Dịch Covid-19: Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tới ngày 31-5

Tới 18h ngày 4-5, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.582.892 ca nhiễm Covid-19, trong đó 248.567 người đã tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.160.131 người.

Diễn biến dịch bệnh ở Nhật Bản khiến nhiều người lo ngại về khả năng tổ chức Olympic tại quốc gia này.

Châu Á

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc nhằm phòng tránh sự lây lan của Covid-19 tới ngày 31-5, trong bối cảnh có những quan ngại về khả năng hệ thống y tế nước này sẽ quá tải. Hiện nay, Nhật Bản đang ghi nhận 14.877 ca nhiễm bệnh.

Cũng trong ngày 4-5, Hiệp hội Thể thao dưới nước quốc tế (FINA) thông báo Giải Vô địch bơi lội thế giới, ban đầu dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2021 ở Fukuoka, sẽ được tổ chức vào ngày 13 đến 29-5-2022.

Từ tuần tới, Hàn Quốc sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội vốn được áp đặt từ cuối tháng 3, trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đã chậm lại. Nước này hiện có 10.801 ca nhiễm Covid-19.

Singapore sẽ cho phép các doanh nghiệp từng bước nối lại hoạt động từ ngày 12-5, nhưng vẫn duy trì lệnh phong tỏa một phần đến ngày 1-6. Đây là quyết định có phần mạo hiểm trong bối cảnh đảo quốc Sư tử vẫn đang có số ca nhiễm mới tăng nhanh. Singapore hiện có 18.778 trường hợp nhiễm bệnh, tăng 573 ca.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Istanbul bắt đầu thực hiện phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch. Nước này cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm trong các ngày cuối tuần tại 31 tỉnh cho đến cuối tháng 5. Hiện tại, quốc gia nằm giữa hai lục địa Á-Âu này đang có 126.045 ca nhiễm. trong đó 3.397 người đã thiệt mạng.

Châu Âu

Hiện nay, Tây Ban Nha vẫn là quốc gia có số người bệnh nhiều nhất lục địa già, với 247.122 ca nhiễm. Nhằm không để dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết sẽ phân phát 6 triệu khẩu trang cho người dân.

Pháp vừa cho biết sẽ không cách ly những người đến từ khu vực Liên minh châu Âu, khu vực Schengen hoặc Vương quốc Anh, đồng thời cho biết đang chuẩn bị các phương án để nới lỏng lệnh phong tỏa vốn đã áp dụng 2 tháng vừa qua.

Bỉ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc Covid-19 giảm dần trong những tuần qua.

Czech dự kiến có thể mở lại cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng (gồm Đức, Áo, Ba Lan và Slovakia) vào tháng 7 tới.

Dịch bệnh tại Nga tiếp tục diễn biến phức tạp, khi có thêm tới 10.581 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này đã lên đến 145.268 trường hợp, gần bằng các nước nằm trong nhóm đầu châu Âu.

Châu Mỹ

Trong bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Lincoln Memorial ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan cho rằng, Mỹ sẽ có vắc xin phòng dịch vào cuối năm nay. Chính quyền 7 bang Đông Bắc nước Mỹ thông báo sẽ phát triển một chuỗi cung ứng khu vực để phối hợp mua các vật tư y tế thiết yếu phòng, chống Covid-19.

Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với 1.188.826 trường hợp. Trong đó, 68.606 người đã tử vong. Để đối phó tình hình dịch bệnh phức tạp, chính quyền 7 bang Đông Bắc nước Mỹ thông báo sẽ phát triển một chuỗi cung ứng khu vực chung để phối hợp mua các vật tư y tế thiết yếu phòng chống dịch, thay vì cạnh tranh với nhau.

Châu Phi

Các quốc gia trên Lục địa này đã ghi nhận 45.584 ca nhiễm Covid 19, tăng 204 ca trong vòng 24 giờ qua.

Thống đốc Kho bạc Nam Phi Dondo Mogajane cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp tại quốc gia này có thể chạm mốc 40% trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh. Hiện nay, Nam Phi vẫn là nước có số ca nhiễm nhiều nhất lục địa, với 6.783 ca.

Châu Đại Dương

New Zealand lần đầu trải qua một ngày trọn vẹn mà không có ca nhiễm mới nào kể từ khi chính phủ nước này áp dụng lệnh phong tỏa. Tới nay, đảo quốc này đã có 1.487 ca nhiễm Covid-19, nhưng 86% trong số này đã hồi phục.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/966459/dich-covid-19-nhat-ban-gia-han-tinh-trang-khan-cap-toi-ngay-31-5