Điểm mặt các vụ ‘giật’ giá cuối năm Rồng

(VTC News) – Đến hẹn lại lên, cứ tới cuối năm, nhiều mặt hàng rủ nhau “giật” giá đùng đùng.

Choáng vì trứng gà bị làm giá

Trong những ngày cuối năm Nhâm Thìn, du luận xôn xao nghi án trứng bị làm giá. Từ sau Tết Dương lịch đến nay, mặt hàng trứng gia cầm trên thị trường đã tăng thêm 4.000-8.500 đồng/chục chỉ trong vài ngày.

Trứng đồng loạt tăng mạnh từ Tp.HCM ra Hà Nội. Ở Hà Nội, tại các chợ Phùng Khoang, Nhân Hòa, chợ Khương Trung… trứng gà trắng được tiểu thương bán ra với giá dao động từ 3.400-3.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp là 2.500-2.700 đồng/quả, trứng vịt 3.200-3.300 đồng/quả.

Trước nghi án, trứng bị làm giá, ngày 14/1, Sở Công Thương Tp. HCM đã làm việc với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam về việc giá trứng tăng cao những ngày qua. Tại buổi họp này, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, việc tăng giá trứng thời gian qua là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian tới.

Theo đó, đại diện C.P cho rằng, chính sách điều chỉnh giá của C.P là theo cung cầu thị trường, trong khi đó, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ các loại trứng gia cầm trên thị trường tăng mạnh nhân dịp lễ, tết. Do đó, C.P đã nhiều lần tăng giá bán nhằm thu lợi nhuận.

Tuy nhiên, thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, từ tháng 12/2012 đến nay, lượng trứng nhập khẩu, sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, giá các loại thức ăn chăn nuôi không hề tăng nên việc tăng giá của C.P là bất hợp lý.

Gần Tết, hàng hóa “nối đuôi” tăng giá ầm ầm

Sau CP đến lượt Emivest thừa nhận tăng giá bất hợp lý và điều chỉnh giá. Emivest lý giải tăng giá là do cung cầu. Tuy nhiên, Sở Công thương TP HCM đã đưa ra bằng chứng là số lượng nhập và bán các mặt hàng trứng gia cầm đều tăng 30-50%, không có tình trạng giảm nguồn cung. Do đó việc tăng giá bất hợp lý của Emivest cùng với CP là hoàn toàn sai. Việc này tạo nên hiệu ứng dây chuyền khiến thị trường trứng gia cầm thành phố thời gian qua mất ổn định.

Emivest hứa sẽ giảm giá theo lộ trình trong ba ngày từ 16-19/1 giá trứng bán sỉ còn là 20.200 đồng mỗi vỉ.

Sữa dùng chiêu để “thổi” giá

Vừa mới bước sang năm 2013, một loạt các hãng sữa đã đua nhau tăng giá bằng đủ thứ “chiêu trò”: công khai tăng giá sữa, giữ nguyên giá nhưng giảm trọng lượng, cải tiến mẫu mã nên cải tiến luôn giá thành.

Mở đầu cho đợt tăng giá sữa trong năm 2013 là việc sữa Dumex tăng giá. Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái miền Bắc mới đây đã có thông báo sẽ tăng giá các loại sản phẩm Dumex Gold với mức tăng từ 8,5 đến 9% kể từ ngày 2/1/2013. Riêng giá hàng Dumex Mama (bước 0) thì chưa có giá cụ thể. Lần tăng giá gần nhất trước đó của Dumex là từ tháng 2/2012 với mức tăng hơn 10%.

Trước đó, ngày 1/11/2012, hãng sữa XO của hãng NamYang (Hàn Quốc) do Công ty cổ phần Nam Dương phân phối cũng đã được điều chỉnh giá với mức tăng gần 10%. Cụ thể giá mới sẽ là 229.000 đồng – 277.000 đồng/hộp 400 gram và từ 433.000 – 547.000 đồng/hộp 800 gram (tùy loại).

Ngày 14/1, nhiều đại lý sữa cho biết Công ty Meadjonson Nutrition Vietnam mới có thông báo tăng giá bán sữa lên 10%, áp dụng từ ngày hôm qua. Lý do tăng giá mà hãng đưa ra là do thay đổi mẫu mã bao bì.

Một chủ đại lý sữa bật mí rằng việc thay đổi bao bì này thực ra là một chiêu “lách luật” mà các hãng sữa vẫn thường áp dụng khi muốn tăng giá mà trong khi giá cả nguyên vật liệu đứng yên.

Giá rau tăng vù vù

Năm hết, Tết đến, người dân phải đối mặt với hàng loạt đợt tăng giá của nhiều mặt hàng. Trong đó, đáng kể nhất chính là việc giá rau xanh “leo thang”.

Đợt rét đậm rét hại đầu tiên mùa Đông năm nay mới chỉ hơn mười ngày, vậy mà tiểu thương đã lợi dụng để đẩy giá các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là rau xanh tăng gấp đôi, ba lần

Tại các chợ bán lẻ, rau củ đội giá đến chóng mặt, nhiều loại tăng gấp đôi ba lần như: Xu hào 5.000 đồng/củ nay có giá 8.000 - 10.000 đồng, súp lơ từ 10.000 - 12.000 đồng nay tăng đến 20.000 - 22.000 đồng/cái, rau muống 15.000 đồng/mớ; rau cần, cải xoong, cải cúc nhất loạt tăng thêm từ 2.000 - 3.000 đồng/mớ.

Lí do nhiều, nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản do tư thương lợi dụng thời tiết đẩy giá trục lợi. Thường thì nguồn cung khan hiếm hàng hóa mới tăng giá, nhưng trong những ngày này rau quả rất nhiều mà giá vẫn cao.

Rau đắt tại tất cả các chợ ở nội ngoại thành Hà Nội, nhưng trong các siêu thị như Bic C, Fivimat… giá cả không thay đổi bao nhiêu, nhưng do thói quen tiêu dùng của đại đa số, rau bữa nào mua bữa ấy cho tươi nên không ai mua tích trữ, để dành.

Giá tàu xe tăng phi mã

Theo kế hoạch bán vé xe Tết Quý Tỵ 2013 của Bến xe Miền Đông, hành khách đi lại trong dịp cao điểm Tết sẽ phải chịu phí phụ thu từ 20% - 60% so với giá vé ngày thường, tùy ngày đi và tuyến xe. Thời gian cao điểm Tết được tính từ 10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết (tức là từ 20 tháng Chạp năm Nhâm Thìn cho đến hết mùng 10 tháng Giêng năm Quý Tỵ).

Cụ thể, các tuyến từ Sài Gòn đi các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng sẽ phụ thu 60% từ ngày 23 – 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn; phụ thu 20% từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết.

Giá vé tàu Tết năm nay chia thành nhiều giai đoạn áp giá: 2 giai đoạn trước Tết (từ 14 – 20 tháng Chạp và từ 21 - 28 tháng Chạp), giai đoạn trong Tết (từ 29 tháng Chạp – mùng 3 Tết) và 2 giai đoạn sau Tết (từ mùng 4 – 12 Tết và từ 13 – 22 tháng Giêng). Với cách phân đoạn này, giá vé chỉ tăng từ 10 – 15% so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nếu so giá vé trong thời gian cao điểm Tết với giá vé trước thời gian cao điểm thì mức tăng cao nhất lên đến 46%.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, luồng hành khách trong dịp Tết di chuyển không cân đối, chỉ tập trung đi từ Nam ra Bắc trong giai đoạn trước Tết và ngược lại trong giai đoạn sau Tết. Do đó, ngành đường sắt phải điều chỉnh giá vé để bù đắp chi phí chạy rỗng (chiều vắng khách) và giãn bớt hành khách đi vào ngày cao điểm.

Bảo Linh

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-363517/kinh-te/diem-mat-cac-vu-giat-gia-cuoi-nam-rong.htm