Dịch đã giảm nhưng không thể chủ quan

Hiện nay, số ca sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, thời gian tới tình hình dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp do thời tiết thất thường, vệ sinh môi trường chưa triệt để, nhất là một bộ phận người dân còn thờ ơ với dịch bệnh. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành và mỗi người dân cần tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Dịch có dấu hiệu chững lại nhưng còn nhiều nguy cơ

Ngày 11-9, ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện số người tới khám và điều trị SXH đang có xu hướng giảm, nhất là trong những tuần gần đây. Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, so với tuần đầu tháng 8, thì tuần đầu tháng 9 số ca nhập viện điều trị giảm từ 647 ca xuống 338 ca. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh SXH vẫn có diễn biến phức tạp nên chưa thể khẳng định chắc chắn số ca mắc mới tăng hay giảm trong thời gian tới.

Chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân ở phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội).

Ngày 11-9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, ghi nhận trong các tuần gần đây cho thấy có giảm số trường hợp mắc SXH. Từ ngày 4 đến 10-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.325 trường hợp mắc SXH (giảm 475 trường hợp so với tuần từ ngày 28-8 đến ngày 3-9 và giảm 1.230 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6-8 đến ngày 13-8). Hầu hết các địa bàn trọng điểm của dịch SXH, như các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy... số ca ghi nhận giảm so với tuần trước... Tuy nhiên, lại xuất hiện một số nơi có dấu hiệu tăng so với tuần trước và có xu hướng lan ra các huyện ngoại thành. Cụ thể, huyện Hoài Đức (tăng 19 ca), huyện Thường Tín (tăng 13 ca), huyện Ứng Hòa (tăng 13 ca), quận Bắc Từ Liêm (tăng 10 ca), huyện Phú Xuyên (tăng 10 ca).

Từ đầu năm tới nay toàn thành phố ghi nhận: 26.784 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 24.857 (chiếm 92,8%). Hiện còn 1.927 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới) là 3.515/3.918 ổ dịch cộng dồn từ đầu năm (chiếm 89,7%).

Tất cả các xã, phường đã ra quân diệt bọ gậy

Đối với công tác vệ sinh môi trường, từ ngày 12-8 đến nay, 584/584 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã ra quân triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng, chống dịch SXH. Về công tác phun hóa chất diệt muỗi, từ ngày 12-8 đến nay, các lực lượng chức năng đã sử dụng cả máy phun công suất lớn đặt trên ô tô... tiến hành phun thuốc trên diện rộng tại các hộ gia đình, trường học, công trường, chợ dân sinh, các bệnh viện...

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân SXH tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Một số quận, huyện có cách làm sáng tạo để phòng, chống dịch, như quận Hoàng Mai đã huy động xã hội hóa, phát 1.600 chiếc màn cho các khu nhà trọ; quận Đống Đa và Thanh Xuân huy động sinh viên trên địa bàn hỗ trợ diệt bọ gậy; quận Cầu Giấy phối hợp với Bộ tư lệnh Hóa học và Học viện Quốc phòng tăng cường lực lượng để phun hóa chất phòng, chống dịch...

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch SXH là diệt bọ gậy, không để điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Do đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống SXH, qua đó để người dân tự tìm diệt bọ gậy tại gia đình và áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Yêu cầu các thành viên đội xung kích phải vào tận từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp tìm bọ gậy trong dụng cụ chứa nước với phương châm "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước"...

Vẫn còn sự bất hợp tác trong phòng, chống dịch

Mặc dù số ca mắc SXH, số ổ dịch SXH có xu hướng giảm, tuy nhiên ông Nguyễn Khắc Hiền, cho rằng, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Thời gian tới dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp do thời tiết nắng mưa thất thường, thuận lợi để muỗi phát triển. Đáng lo ngại, một bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thiếu hợp tác trong việc phun hóa chất; môi trường tại các khu nhà trọ chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ dịch SXH bùng phát…

Chia sẻ về tình trạng người dân không hợp tác phun hóa chất diệt muỗi, Đội trưởng đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch SXH của Tổ 18, phường Khương Trung Nguyễn Thụy Anh, cho hay: "Tính tới nay, phường đã 3 lần tổ chức phun thuốc, tuy nhiên có những hộ dân, đội phun thuốc tới 3 lần nhà vẫn đóng cửa dù đã có thông báo từ trước. Đáng chú ý, một số gia đình lấy lý do là bán hàng ăn hoặc có trẻ nhỏ nên không đồng ý phun thuốc".

Có tình trạng giả danh cán bộ y tế thu tiền phun thuốc diệt muỗi

Trước những lo ngại của người dân về tình trạng xuất hiện cán bộ phun hóa chất diệt muỗi đòi tiền “bồi dưỡng” của người dân, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ và nhân viên y tế đến từng nhà đề nghị phun thuốc diệt muỗi và thu tiền, trong khi việc phun hóa chất diệt muỗi SXH hiện nay do ngành y tế thực hiện là hoàn toàn miễn phí. Về việc này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi đến UBND xã, phường phải thường xuyên tuyên truyền tới người dân, nếu có tình trạng vòi tiền người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng nêu rõ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội không tổ chức phun dịch vụ theo yêu cầu của người dân trong khu vực đang có ổ dịch hoạt động. Chủ trương hiện nay không phải là phun hóa chất trên toàn thành phố mà chỉ những khu vực có dịch và theo chỉ định của ngành y tế, lực lượng y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương phun thuốc miễn phí. Đối với những nơi không có chỉ định nhưng người dân có nhu cầu phun thì có thể ký hợp đồng với đơn vị, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ kiểm soát côn trùng, có đủ điều kiện.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cảnh báo, hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc diệt muỗi giả. “Vì vậy, người dân phải cảnh giác, cẩn trọng khi sử dụng thuốc. Phải mua ở nơi có địa chỉ rõ ràng, đầy đủ tem nhãn, rõ xuất xứ, không mua hàng trôi nổi trên thị trường. Ngành y tế cũng đã đề nghị các lực lượng chức năng, quản lý thị trường, công an vào cuộc xử lý nếu phát hiện nơi có thuốc giả”, ông Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo.

Trước câu hỏi nhiều người dân đặt nghi vấn về chất lượng thuốc của ngành y tế vì sau phun chỉ vài giờ là xuất hiện muỗi, ông Hoàng Đức Hạnh cho hay, việc phun thuốc, hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Nhiều người nghĩ rằng, gia đình đã phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại là hoàn toàn không đúng. Bởi thuốc phun diệt muỗi là phun trong không gian ở thể tích cực nhỏ dưới dạng phun sương, chỉ diệt được đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian, rơi xuống và những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà. “Vì vậy, phần “gốc” của việc dập dịch phải là diệt lăng quăng, bọ gậy ngay trong các hộ gia đình”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Bài và ảnh: VŨ DUNG - LÊ HIẾU - VIỆT ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/dich-da-giam-nhung-khong-the-chu-quan-517538