'Điểm danh' các chính sách có hiệu lực từ tháng 11

Quy định về mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát và ngành thép; Bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT; Mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai... là những chính sách ngành Công Thương có hiệu lực từ tháng 11.2016.

Mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát

Từ ngày 1.11.2016, Thông tư số 19/2016/TT-BCT (Thông tư 19) quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát có hiệu lực thị hành.

Cụ thể, Thông tư 19 quy định về định mức tiêu hao năng lượng cho các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 – đến hết năm 2025; Phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng trong các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát. Thông tư 19 không áp dụng đối với các sản phẩm nước tinh khiết và nước khoáng.

Đối tượng áp dụng của Thông tư 19 bao gồm cơ sở sản xuất, tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Thông tư 19, suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia và nước giải khát giai đoạn từ nay hết năm 2025 không được vượt quá định mức tiêu hao năng lượng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 19. Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp bia và nước giải khát cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng với từng giai đoạn thì cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 19; Suất tiêu hao năng lượng của các dự án đầu tư mới hoặc các dự án cải tạo mở rộng không được vượt quá định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 19.

Thông tư 19 yêu cầu Tổng cục Năng lượng Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung của Thông tư 19. Trên phạm vi cả nước, Tổng cục Năng lượng phối hợp với Sở Công Thương các địa phương kiểm tra tình hình thực hiện định mức năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo định mức năng lượng theo lộ trình (khi cần thiết). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Năng lượng báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với những trường hợp không thực hiện đúng quy định tại Điều 5 Thông tư 19 và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Các cơ sở không đạt định mức tiêu hao năng lượng tại thời điểm quy định và không đưa ra được các kế hoạch khả thi để đảm bảo các định mức theo lộ trình quy định tại Điều 5 của Thông tư 19 sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.

Quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép

Từ ngày 8.11.2016, Thông tư 20/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép có hiệu lực thi hành.

Thông tư này quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép trong giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 - đến hết năm 2025 bao gồm các công đoạn sản xuất: Thiêu kết quặng sắt; Luyện gang lò cao; Luyện thép lò chuyển (lò thổi), luyện thép lò điện hồ quang, luyện thép lò cảm ứng; Cán thép.

Thông tư này không điều chỉnh các hoạt động sau: Sản xuất gang, thép phục vụ cho đúc chi tiết cơ khí; Sản xuất thép hợp kim làm vật liệu chế tạo máy; Sản xuất thép tấm phẳng cán nóng.

Thông tư 20 yêu cầu rõ, suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 không vượt quá định mức tiêu thụ năng lượng được quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Trường hợp suất tiêu hao năng lượng của cơ sở sản xuất ngành công nghiệp thép cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng với từng giai đoạn thì cơ sở sản xuất phải lập và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo các yêu cầu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của các dự án đầu tư mới hoặc các dự án cải tạo mở rộng không được vượt quá các giá trị được quy định trong Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Thông tư cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu suất năng lượng bao gồm: Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50.001 cho đơn vị và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quản lý năng lượng; Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp (thay thế các thiết bị đơn lẻ có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn); Các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao (thay thế một, vài cụm thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn hoặc thay đổi công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng). Khuyến khích tổ chức cá nhân áp dụng các giải pháp cải thiện nâng cao hiệu suất năng lượng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT

Từ ngày 26.11.2016, Thông tư số 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30.10.2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may có hiệu lực thi hành.

Đây là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may khắc phục khó khăn về cả sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện tại.

Theo thông tư 37, những sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này gồm sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất, hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Cũng theo Thông tư 37, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định tại Điều 20, Thông tư số 48/2011/TT-BCT. Việc thực hiện kiểm tra hàm lượng trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: Kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.

Hướng dẫn Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN

Từ ngày 15.11.2016, Thông tư 22/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư này quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA.

Tháng 1.2016, các nước ASEAN đã thống nhất các nội dung cần sửa đổi trong Chương Quy tắc xuất xứ của ATIGA và Ban Thư ký ASEAN trình lên Hội đồng AFTA phê duyệt giữa kỳ, gồm 2 nội dung: Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin theo HS 2012 và Thủ tục cấp và kiểm tra C/O được sửa đổi để áp dụng C/O mẫu D điện tử. Cuối tháng 2/2016 và đầu tháng 3/2016, Hội đồng AFTA đã gửi thư phê chuẩn đối với Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) theo HS 2012 và thông qua việc sửa đổi Thủ tục cấp và kiểm tra C/O để áp dụng C/O mẫu D điện tử trong ATIGA.

Để nội luật hóa những cam kết quốc tế này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03/10/2016. Trong đó sửa đổi và bổ sung các nội dung sau:

- Phụ lục IV: Danh mục các mặt hàng công nghệ thông tin (ITA) theo mã HS 2012

- Phụ lục VII: Thủ tục cấp và kiểm tra C/O (bổ sung một số điều để áp dụng C/O mẫu D điện tử)

- Ngoài ra, thời hạn lưu trữ hồ sơ (áp dụng cho cả hồ sơ giấy và dữ liệu hồ sơ điện tử) cũng được quy định 5 năm (thay vì 3 năm như quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BCT trước đây)

Các Phụ lục khác cơ bản không thay đổi và được hợp nhất từ Thông tư số 21/2010/TT-BCT và Thông tư số 42/2014/TT-BCT.

Thủ tướng Chính phủ quyết định mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Từ ngày 15.11.2016, Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai có hiệu lực thi hành.

Theo Quyết định, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai sau khi điều chỉnh có tổng diện tích là 15.929,8 ha và có địa giới hành chính xác định cụ thể như sau:

Thành phố Lào Cai (Phường Lào Cai, phường Phố Mới, phường Duyên Hải; các thôn Hồng Sơn, Sơn Mãn 1. Sơn Mãn 2 thuộc xã Vạn Hòa; các thôn Làng Đen, Kim Thành, Lục Cẩu thuộc xã Đồng Tuyển); Huyện Bảo Thắng (các thôn Nậm Sò, Km8, Bản Quẩn thuộc xã Bản Phiệt);

Huyện Bát Xát (gồm các thôn Kim Thành 1, Kim Thành 2, Làng Hang, An Quang thuộc xã Quang Kim; Tân Hồng, Châu Giàng, Hải Khê, Bản Qua, Bản Vền, Bản Vai, Coóc Cài thuộc xã Bản Qua; Km O, Mường Đơ, Đội 1, Đội 2, Đội 3 thuộc xã Bản Vược; Tân Tiến, Phố Mới 1, Phố Mới 2 thuộc xã Trịnh Tường; Minh Trang, Tân Giang, Bản Trang thuộc xã Cốc Mỳ; Ngam Xá, Ma Cò, Cửa Suối thuộc xã Nậm Chạc; Nậm Mít, Tùng Sáng, Lũng Pô 1, Lũng Pô 2, Pạc Tà, Sa Pả thuộc xã Á Mú Sung; Séo Phìn Chư, Khu Chu Lìn thuộc xã A Lù; Chin Chu Lìn thuộc xã Ngải Thầu; Hồng Ngài, Sim San 1, Sín Chải 1 thuộc xã Ý Tý);

Huyện Mường Khương (gồm thị trấn Mường Khương; các thôn Lao Tô, Vú Xà, Na Măng, Lũng Thắng thuộc xã Tả Gia Khâu; Dìn Chin 2, Ngải Thầu 2, Lùng Sán Chồ thuộc xã Dìn Chin; Lồ Cố Chin, Tả Lùng Thắng, Xà Chải, Sín Chải,Pha Long 1, Pha Long 2, Lao Táo thuộc xã Pha Long; Sín Chải A, Sín Chải B, Thàng Chư Pến, Lùng Vùi, Bản Phố thuộc xã Tả Ngải Chồ; Séo Tủng, cán Hồ, Tung Chung Phố thuộc xã Tung Chung Phố; Pạc Mo, Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3, Na Lốc 4, Cốc Phương thuộc xã Bản Lầu; Lao Chải, Thôn Mới, Gia Khâu B, Cốc Pản thuộc xã Nậm Chảy; Cốc Lầy thuộc xã Lùng vai);

Huyện Si Ma Cai (gồm Thôn Hóa Chư Phùng, Lũng Choóng, Sảng Chải 5 thuộc xã Nàn Sán; Na Cáng, Sín Chải thuộc xã Si Ma Cai;Lù Dì Sán thuộc xã Sán Chải).

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được tổ chức thành các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan; khu cửa khẩu; khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật về Khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Việc bảo đảm đầu tư kinh doanh đối với các nhà đầu tư do thay đổi ranh giới địa lý theo quy định tại Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Luật đầu tư năm 2014 và Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12.11.2015.

T.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/diem-danh-cac-chinh-sach-co-hieu-luc-tu-thang-11-606251.bld