Điểm mặt những 'góc khuất' trong đấu thầu (bài 1)

Hoạt động đấu thầu nói chung và đấu thầu trong y tế nói riêng được quy định cụ thể bằng Luật Đấu thầu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, phòng, chống sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít thủ đoạn móc ngoặc, bắt tay giữa chủ đầu tư với đơn vị tham gia đấu thầu khiến cho công tác đấu thầu trong lĩnh vực y tế vốn được xem là dễ bị tổn thương càng trở nên khó chữa lành.

Xử lý một vụ, chặn đứng đổ vỡ domino

Đề cập đến những sai phạm trong hoạt động đấu thầu liên quan đến lĩnh vực y tế, Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đánh giá: Một trong những vụ án đầu tiên và nổi bật, tiêu biểu cho những thủ đoạn móc ngoặc tinh vi giữa nhà thầu với các đơn vị tham gia đấu thầu phải kể đến là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội”. Cùng với đó, những đơn vị có liên quan đến sai phạm trên phải kể đến Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam...

Vụ án xảy ra trong bối cảnh UBND TP Hà Nội khi đó đang chuẩn bị các điều kiện để căng mình chống dịch. Ngày 14/2/2020, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội số tiền hơn 214 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách cấp TP năm 2020. Ngày 15/2/2020, Sở Y tế Hà Nội ban hành Quyết định số 186/QĐ-SYT về việc giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung 31.197.400.000 đồng, trong đó dự toán mua các thiết bị của gói thầu số 15 là 9.540.000.000 đồng, gồm hệ thống các thiết bị máy móc có liên quan.

Theo quy định của Luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội thời điểm đó đã không thực hiện quy định trên. Nguyễn Nhật Cảm đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông ấn định nhà thầu là Công ty THHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam với mức giá trúng thầu được chỉ định là 9.540.000.000 đồng. Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu.

Hành vi của Nguyễn Nhật Cảm và các đối tượng liên quan đã vi phạm Khoản 2, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, Khoản 1, Điều 55 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ; Khoản 1, Điều 13 Luật Kế toán năm 2015 gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với 19 đối tượng tại CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về đấu thầu tại CDC Hà Nội vào thời điểm đó không chỉ có ý nghĩa xử lý các đối tượng vi phạm cụ thể mà còn góp phần cảnh báo các đối tượng đang có ý định lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, ngăn chặn sự “đổ vỡ” hàng loạt của các CDC trên cả nước.

Câu hỏi của dư luận khi đó “Vì sao các đối tượng lại dễ dàng thực hiện hành vi trục lợi trong đấu thầu để gây hậu quả nghiêm trọng?” đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trả lời. Đó là sự thông đồng móc ngoặc giữa chủ đầu tư với các nhà thầu trong việc “hô biến” hồ sơ, sổ sách để chỉ định thầu. Thay vì gói thầu được lập kế hoạch đấu giá một cách công bằng để lựa chọn nhà thầu có đủ uy tín, năng lực, Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn đã “phù phép” gói thầu trên bằng những chiêu trò ma mãnh, tinh vi.

“Lấy ví dụ vụ án sai phạm trong đấu thầu tại CDC Hà Nội, AIC… để thấy rằng, nếu như không bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì sẽ có rất nhiều CDC khác ở các tỉnh, thành phố cũng sẽ lợi dụng tình hình dịch bệnh để vi phạm. Việc chặn đứng, xử lý nghiêm sai phạm trong đấu thầu tại CDC Hà Nội giúp chúng ta không bị mất đi những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, mà còn cảnh tỉnh cho những ai, trong đó nhất là lãnh đạo, quản lý lĩnh vực y tế biết sợ để “quay đầu” không dám sai phạm”- Thượng tá Hồ Văn Hùng khẳng định.

Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng đồng phạm bị xử lý bởi những sai phạm trong đấu thầu y tế.

Truy rõ, xử nghiêm vi phạm ở nhiều địa phương

Mới nhất, ngày 20/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công cũng đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với nhiều cán bộ thuộc Sở Y tế Bắc Ninh gồm: Trần Văn Tuynh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế; Nguyễn Đằng An, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế; Nguyễn Kim Huân, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế. Một số bị can thuộc AIC gồm Nguyễn Viết Toản, nguyên nhân viên Công ty AIC, Nguyễn Đăng Linh, nguyên nhân viên Công ty AIC, Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty AI và Đặng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá BTCVALUE cũng bị khởi tố, bắt giam.

Cái tên AIC trong thời gian qua nổi lên như là một “tập đoàn” sai phạm có tính chất hệ thống, lâu dài, tinh vi, kiên cố…trong hoạt động đấu thầu ở nhiều địa phương trên cả nước. Gần như hồ sơ tham dự các phiên đấu thầu của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan trong hệ sinh thái của AIC dễ dàng trúng nhiều gói thầu tiền tỷ, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyễn Thị Thanh Nhàn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của AIC đã dùng tiền, rất nhiều tiền để “mua” quan hệ ở các tầng, nấc, qua đó tạo sức ép, hối lộ để thông thầu, dễ dàng trúng nhiều gói thầu liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục.

Nhiều quan chức ở một số tỉnh, thành đã “ngã ngựa” trước sự cám dỗ của đồng tiền mà Nhàn hối lộ, nhắm mắt làm ngơ, thậm chí hỗ trợ đắc lực cho Nhàn cùng đám đàn em lũng đoạn thầu tại nhiều gói thầu về y tế, giáo dục. Ở cả hai vụ án CDC Hà Nội và AIC, có một điểm chung đó chính là sự không minh bạch trong công tác đấu thầu, móc ngoặc đã tạo điều kiện, thuận lợi cho nhà thầu, chủ đầu tư “múa tay trong bị”, thông đồng gây sai phạm.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trên nhiều lĩnh vực và thanh tra chuyên ngành trong đó có lĩnh vực y tế. Đánh giá của Thanh tra Chính phủ cho thấy, qua thanh tra, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương. Thống kê tại 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm.

Nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao, trong đó có một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Hay như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cũng qua thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021 tại Sở Y tế Vĩnh Phúc và 13/17 đơn vị y tế trực thuộc, cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định tổng số gói thầu sai phạm về trình tự, thủ tục là 52 gói thầu. Các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Đơn cử như tại một số gói thầu thuộc thẩm quyền của Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch trong việc thẩm định, phê duyệt, dự toán, lựa chọn nhà thầu đều do Hội đồng Khoa học trung tâm thẩm định phê duyệt, chưa phù hợp theo quyết định thành lập Hội đồng khoa học của trung tâm.

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xảy ra những tồn tại trên; rà soát toàn bộ việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, bộ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc chữa bệnh do ngành Y tế thực hiện, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hoàn thiện các thủ tục để thanh quyết toán việc mua sắm theo quy định.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra các cấp đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Riêng Thanh tra Chính phủ chuyển 16 vụ việc, trong đó có hai vụ việc chuyển hồ sơ việc mua sắm hai gói thầu vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh. Cơ quan thanh tra chuyển thông tin 24 vụ việc liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị chống dịch tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, nhiều gói thầu mua sắm thiết bị tại một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bị cơ quan thanh tra kết luận "có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để nâng giá bán cao bất thường".

Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức kiểm điểm, xử lý, thu hồi các khoản tiền do vi phạm đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra. Yêu cầu về siết chặt công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đấu thầu trong đó trên lĩnh vực y tế được xem là cấp bách hơn bao giờ hết.

(Còn nữa)

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/diem-mat-nhung-goc-khuat-trong-dau-thau-bai-1--i708204/