Dịch COVID-19: Úc ghi nhận ngày có số ca mới cao chưa từng thấy

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/9, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Úc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca.

Sự lây lan của biến thể Delta trong đợt dịch thứ ba này đang đe dọa mạnh mẽ những nỗ lực kiềm chế dịch của Canberra.

Theo báo cáo, riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong hai tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế.

Mặc dù số ca mắc mới liên tục tăng cao, giới chức NSW ngày 9/9 thông báo các cơ sở kinh doanh tại Sydney có thể mở cửa trở lại ngay khi 70% người trưởng thành tại bang này hoàn thành tiêm chủng vắc xin - mục tiêu mà nước này đề ra đạt được vào giữa tháng 10.

Trên thực tế, đã có 76% người trên 16 tuổi ở NSW đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin, trong khi số người đã tiêm đầy đủ hai mũi đạt 44%.

Bang Victoria ngày 10/9 có 334 ca nhiễm mới, mức cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Theo kế hoạch, thủ phủ Melbourne của bang này cũng sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% số người trưởng thành của thành phố được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, dự kiến vào ngày 23/9.

Chính phủ liên bang Úc hồi tháng 7 đã công bố kế hoạch mở cửa đất nước gồm bốn giai đoạn khi đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 70 đến 80% dân số. Hiện tỉ lệ người tiêm chủng tại Úc vào khoảng 40%.

Trong khi đó, một báo cáo nghiên cứu mới đây cho thấy hầu hết trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Úc là từ cha mẹ chứ không phải ở môi trường bên ngoài như trường học.

Trung tâm Giám sát và Nghiên cứu Tiêm chủng Quốc gia (NCIRS) Úc đã tiến hành nghiên cứu trên từ ngày 16/6 đến 31/7 tại 51 trường phổ thông và trung tâm chăm sóc trẻ em ở bang NSW.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em hiếm khi lây virus sang cho các bạn, cho giáo viên hay các nhân viên trong trường.

Theo bác sĩ nhi khoa Kristine Macartney, Giám đốc NCIRS, tại các trường và trung tâm chăm sóc trẻ, virus thường lây lan giữa các nhân viên chưa tiêm chủng và có những trường hợp lây từ người lớn sang trẻ em, nhưng tỉ lệ lây nhiễm giữa trẻ em với nhau rất thấp.

Lây nhiễm COVID-19 chủ yếu xảy ra tại các gia đình do người lớn chưa được tiêm phòng gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù số ca nhiễm trong các trường học ở bang NSW tăng gấp năm lần trong đợt bùng phát hiện nay, nhưng chỉ có 2% trẻ em mắc bệnh phải nhập bệnh viện.

Giáo sư Macartney cho biết, các em được chẩn đoán mắc COVID-19 thường không có triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Mặt khác, trong số 2% phải nhập viện, nhiều em chỉ là để theo dõi và chăm sóc.

Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian trong tuần này nhấn mạnh tăng cường tiêm chủng cho người lớn, bao gồm giáo viên và nhân viên trong các trường, và lứa tuổi thanh thiếu niên, là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khi các em quay trở lại đi học.

* Khi xét nghiệm COVID-19 tại lãnh thổ liên bang Labuan, cơ quan y tế Malaysia đã phát hiện hai trường hợp là người nước ngoài nghi nhiễm biến thể Mu và biến thể Lambda.

Theo Cục Y tế Labuan, đây là hai thủy thủ làm việc trên một con tàu và trước khi tới Malaysia, tàu này từng neo đậu tại cảng ở nước xuất hiện biến thể Mu và biến thể Lambda.

Một trong hai ca có thể gây ra tỉ lệ lây nhiễm cao và cơ quan y tế Labuan không còn cách nào khác phải gửi mẫu bệnh phẩm sang Bán đảo Malaysia để phân tích.

Cục Y tế Labuan cho biết thêm tất cả các thủy thủ nhập cảnh Labuan đều phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc. Hai ca COVID-19 nêu trên được phát hiện khi một nhóm y tế tư nhân lên tàu xét nghiệm. Ngay sau khi có kết quả, toàn thể 28 thủy thủ đều phải cách ly trên tàu.

Như vậy, sau khi biến thể Delta khiến số ca COVID-19 ở Labuan tăng mạnh, lãnh thổ liên bang này lại phát hiện trường hợp nghi nhiễm biến thể mới là người nước ngoài nhập cảnh.

Biến thể Mu xuất hiện lần đầu ở Colombia vào đầu tháng 1/2021, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng quan ngại vào ngày 30/8.

Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến di truyền cho thấy khả năng né tránh miễn dịch tự nhiên, các loại vắc xin hoặc phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng hiện tại có thể không hoạt động hiệu quả như chống lại virus gốc. Trước biến thể Mu, vào ngày 17/6, biến thể Lambda cũng được WHO xếp loại "đáng quan tâm".

Theo WHO, biến thể Lambda có liên quan đến tỉ lệ lây truyền cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỉ lệ lây lan gia tăng theo thời gian đồng thời với tỉ lệ mắc bệnh COVID-19 gia tăng.

Đến nay, biến thể Lambda đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia, lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru, nơi các mẫu virus được ghi nhận sớm nhất vào tháng 12/2020.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263812/dich-covid-19--uc-ghi-nhan-ngay-co-so-ca-moi-cao-chua-tung-thay.html