Điểm báo 14/12: 'Đỏ mắt' tìm lao động có tay nghề

Chưa hết áp lực lãi vay; 'Đỏ mắt' tìm lao động có tay nghề; Tăng quyền lợi, thêm lựa chọn để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần; Hệ lụy từ phê bình lộn xộn trên mạng xã hội... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 14/12.

CHƯA HẾT ÁP LỰC LÃI VAY

Lãi suất tiết kiệm xuống mức kỷ lục trong lịch sử, thấp nhất chỉ còn 2,4%/năm, song lãi suất cho vay lại chưa giảm tương ứng. Thực tế này khiến hàng triệu tỷ đồng mà ngân hàng huy động để cho vay vẫn phải “đắp chiếu” vì “ế”. Thông tin trên trang nhất báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của DN. Các khoản vay mới, thời gian thẩm định, giải ngân quá dài, ngân hàng yêu cầu DN cung cấp nhiều giấy tờ trong hồ sơ vay vốn. Tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần là do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và DN còn yếu, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi nhưng cũng có nguyên nhân lãi suất cho vay ở một số ngân hàng còn khá cao. Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp, từ nay đến cuối năm 2023, phải giảm lãi suất những khoản vay cũ để bảo đảm hỗ trợ DN. Đồng thời, nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay, nhằm tạo điều kiện cho các DN, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

“ĐỎ MẮT” TÌM LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ

Tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... các doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động từ tháng 11 để chuẩn bị cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm. Đáng nói là việc tuyển dụng khó khăn cho dù thời gian qua nhiều lao động thất nghiệp.

Kể từ giữa năm, Khi các DN thiếu đơn hàng, phải giãn việc thì nhiều lao động đã rời thành phố trở về quê. Nhiều người ở miền Trung, nhiều người còn ở tận vùng núi phía Bắc nên dù có nhu cầu làm việc tại TPHCM thì quay lại cũng không dễ dàng. Từ đó phát sinh nghịch lý dù số công nhân thất nghiệp trên địa bàn lớn nhưng nhiều DN không tuyển được người, không thể mở rộng sản xuất dịp Tết. Đồng thời các doanh nghiệp rất khó tuyển được lao động do phần lớn người mất việc thuộc đối tượng lao động phổ thông, tay nghề thấp nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó ở một số ngành, nhà tuyển dụng tìm kiếm người lao động có trình độ, chuyên môn. Đáng chú ý có nhiều người lao động chỉ chú trọng đến hưởng trợ cấp thất nghiệp nên chưa thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ chấp nhận làm công việc thời vụ hoặc lao động tự do để vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có thêm thu nhập.

TĂNG QUYỀN LỢI, THÊM LỰA CHỌN ĐỂ HẠN CHẾ RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

Trong 10 tháng của năm 2023, cả nước đã giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia. Vậy làm thế nào để người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần? Bài viết trên Thời báo tài chính VN.

Theo đó, Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Bên cạnh đó, người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt... Nếu người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên. Theo BHXH Việt Nam, việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già - tuổi dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe và không thể lao động do sức khỏe suy yếu. Do vậy người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần.

HỆ LỤY TỪ PHÊ BÌNH LỘN XỘN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Trên báo Tiền phong có bài viết, với sự ra đời của các nền tảng mạng xã hội kéo theo sự trỗi dậy của những nhà phê bình mạng, trong đó không nhiều người có chuyên môn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Người dùng mạng xã hội thường có xu hướng công kích cá nhân, ít mang tính xây dựng, hay “chụp mũ” cho người đối thoại và “múa phím” cho đã tay rồi quên ngay những gì mình phát ngôn. Với cách phê bình, đánh giá tác phẩm như vậy có thể thúc đẩy một nền văn hóa hời hợt, khiến nền công nghiệp văn hóa phát triển chậm lại. Để đào tạo được lực lượng hoạt động chuyên nghiệp nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển lý luận phê bình thời gian tới, Nhà nước cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác Lý luận phê bình, có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà Lý luận phê bình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-14-12-do-mat-tim-lao-dong-co-tay-nghe-202723.htm