Địa phương nào được gọi là tỉnh Mường?

Đây là tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Bộ với đông đảo người Mường sinh sống. Trên địa bàn tỉnh cũng lưu giữ nhiều di tích, phong tục, văn hóa của người Mường nên còn được gọi với tên xứ Mường.

1. Địa phương nào được gọi là tỉnh Mường?

Lai Châu
Điện Biên
Sơn La
Hòa Bình

Chính xác

Tỉnh Mường là tên khác của tỉnh Hòa Bình. Cách gọi này xuất hiện từ năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) khi Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp ký quyết định thành lập, xác định tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc. Do đó, một số tài liệu còn gọi nơi đây là tỉnh Chợ Bờ.

Đến năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh Mường về làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, sau đó đổi tên thành tỉnh Hòa Bình và sử dụng cho tới ngày nay. Tuy nhiên, vì người Mường là dân tộc sống lâu đời ở vùng đất này nên tên gọi tỉnh Mường vẫn được sử dụng song song với đơn vị hành chính Hòa Bình.

2. Lịch sử của dân tộc Mường gắn liền với tác phẩm văn học dân gian nào?

Trường ca Đăm Săn
Sử thi Đẻ đất đẻ nước
Sử thi Cây nêu thần
Sử thi Mùa rẫy bon Teng

Chính xác

Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" là tác phẩm văn học dân gian chứa đựng nhiều giá trị về dân tộc, ngôn ngữ, nghệ thuật của đồng bào Mường nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Bộ sử thi có khối lượng nội dung đồ sộ với đa dạng phiên bản, độ dài trung bình từ 8.000 tới 16.000 câu, kể về gốc tích của người Mường xa xưa. Tác phẩm này cũng thể hiện quan điểm của đồng bào Mường về việc hình thành trời đất, tạo lập thế giới và con người. Hiện tại, tác phẩm được bảo tồn, lưu truyền dưới hình thức truyền miệng, đầy đủ nhất dưới thông qua hoạt động hát cúng.

3. Khi đãi khách quý, đồng bào Mường thường dùng thức uống nào?

Trà Shan tuyết cổ thụ
Cà phê
Rượu cần
Sâm đương quy

Chính xác

Rượu cần xuất hiện trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, đồng thời là biểu tượng cho ẩm thực của đồng bào Mường.

Rượu cần làm từ men lá không phải thức uống hàng ngày mà là đặc sản được sử dụng trong các dịp lễ Tết hoặc chiêu đãi khách quý. Ở một số nơi người Mường sinh sống, tập tục uống rượu cần còn được gọi là “vít khòe” hay “vít cần rượu”.

Rượu cần chuẩn vị người Mường cần rất nhiều công đoạn chế biến. Men rượu được làm từ một số loại lá đặc biệt trong vùng kết hợp với nguyên liệu là gạo nếp nương ngâm qua đêm, trộn lẫn trấu rồi đồ lên thành cơm để nguội. Sau khi trộn men lá vào cơm, hỗn hợp được ủ lên men một đêm rồi tiếp tục cho vào vò ủ thành rượu.

4. Tỉnh Hòa Bình có bao nhiêu vùng Mường?

2
3
4
5

Chính xác

Tỉnh Hòa Bình hiện có 4 vùng Mường gồm “Bi, Vang, Thàng, Động”. Mỗi vùng có nét văn hóa giống và khác nhau, hòa quyện thành nền văn hóa Mường Hòa Bình đặc sắc.

Vùng Mường Bi – Tân Lạc hiện được xem là vùng Mường cổ, có nhiều giá trị truyền thống được lưu giữ như Mo Mường, chiêng Mường, hát ví, nhạc cụ dân tộc… Đồng bào dân tộc tại đây còn giữ được lịch Đoi – bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường.

5. Con sông nào gắn liền với địa danh tỉnh Hòa Bình?

Sông Mã
Sông Lam
Sông Sào Khê
Sông Đà

Chính xác

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, dài khoảng 927km, diện tích lưu vực đạt 52.900km2. Dòng chính bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.

Sông Đà chảy qua giữa thành phố Hòa Bình. Trong giai đoạn 1979 – 1994, Việt Nam dưới sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ sư của Liên Xô (sau là Liên bang Nga), đã thành công chặn dòng sông Đà để xây dựng thủy điện Hòa Bình, bổ sung nguồn điện quý giá vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, thủy điện này còn đóng vai trò điều tiết, chống lũ cho tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dia-phuong-nao-duoc-goi-la-xu-muong-2271506.html