới chỉ thành lập một cơ sở quân sự ở nước ngoài, tại quốc gia Đông Phi Djibouti.

AidData cho biết, Trung Quốc đã đầu tư 466 triệu USD vào cơ sở Djibouti từ năm 2000-2021, chỉ ở vị trí thứ 12 trong danh sách đầu tư nói trên.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã nêu lên mối lo ngại rằng Trung Quốc đang xem xét thêm các cơ sở hậu cần quân sự ở nước ngoài tại các địa điểm bao gồm Thái Lan, Indonesia và Pakistan.

Trong đó, AidData cho rằng Trung Quốc có thể theo đuổi một căn cứ ở Gwadar, Pakistan, viện dẫn mối quan hệ chặt chẽ của hai quốc gia.

Báo cáo cũng cho thấy các khoản đầu tư vào cảng của Trung Quốc tập trung cao ở châu Phi. Được biết, Trung Quốc cam kết đầu tư 659 triệu USD cho một cảng ở Guinea Xích đạo.

Do đó, các địa điểm ở Guinea Xích đạo và Cameroon cũng là những khả năng trở thành căn cứ quân sự tiếp theo ở Trung Quốc trong 2 đến 5 năm tới

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/diem-mat-ung-vien-la-can-cu-quan-su-o-hai-ngoai-tiep-theo-cua-trung-quoc-post547548.antd