Dịch sởi diễn biến khó lường

Tính đến hết ngày 20/6, toàn tỉnh ghi nhận 83 trường hợp mắc sởi tại 9 huyện/thành phố. Trong đó, 48 trường hợp có lấy mẫu xét nghiệm (34 mẫu dương tính với virus sởi, 5 mẫu âm tính, 9 mẫu chưa có kết quả). Như vậy, bệnh sởi đã xuất hiện ở diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Trạm y tế xã Kim Truy (Kim Bôi) quan tâm đến công tác khám phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em, trong đó có bệnh sởi.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số lượng người mắc sởi và nghi sởi trên địa bàn TP Hòa Bình cao nhất là 22 người, huyện Tân Lạc 20 người, Kim Bôi 13 người, Kỳ Sơn 11 người… Điều đáng lưu tâm là có 39 người không tiêm chủng, 38 người không rõ tiêm chủng hay không?.

Ông Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Ngày 22/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế gửi Công văn số 260/KSBT-PCBTN đến Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, so với cùng kỳ năm 2018, số ca bệnh sởi và nghi sởi tăng gấp 7,1 lần, tăng 4,4 lần so với cả năm 2018. Toàn tỉnh ghi nhận 3 ổ dịch sởi là huyện Kỳ Sơn, Tân Lạc và TP Hòa Bình.

Để khống chế dịch bệnh sởi bùng phát trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Điều tra và lấy mẫu, khoanh vùng không để dịch bệnh lan rộng, báo cáo theo quy định. Tổ chức ngay tiêm vắc xin sởi cho trẻ đủ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi rubella 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên, tiêm vét toàn bộ số trẻ từ 1 - 5 tuổi của chiến dịch tiêm sởi/rubella 2018 - 2019 vừa qua. Tăng cường truyền thông về nguyên nhân, đường lây truyền bệnh sởi/rubella, các biểu hiện của bệnh, các biện pháp phòng tránh. Phối hợp với phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi. Rà soát, thống kê tổ chức tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Đối với các đơn vị điều trị, phòng khám đa khoa cần tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng, cách ly điều trị bệnh nhân sởi. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh và thực hiện báo cáo theo quy định. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực cần thiết để triển khai, xử lý khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, ổ dịch sởi. Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo quyết định của Bộ Y tế về việc "Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi, rubella”.

Cũng theo ông Phón, đến thời điểm này bệnh sởi đã phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Những bệnh nhân mắc bệnh sởi là do chủ quan chưa đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đủ số mũi. Điều nguy hại nhất khi mắc sởi những biến chứng của bệnh thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở. Viêm não, trẻ lơ mơ, hôn mê, co giật, nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến những biểu hiện của bệnh và đưa trẻ đến sớm các cơ sở y tế để được điều trị.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/130484/dich-soi-dien-bien-kho-luong.htm