Điểm chuẩn 30 - 30,5, có còn là… điểm chuẩn?

Vấn đề điểm chuẩn trong kì thi tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục gây nên nhiều luồng dư luận. Dư luận xoáy vào trường hợp một thí sinh đạt 3 môn thi 29,15 điểm, nếu làm tròn đạt 29,25 mới bằng điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa – ĐH Y Hà Nội. Và sự trượt của em trở nên điển hình chua xót.

Xin hỏi, điểm chuẩn 29,25 có phải là điểm chuẩn không? Phải!

Vậy điểm chuẩn 30 có phải là điểm chuẩn không? Phải…, nhưng cũng không phải!

Phải, vì đó là mốc nhà trường đưa ra xét tuyển, gọi là điểm chuẩn. Nhưng không phải, vì đó là điểm tối đa. Loại điểm mà một thời, không ít thầy cô nói vui rằng, đó là “điểm của trời” vì không mấy ai dễ đạt được trong các cuộc thi tuyển đại học.

Đã là điểm tối đa, mà còn là điểm chuẩn, thì tự thân hai cách gọi này đã “va đập” nhau ầm ầm rồi. 30 là điểm chuẩn, thì hóa ra, nền giáo dục của chúng ta tiên tiến quá, tạo ra nền học lực của học sinh quá xuất sắc, cho nên điểm tối đa mới trở thành điểm chuẩn. Nhưng nhìn từ góc độ khác, sở dĩ có kiểu “điểm chuẩn 30” chính là vì chính sách điểm ưu tiên vùng miền, diện con em… đã có những bất cập.

Đơn cử, 1 thí sinh không thuộc diện được cộng điểm ưu tiên đạt 29 điểm thi 3 môn, điểm chuẩn là 29,25; thế nhưng vẫn bị thí sinh có tổng điểm thi 3 môn là 28 hoặc 28,5 vượt qua vì nhờ cộng điểm ưu tiên vào thì đạt 29,25 hoặc hơn. Như vậy, chính sách điểm ưu tiên vô hình chung loại người có điểm số thực cao hơn, hay có thể nói cách khác là giỏi hơn.

Nên chăng đã đến lúc, tính ưu tiên theo tiêu chí phụ, hoặc cộng phần trăm ưu tiên (%), chứ không tính theo điểm cộng ưu tiên bằng con số vào thẳng điểm thi, tất nhiên là ngoài những vùng miền hay trường hợp đặc biệt, đặc thù. Nếu chúng ta cứ giữ cách làm xây dựng điểm chuẩn với cấu phần có cả điểm ưu tiên trong đó thì quả là không ổn chút nào.

Vậy 30,5 điểm có còn là điểm chuẩn hay không? Chắc chắn là không!

Làm gì có kiểu điểm chuẩn vượt quá “điểm của trời” - điểm tối đa!

Nếu thế thì các tài năng, những học sinh giỏi... sẽ rơi rụng hết chỉ vì không được cộng điểm ưu tiên. Bởi với họ, chỉ có thực lực là vốn quí giá nhất, là tất cả những gì có thể mang ra thi triển. Và một nền giáo dục, nếu cứ để những trường hợp như thế rơi rụng, thiệt thòi… thì sẽ ra sao? Những người có thẩm quyền xét tuyển, đứng trước các trường hợp như thế bị “trượt”, không lẽ không thấy áy náy?...

Xin thưa rằng, nhiều năm nay chúng ta vẫn thường tôn vinh các thủ khoa sau mỗi kì thi. Xin thưa rằng, 30 điểm chính là thủ khoa đấy. Xin thưa rằng, đã là thủ khoa thì xét thực lực chứ không nên thêm các điểm cộng ưu tiên vào. Thủ khoa mà bị trượt bị rớt, oái oăm lắm và cũng ngộ quá, buồn cười quá. Những trường hợp này, với các trường tư hay trường quốc tế, thậm chí họ còn trải thảm đỏ mời về cùng với học bổng.

Chúng ta đã theo tư duy rằng, đã là chuẩn thì không cần chỉnh. Nhưng trong trường hợp điểm chuẩn năm 2017 đang được bàn tán nhiều, rất cần chỉnh và xem xét lại, để sao cho hợp lí hơn, kích thích được những người học giỏi, thi đạt điểm cao.

Diệu Tiên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/diem-chuan-30-305-co-con-la-diem-chuan-545163.ldo