Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ, Israel phức tạp trở lại

Hà Lan đang dần thích nghi với tình hính mới. Nguồn: schengenvisainfo

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 14/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 226.031.536 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.651.536 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 202.670.793 người.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 419.978 ca mắc và 6.648 ca tử vong do COVID-19. Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 92.782 ca, và cũng là quốc gia có số ca tử vong trong một ngày cao nhất với 742 ca. Số liệu này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang phức tạp trở lại.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhấn mạnh số ca tử vong do COVID-19 gia tăng tại nước này chủ yếu là do biến thể Delta và những trường hợp không qua khỏi này này tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng đang độ tuổi lao động, đặc biệt là ở những người vẫn chưa tiêm vắc xin.

Thống kê chính thức cho thấy số bệnh nhân tử vong dưới 55 tuổi tăng lên mức cao, gần 1.800 ca trong một tuần. Số ca tử vong trung bình trong bảy ngày tăng lên 1.600 ca/ngày, cao hơn hẳn so với mức trung bình 220 ca/ngày vào đầu tháng Bảy vừa qua.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhấn mạnh với 679.627 ca tử vong trong tổng số 42.091.216 ca mắc COVID-19 tại Mỹ, số ca tử vong do COVID-19 đã vượt qua con số 675.000 người thiệt mạng do đại dịch cúm năm 1918, hay còn gọi là cúm Tây Ban Nha. Mỹ đang đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong do đại dịch COVID-19.

Theo The Wall Street Journal, tỉ lệ tiêm chủng cao ở người lớn tuổi được xem là chìa khóa giúp nhóm này tránh được nguy cơ tử vong, trong khi tỉ lệ tiêm chủng ở người trẻ tuổi hơn lại đang ở mức thấp. Điều này cho thấy Mỹ cần nhanh chóng tiêm chủng cho càng nhiều người mới càng nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.

Tại Israel, hệ số lây nhiễm (R) COVID-19 ngày 13/9 một lần nữa tăng trở lại mức một sau nhiều ngày có dấu hiệu giảm, mặc dù số ca mắc mới trong ngày trước đó đã giảm mạnh từ 10.183 ca xuống còn 7.686 ca.

Trong 10 ngày sau khi khai giảng năm học mới 2021-2022, hệ số R luôn thấp hơn mức một, dấu hiệu mang lại hy vọng khả năng dịch bệnh đã đạt đỉnh và đang trên đà suy giảm khi Israel đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mũi vắc xin thứ ba cho mọi người dân đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Phổ biến thông tin về dịch bệnh COVID-19 của Israel, hệ số R có khả năng sẽ gia tăng trở lại trong những ngày tới, khi người Israel bước vào những ngày nghỉ lễ quan trọng trong năm như lễ Sám Hối (Yom Kippur), lễ Lều Tạm (Sukkot)... Việc hệ số R tăng trên mức một chủ yếu là do người dân tụ tập trong không gian kín như trường học và tổ chức các hoạt động chào mừng Năm Mới của người Do Thái.

Theo Viện nghiên cứu y học quốc gia Israel, 81.000 ca dương tính đang điều trị, trong đó 50% trong số này là học sinh và khoảng 15.000 học sinh, sinh viên đang phải cách ly, học trực tuyến tại nhà.

Tại Anh, nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết khoảng 99% trường hợp tử vong do COVID-19 tại xứ England là những người chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Nghiên cứu đầu tiên của ONS về các ca tử vong dựa trên tình trạng tiêm chủng cho thấy, trong số hơn 50.000 ca tử vong do COVID-19 tại vùng England trong năm nay, chỉ có 59 trường hợp là những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 và không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu này, số người tử vong do COVID-19 dù đã tiêm đủ hai mũi vắc xin chỉ chiếm 1,2% (640 người) trong tổng số ca tử vong, nhưng ONS cho biết nhiều người trong số này có thể đã mắc COVID-19 trước khi tiêm mũi hai.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy tác dụng bảo vệ của việc tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19, vì vậy đặt ra câu hỏi liệu tiêm mũi vắc xin tăng cường có thực sự cần thiết. Nhiều nhà khoa học Anh cho rằng tiêm mũi tăng cường cho những người bình thường không mang lại nhiều lợi ích, trong bối cảnh nước này đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, các cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Anh khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 để tránh gián đoạn việc học tập. Lời khuyên nói trên được cho là sẽ mở đường cho kế hoạch tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi ở Anh, sau khi Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) - cơ quan tư vấn về vắc xin của Chính phủ Anh, hồi đầu tháng này khuyến nghị không tiêm vắc xin cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi.

Trong một bức thư, các giám đốc cơ quan y tế cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em có thể làm giảm nguy cơ gián đoạn học tập của trẻ tại trường học. Do đó, họ khuyến nghị các bộ trưởng đề xuất tiêm đại trà mũi một vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi hiện chưa thuộc diện bao phủ vắc xin theo khuyến nghị của JCVI hiện nay.

Các cố vấn trên - đều là những bác sĩ hàng đầu ở vùng England, Scotland, Wales và Bắc Ireland, cho biết sẽ không nên cung cấp mũi vắc xin thứ hai cho nhóm tuổi này cho đến ít nhất là mùa xuân 2022 vì họ sẽ phải đợi thêm dữ liệu trên phạm vi quốc tế.

Tại Hà Lan, kể từ ngày 25/9, Hà Lan bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5m giữa mọi người. Tuy nhiên, giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 sẽ bắt buộc với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán càphê, phòng hòa nhạc, nhà hát. Khẩu trang vẫn bắt buộc sử dụng trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu.

Nhà hàng vẫn phải đóng cửa từ 0-6 giờ. Làm việc từ xa vẫn được khuyến khích nếu có thể. Các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 cơ bản như rửa tay thường xuyên, ho và hắt hơi vào khuỷu tay và ở nhà nếu có các triệu chứng, cũng vẫn có hiệu lực. Ở Hà Lan, các sự kiện và lễ hội kéo dài nhiều ngày sẽ lại có thể diễn ra trong một số điều kiện nhất định với việc áp dụng giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Tại Bồ Đào Nha, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đã giảm, kể từ ngày 13/9, không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Biện pháp này được dỡ bỏ do Quốc hội không gia hạn luật bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố kể từ cuối tháng 10/2020. Tuy nhiên, Tổng cục Y tế vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội.

Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm và trả phí đối với trường hợp không tiêm chủng. Vào ngày tựu trường truyền thống, Hy Lạp đã áp dụng việc xét nghiệm bắt buộc và tính phí đối với tất cả những người chưa tiêm chủng, cho dù họ là nhân viên của khu vực công hay tư, học sinh và sinh viên, trên phương tiện giao thông hoặc trong không gian kín, công cộng.

Chi phí xét nghiệm kháng nguyên và PCR, hiện do các cá nhân phải trả, được quy định mức trần lần lượt là 10 và 60 euro. Các nhân viên chưa được tiêm phòng sẽ cần phải nộp bản xét nghiệm điện tử mỗi tuần một lần nhưng giáo viên, học sinh cũng như tất cả những người làm công tác du lịch, văn hóa và truyền thông sẽ cần phải được xét nghiệm hai lần một tuần.

Cùng ngày, Chính phủ Nga thông báo nước này sẽ nối lại các chuyến bay chở khách với Tây Ban Nha, Iraq, Kenya và Slovakia từ ngày 21/9, cũng như sẽ tăng số lượng các sân bay được phép có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Nga đã áp đặt các hạn chế đi lại trên diện rộng khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, trong đó nhiều hạn chế vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Nga đã dần dần mở rộng danh sách các quốc gia được phép đi lại bằng đường hàng không.

Lực lượng đặc trách chống dịch COVID-19 của Nga cho biết các quyết định khôi phục đường bay được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh ở các nước nêu trên đã được cải thiện đáng kể. Từ ngày 21/9, mỗi tuần sẽ có 4 chuyến bay khứ hồi nối Moscow với các thành phố Madrid, Barcelona của Tây Ban Nha và thủ đô Bratislava của Slovakia.

Các chuyến bay chặng nối Moscow với hai thành phố Malaga và Alicante của Tây Ban Nha cũng sẽ được đưa vào khai thác trở lại. Trong khi đó, tuyến Moscow - Nairobi và Moscow - Baghdad sẽ được nối lại với tuần suất hai chuyến một tuần. Các chặng bay và chuyến bay cũng được bổ sung giữa các thành phố của Nga và các điểm du lịch nổi tiếng ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263992/dich-covid-19--tinh-hinh-dich-benh-covid-19-tai-my-israel-phuc-tap-tro-lai.html