Điểm bất thường trong vụ rò rỉ tài liệu mật chấn động của Mỹ

Dựa trên các tài liệu buộc tội, Jack Teixeira dường như không phải một điệp viên nước ngoài hay một người tố giác (whistle blower), trái ngược với những vụ rò rỉ thường thấy.

Jack Teixeira dường như không phải một điệp viên nước ngoài hay một người tố giác (whistle blower). Ảnh: WBZ.

New York Times nhận định thật khó đoán vụ truy tố Jack Teixeira - thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ bị buộc tội tiết lộ tài liệu mật - sẽ diễn ra như thế nào, vì những điểm bất thường trái ngược với mô típ chung của các vụ rò rỉ thông tin.

Theo các tài liệu, Teixeira dường như không phải một điệp viên nước ngoài. Nghi phạm này cũng không đóng vai trò người tố giác (whistle blower), cố ý chia sẻ bí mật với truyền thông và công chúng. Điều này khiến trường hợp của Teixeira khác biệt so với các vụ rò rỉ thông tin phổ biến trong thế kỷ XXI.

Teixeira cũng không phải một người lưu trữ tài liệu mật tại nhà. Phi công này đã chia sẻ thông tin bất hợp pháp cho một nhóm người, do đó cáo buộc của anh sẽ nghiêm trọng hơn.

Nhiều câu hỏi

Thông thường, các vụ rò rỉ thông tin được giải quyết bằng thỏa thuận nhận tội. Để chính phủ không phải đối phó các vấn đề pháp lý và quan liêu khi thảo luận về các bằng chứng mật trước tòa, các công tố viên thường cố gắng tránh xét xử.

Với thỏa thuận này, các bị cáo cũng có cơ hội nhận bản án nhẹ hơn so với bản án mà họ phải đối mặt theo Đạo luật Gián điệp, vốn hình sự hóa việc lưu giữ trái phép và tiết lộ bí mật an ninh quốc gia.

Đạo luật quy định mức án lên tới 10 năm tù cho mỗi tội danh, và mỗi tài liệu bị rò rỉ có thể được coi là một tội danh. Trong khi đó, thỏa thuận nhận tội trong các vụ rò rỉ thông tin thường chỉ dẫn đến một vài năm tù.

Teixeira khó có thể nhận mức án nhẹ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các công tố viên khó có thể đưa ra bản án nhẹ trong một vụ án nghiêm trọng như trường hợp của Teixeira. Nghi phạm này đã tiết lộ hàng trăm tài liệu mật liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn mức độ do thám của Mỹ với thông tin liên lạc quân sự của Nga.

Đáng chú ý, trong hai trường hợp rò rỉ tài liệu lưu trữ trước đây của Joshua Schulte và Chelsea Manning, các công tố viên và bị cáo đã không đạt được thỏa thuận nhận tội.

Joshua Schulte, cựu lập trình viên máy tính của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bị buộc tội gửi các tệp tài liệu tuyệt mật về công cụ hack cho WikiLeaks. Khi công bố thông tin, WikiLeaks cho biết Schulte muốn chính sách của CIA được thảo luận công khai. Tuy nhiên, các công tố viên cáo buộc anh là một nhân viên bất mãn, đánh cắp tài liệu mật để trả thù cấp trên.

Phát ngôn viên của văn phòng công tố cho biết với 9 tội danh, Schulte có thể đối mặt với mức án tối đa 80 năm tù, song ngày tuyên án chưa được xác định.

Tương tự, Chelsea Manning, nhà phân tích tình báo đã gửi hàng trăm nghìn hồ sơ quân sự và ngoại giao cho WikiLeaks, bị kết án 35 năm tù vào năm 2013 với một số trọng tội và không có bất kỳ thỏa thuận nào. Cô được trả tự do vào năm 2017 sau khi cựu Tổng thống Barack Obama giảm nhẹ phần lớn thời gian còn lại của bản án.

Một câu hỏi khác là cơ quan nào sẽ truy tố Teixeira?

Nghi phạm này thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts và thu thập tài liệu từ một căn cứ quân sự. Do đó, Teixeira có thể bị truy tố tại hệ thống tòa án quân sự thay vì tòa án liên bang.

Tuy nhiên, ông Eugene Fidell, chuyên gia luật quân sự và là giảng viên Trường Luật Yale, cho rằng Bộ Tư pháp sẽ khó từ bỏ vụ án này vì “mức độ nổi tiếng” của nó. Ông cũng cho biết thêm Bộ Tư pháp có nhiều kinh nghiệm hơn Bộ Quốc phòng trong việc truy tố những trường hợp tương tự.

Rắc rối

Địa điểm truy tố Teixeira cũng là vấn đề đáng quan ngại. Nghi phạm này bị bắt ở Massachusetts, và vụ án cũng diễn ra tại bang này. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp có thể sẽ truy tố Teixeira ở quận phía đông Virginia, nơi có trụ sở của Lầu Năm Góc - cơ quan nạn nhân.

Tòa án liên bang ở Alexandria, Virginia, là nơi xét xử nhiều vụ rò rỉ thông tin. Văn phòng công tố viên tại đây cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề tương tự.

Tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm có thể khiến các vấn đề pháp lý và quan liêu thêm phức tạp. Trong vụ án trước đây, Schulte bị khởi tố tại quận phía nam của New York - nơi anh sinh sống và bị bắt giữ, trong khi cuộc điều tra WikiLeaks của Bộ Tư pháp được tiến hành với đại bồi thẩm đoàn ở tòa án Alexandria.

Jack Teixeira bị FBI bắt giữ ngày 13/4 tại Massachusetts. Ảnh: Reuters.

Văn phòng công tố viên Massachusetts cũng có một số kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ rò rỉ thông tin.

Vào năm 2020, cựu kỹ sư Raytheon đã nhận tội tại Massachusetts vì lưu giữ trái phép 31.000 trang thông tin mật, trong đó có nhiều tài liệu liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Raytheon bị phạt 10.000 USD và 18 tháng tù.

Theo BBC, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn tiếp tục đánh giá những thiệt hại từ vụ rò rỉ được cho là nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.

Jack Teixeira tham gia lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia vào năm 2019 và được cấp phép truy cập tài liệu “tối mật” (top secret) vào năm 2021. Đây là mức độ bảo mật cao nhất và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia nếu bị rò rỉ ra công chúng.

FBI áp giải nghi phạm vụ rò rỉ tài liệu mật ở Massachusetts Jack Douglas Teixeira, thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ, bị bắt giữ ngày 13/4. Anh đứng đầu một nhóm thanh thiếu niên 20-30 người chia sẻ về súng đạn trực tuyến.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-bat-thuong-trong-vu-ro-ri-tai-lieu-mat-chan-dong-cua-my-post1422167.html