Dịch sốt xuất huyết gia tăng

Chủ động giám sát và xử lý các ổ dịch

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa nên số lượng ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng lên. Để chủ động phòng chống dịch SXH, ngành Y tế thành phố đã tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác phun thuốc, diệt bọ gậy, lăng quăng cũng như tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đến từng tổ dân phố.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, lăng quăng, phòng chống dịch SXH.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (TTYTDPTP) cho biết, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng ghi nhận gần 3.200 ca mắc SXH (cùng kỳ năm 2015 là 676 ca), không có trường hợp tử vong. Trung tâm phát hiện và đã xử lý hơn 200 ổ dịch nhỏ xuất hiện rải rác trong khu dân cư. Địa phương có tỷ lệ người mắc nhiều nhất là Q. Ngũ Hành Sơn (453 ca), Q. Cẩm Lệ (493 ca), Q. Sơn Trà (504 ca)....

Giám đốc Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ Trần Thiện Hùng cho biết, hiện tại, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận điều trị cho khoảng 15-20 ca mắc SXH. Qua thăm khám và tiến hành các xét nghiệm, nếu phát hiện những ca bệnh nặng, đơn vị sẽ chuyển lên tuyến trên để điều trị theo quy định. Tính đến nay, trên địa bàn Cẩm Lệ đã xuất hiện 41 ổ dịch SXH nhỏ và số ca mắc tập trung nhiều ở các P. Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây và Khuê Trung, dự báo trong thời gian sẽ có thêm P. Hòa Xuân…

Theo Bs Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccin sinh phẩm (TTYTDPTP), nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, trong thời gian qua, TTYTDPTP đã phối hợp với các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom chai lọ, các vật dụng chứa nước, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, không để nơi trú ngụ cho muỗi vằn sinh sản và phun hóa chất. Ngoài ra, TTYTDPTP đã tiến hành hướng dẫn và kiểm tra các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH. Tại các điểm có người mắc bệnh SXH, cán bộ y tế đã tiến hành khoanh vùng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tẩm màn, diệt lăng quăng, kiên quyết không để lây lan bùng phát thành dịch.

Từ ngày 24 đến 30-10, TTYTDPTP đã tổ chức giám sát, xử lý ổ dịch tại các xã, phường: An Hải Bắc, An Hải Đông (Q. Sơn Trà), Hòa Hải, Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn), Chính Gián, Hòa Khê, An Khê, Tam Thuận (Q. Thanh Khê), Hòa Xuân, Hòa Phát (Q. Cẩm Lệ và Hòa Nhơn (H. Hòa Vang). Đồng thời giám sát, xử lý diện rộng tại khu vực ổ dịch và có nguy cơ cao, giám sát công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tại các phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, An Hải Tây (Q. Sơn Trà), Hòa Hải, Hòa Quý, Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) và Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ). Bên cạnh đó, TTYTDPTP đã tiến hành thực hiện các hoạt động thường quy như: điều tra, giám sát, xử lý, báo cáo bệnh và ổ dịch nhỏ theo đúng quy định.

Bs Lãm cho biết thêm: "Hiện Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh, không để dịch xâm nhập, lan rộng và bùng phát, chủ động ứng phó các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, Đội cơ động phòng chống dịch của TTYTDPTP luôn trong tư thế chủ động sẵn sàng đáp ứng các tình huống phòng chống dịch khẩn cấp. Trong tuần này, TTYTDPTP sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống bệnh SXH cũng như giám sát các yếu tố nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các điểm nguy cơ cao ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động thường quy như điều tra, giám sát, xử lý, báo cáo về ca bệnh và ổ dịch theo đúng quy định…".

Bác sỹ Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH.

Nâng cao vai trò người dân trong phòng chống dịch

Bs Võ Văn Tỵ- Đội trưởng Đội Y tế dự phòng Q. Cẩm Lệ cho rằng, mặc dù công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH đã được các cấp ngành thường xuyên triển khai nhưng đến nay việc thực hiện của người dân vẫn còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân đều nhận thức được việc không có bọ gậy, lăng quăng thì không có SXH nhưng lại ngại ra tay xử lý mà chủ yếu giao phó hết cho cán bộ ngành Y tế. Trong quá trình tiến hành diệt bọ gậy, lăng quăng tại nhà dân, cán bộ y tế đã xử lý, lật úp các vật dụng chứa nước như chậu cây cảnh, lọ đựng thức ăn cho chim... Vậy nhưng, 2-3 ngày sau quay lại kiểm tra thì thấy những vật dụng này đã được người dân lật lại để hứng nước, tạo nơi cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi. Một số người dân cũng ngại cho lực lượng chức năng vào nhà để tiến hành phun thuốc diệt muỗi.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố, Bs Tôn Thất Thạnh - Giám đốc TTYTDPTP cho rằng, rất cần có sự quan tâm, phối hợp tích cực của các cấp chính quyền địa phương với ngành Y tế, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng. Đồng thời, phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố trong tuyên truyền, vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường xung quanh cũng như theo dõi, thông báo các trường hợp mắc SXH tại cộng đồng cho ngành Y tế, gần dân nhất là Trạm y tế để kịp thời điều tra, xử lý triệt để, không bỏ sót ca bệnh, khống chế dịch bùng phát và lây lan theo diện rộng.

Bên cạnh đó, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của mỗi vằn gây bệnh SXH.

Bs Tôn Thất Thạnh đề nghị: "Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế xã, phường cần thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, giám sát, phát hiện sớm, ghi nhận, báo cáo ca bệnh và xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn. Đồng thời, chú ý xử lý triệt để ca bệnh và ổ dịch trên địa bàn quản lý. Đối với UBND, Phòng Y tế và các đơn vị, cần tiếp tục huy động nhân lực từ các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ trưởng tổ dân phố, cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng và người dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Riêng người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà".

Lê Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_157106_di-ch-so-t-xua-t-huye-t-gia-tang.aspx