Điểm mặt "đại gia" bức hại sông, rạch: Xử lý dây dưa, khó hiểu!

Người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án của những "đại gia" lấn sông, rạch liên tục phản ánh nhưng địa phương lại không hay biết

Theo UBND quận 7, TP HCM, từ năm 2012, để triển khai dự án khu phức hợp nhà ở - thương mại tại phường Tân Phú, quận 7, chủ đầu tư là Công ty TNHH Riviera Point đã lấp tổng cộng 4 đoạn rạch thoát nước của khu dân cư xung quanh với diện tích hơn 1.800 m2. Việc làm trên khiến tình trạng ngập úng ở khu vực này thêm trầm trọng mỗi khi mưa lớn.

Kiểm toán mới phát hiện lấn chiếm

Tuy nhiên theo tìm hiểu, mặc dù nằm sau lưng UBND quận 7 nhưng việc lấp rạch của Công ty TNHH Riviera Point chỉ được phát hiện vào năm 2013 khi Kiểm toán Nhà nước về chuyên đề giao đất, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn quận 7. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo xử lý vụ việc. Nhận được đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, ngày 18-3-2013, UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp Ban Quản lý Khu Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND quận 7 xử lý ngay các sai phạm trong việc san lấp kênh rạch, lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh rạch, không tuân thủ các chỉ tiêu về quy chuẩn quy hoạch tại các dự án trên địa bàn quận.

Đến ngày 22-2-2016, UBND TP tiếp tục có văn bản yêu cầu chỉ đạo về việc san lấp rạch tại dự án khu cao ốc phức hợp nhà ở - thương mại của Công ty TNHH Riviera Point. Trong đó, yêu cầu UBND quận 7 khẩn trương khắc phục sai sót khi phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu cao ốc phức hợp nhà ở - thương mại, phải xây dựng hồ điều tiết thay thế diện tích rạch đã bị san lấp theo đúng quy định của UBND TP tại Công văn 6814 năm 2007; đồng thời tổ chức kiểm điểm các cá nhân, phòng ban liên quan để xảy ra sai sót khi thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Công văn cũng nêu rõ các đơn vị phải báo cáo Thành ủy và UBND TP kết quả thực hiện các nội dung trên trong tháng 2-2016. Trước khi có công văn ngày 22-2-2016 của UBND TP, Thành ủy đã có công văn ngày 4-1-2016 về thực hiện xây dựng hồ điều tiết và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan đến dự án này. Tuy nhiên đến nay, UBND quận 7 vẫn chưa tiến hành việc kiểm điểm.

Ngoài rạch Cả Cấm, ở quận 7, rạch Đỉa cũng đang bị không ít dự án bất động sản bao quanh và lăm le xâm hại

Ở phường Phú Hữu, quận 9, không ít con rạch đã bị khai tử bởi nhiều dự án nhà ở Ảnh: LÊ PHONG

Mới đây nhất là ngày 18-3-2017, UBND TP tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị xử lý các sai phạm trong việc san lấp kênh rạch, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông rạch, không tuân thủ các chỉ tiêu về quy chuẩn quy hoạch tại các dự án trên địa bàn quận 7.

UBND quận 7 cho biết để khắc phục sai sót khi phê duyệt quy hoạch, UBND quận đã yêu cầu Công ty TNHH Riviera Point lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi có báo cáo từ công ty, đầu năm 2017, UBND quận 7 đã chuyển Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở GTVT để lấy ý kiến thống nhất. Đồng thời, UBND quận 7 cũng có công văn yêu cầu UBND phường Tân Phú và Công ty TNHH Riviera Point để lấy ý kiến cộng đồng dân cư về điều chỉnh quy hoạch 1/500, trong đó có bổ sung hạng mục hồ điều tiết. Đến nay, UBND quận 7 đã nhận ý kiến đóng góp của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất điều chỉnh quy hoạch thì quận sẽ tổ chức họp kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, phòng ban liên quan.

Trước sức ép từ dư luận cũng như từ UBND TP HCM, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho biết sự việc là bài học đối với quận và địa phương cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Ông nhìn nhận cách giải quyết sự việc hơi máy móc nên kéo dài nhiều năm.

Điệp khúc… làm rõ

Trả lời câu hỏi vì sao để xảy ra tình trạng chung cư Riviera Point 40 tầng lấn rạch một cách ngang nhiên, lãnh đạo UBND quận 7 cho biết vụ việc xảy ra từ đời lãnh đạo trước nên mới... dây dưa! Cụ thể, quận 7 vừa có báo cáo gửi UBND TP trong đó có đề xuất hướng xử lý các cán bộ liên quan đến vụ việc. "Một vài cán bộ đã về hưu rồi, tuy nhiên kiểm điểm thì vẫn phải làm" - vị lãnh đạo UBND quận 7 nói.

Còn việc một số con rạch ở quận 9 bị "khai tử", theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, sở đã có văn bản yêu cầu đơn vị từng lấp kênh, rạch phải phối hợp UBND quận 9 khơi thông nhanh chóng. "Đường Võ Chí Công chưa có hệ thống thoát nước nên việc giữ lại rạch nguyên trạng và cửa thu nước cho khu vực này là hết sức cần thiết" - ông Tám khẳng định. Riêng chuyện một phần con rạch Cây Bàng bị lấp trái phép, ông Tám cũng thông tin Sở GTVT đã chỉ đạo UBND quận 2, quận 9 và Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV nhanh chóng khơi thông và có văn bản báo cáo gấp rút vụ việc một cách rõ ràng.

Tình trạng lấn chiếm kênh rạch cũng diễn ra phức tạp ở quận Thủ Đức. Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, quận đã ban hành văn bản nhắc nhở UBND cấp phường về việc lơ là trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn sông Sài Gòn và một số kênh, rạch khác. Cụ thể, quận chỉ đạo 12 phường làm rõ, xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, hiện chỉ nhận được báo cáo của các phường Bình Thọ, Bình Chiểu, Linh Tây, Linh Chiểu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú; những phường còn lại chưa nộp với nhiều lý do.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-8

Kỳ tới: Không khoan nhượng

Thêm nhiều trường hợp vi phạm

Ngày 3-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Sở GTVT TP nói tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP dù đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn khá phức tạp khi có nhiều điểm phát sinh mới. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP còn khoảng 116 trường hợp vi phạm lấn chiếm ở các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy.

Trong đó, sông Sài Gòn và Đồng Nai (đoạn qua quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh...) có số trường hợp vi phạm rất lớn, với nhiều "đại gia" là các công ty như Phúc Kiến Khang, Bảo Tiến... cùng hàng loạt hộ dân lấn chiếm.

Trên địa bàn các quận 7, 8, 12, những con rạch như Ông Lớn, Bà Tàng, Đỉa, Rơi...; cùng những dòng sông như Phú Xuân, Chợ Đệm - Bến Lức... cũng chịu số phận bị "bức tử" khi còn hàng loạt trường hợp lấn chiếm. Nhiều công trình ngoài việc vi phạm xây không phép, thậm chí chủ đầu tư còn thiết kế cả những cầu dẫn và phao nổi nằm "chình ình" trên các con sông, dòng kênh này. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Tân Thuận lấn rạch Tư Dinh (phường Tân Phong, quận 7): Vi phạm là đóng cừ tràm, lấp đất lấn rạch Tư Dinh dài khoảng 80 m, lấn ra rạch từ 2-4 m. Công ty TNHH TM Kinh doanh nhà ở - Xây dựng cầu đường Phương Nam lấn rạch Cả Cấm (quận 7): Xây dựng nhà trong hành lang bảo vệ bờ với diện tích dài khoảng 15 m, rộng dọc sông khoảng 6 m. Công ty Tấn Hưng đóng cọc lấn sông Chợ Đệm (phường 16, quận 8). Xí nghiệp Chế biến thủy sản Bình Điền đổ cột đà kiềng và xây tường rào với diện tích 70 m x 20 m ở sông Chợ Đệm - Bến Lức (quận 8). Công ty CP Vạn Phát Hưng san lấp cát và đắp bờ bao khoảng 600 m ven rạch Tôm (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè). Công ty TNHH Xây dựng và Thi công cơ giới Minh Phóng xây dựng kè không phép với chiều dài khoảng 50 m dọc theo bờ sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè)…

Đặc biệt, theo Sở GTVT TP, nghiêm trọng hơn của việc lấn chiếm là hàng loạt trường hợp còn vi phạm cả phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi. Số liệu thống kê tới giữa tháng 7-2017, các đơn vị đã phát hiện 37 trường hợp lấn chiếm trên hành lang bảo vệ của những công trình thủy lợi và hiện mới chỉ xử lý được 11 trường hợp, số còn lại chưa giải quyết được triệt để.

PHAN ANH - LÊ PHONG - GIA MINH - SỸ ĐÔNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/diem-mat-dai-gia-buc-hai-song-rach-xu-ly-day-dua-kho-hieu-20170803222656267.htm