Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp: Chất lượng giáo viên tương lai sẽ ra sao?

Năm nay, mặt bằng điểm thi THPT quốc gia cao nên điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với ngành sư phạm.

Nhiều trường đại học có điểm chuẩn bằng điểm sàn (15,5), hệ cao đẳng giảm xuống chỉ còn 9-10 điểm. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng giáo viên trong tương lai.

Hai cơ sở đào tạo ngành sư phạm danh tiếng và có điểm trúng tuyển vào top cao nhất nước ta là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM. Cụ thể, với ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành sư phạm toán học (dạy bằng tiếng Anh) có điểm chuẩn cao nhất 27,75. Trong khi đó, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 17 (ngành giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng - An ninh). Trong khi đó, năm nay, ĐH Sư phạm TP.HCM lấy điểm chuẩn từ 17,75 (sư phạm tiếng Nga) đến 26,25 (sư phạm toán). Nhìn chung, mức điểm chuẩn 27,75 hay 26,25 không thấp. Tuy nhiên, nếu so với những ngành “hot” khác, khối sư phạm vẫn có chuẩn đầu vào thấp hơn.

Trừ hai trường sư phạm trên, khối sư phạm ở các trường đại học khác có điểm đầu vào rất thấp. ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển 13 ngành sư phạm thì có 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 19 trở xuống. ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non. ĐH Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như sư phạm toán học, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc là 15,5. Đây cũng là điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành của ĐH Vinh và ĐH Tây Nguyên... ĐH Sư phạm - ĐH Huế đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển, nhiều mã ngành của trường lấy bằng điểm sàn quy đổi, chỉ ở mức 15,5 điểm. Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hóa) 10/10 ngành sư phạm hệ đại học lấy điểm chuẩn là 15,5. Đại học Tân Trào (công lập, tỉnh Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ đại học (mầm non, tiểu học, toán, sinh) là 15,5 điểm.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm Ho, Khó thở, Hen suyễn, COPD lâu năm

Khối đại học lấy điểm thấp như vậy, khối cao đẳng sư phạm điểm chuẩn còn thấp hơn nhiều. CĐ Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm với các ngành sư phạm toán, sư phạm sinh, sư phạm ngữ văn. Điều này đồng nghĩa việc chỉ 3 điểm mỗi môn, thí sinh đã trúng tuyển. Tương tự, CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5. CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.

Mức điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm chỉ hơn 3 điểm một môn ở hệ cao đẳng và bằng điểm sàn với hệ đại học là điều đáng suy ngẫm, lo ngại. Khi mà ngành sư phạm là nơi đào tạo ra các thầy cô giáo trong tương lai. Điểm chuẩn thấp đồng nghĩa thí sinh trúng tuyển không có học lực giỏi. Vậy sau này họ khó có thể trở thành những thầy cô giáo giỏi. Thực tế cho thấy, những sinh viên có điểm đầu vào thấp vốn thiếu hụt kiến thức phổ thông nên cần bổ sung nhiều khi vào trường. Họ có thể không thể tiếp thu kịp thời kiến thức mới. Với những ngành có điểm chuẩn quá thấp, chất lượng giáo dục không thể cao.

Điều đáng ngại là dù điểm chuẩn sư phạm thấp như vậy, nhưng thí sinh vẫn thờ ơ. Nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Lý giải nguyên nhân khiến ngày càng có ít học sinh có học lực giỏi và xuất sắc ở bậc THPT “đầu quân” vào ngành sư phạm, đa phần các ý kiến đều cho rằng, do cơ chế tuyển dụng vào ngành sư phạm hiện nay khá cứng nhắc và tồn tại nhiều tiêu cực dẫn đến việc “chạy” việc với giá cao đã khiến nhiều học sinh giỏi ngại vào sư phạm. Ngành sư phạm vốn lương thấp, khó xin việc làm, lại thêm chuyện đề xuất bỏ biên chế, nên càng khó thu hút thí sinh dự thi. Ngày trước, chính sách ưu đãi cho sinh viên sư phạm tốt, công việc sau khi tốt nghiệp cũng được đảm bảo, điểm trúng tuyển vào ngành luôn ở mức cao. Hiện tại, thí sinh thích các ngành khác có triển vọng hơn. Trong khi đó, chất lượng đầu ra ngành sư phạm chưa được đảm bảo, việc tăng chất lượng đầu vào rất khó. Một số ý kiến khác thì đánh giá: Ngành sư phạm vốn thu nhập thấp, người lao động khó đổi nghề thì điểm chuẩn đương nhiên không cao bằng một số ngành khác.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ và thu nhập của ngành sư phạm hiện nay vẫn thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác. Cùng với đó, người giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực từ việc nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn đến các áp lực xã hội từ bên ngoài tác động vào khiến nghề dạy học không còn nhiều hấp dẫn với học sinh như trước.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành giáo dục, muốn thu hút người giỏi vào sư phạm, cần phải làm một cuộc cách mạng từ tuyển sinh - đào tạo; tuyển dụng - sử dụng; chọn lọc và cuối cùng là đãi ngộ. Đặc biệt, phải đặt đúng giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Xã hội cần đánh giá mức độ đóng góp của ngành sư phạm để có những cú hích thích đáng nhằm thu hút người tài giỏi, tâm huyết theo nghề. Đây là một trong những ngành cốt lõi của xã hội, ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ. Do đó, việc nâng chất lượng thí sinh ngành này rất cần thiết.

Ngọc Hồng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/iem-chuan-nganh-su-pham-thap-chat-luong-giao-vien-tuong-lai-se-ra-sao-n135111.html