Địa phương Hàn Quốc gây chú ý khi thuê người dẫn chương trình tin tức ảo

Người dẫn chương trình tin tức ảo không phải là sản phẩm mới mẻ. Nhưng dạng sản phẩm này hiệu quả tới mức các tổ chức chính phủ đang dần sử dụng chúng để thay thế con người thực.

Người dẫn chương trình J-na của chương trình Weekly JEJU. (Nguồn: Korea Herald)

Chính quyền tỉnh đảo Jeju, Hàn Quốc, vừa gây chú ý khi chính thức thuê một người dẫn chương trình tin tức mới để thực hiện một chương trình hàng tuần mang tên Weekly Jeju và phát trên nền tảng mạng xã hội video YouTube. Phí thuê người dẫn chương trình ảo này chỉ bằng một phần nhỏ chi phí mà chính quyền Jeju phải bỏ ra để chi cho những người đã làm việc trước đó.

Nhân viên mới mang tên J-na có gương mặt khả ái. Cô mặc một chiếc váy màu xanh trang nhã và đọc tin tức rất chuyên nghiệp, thi thoảng lắc lư cơ thể nhẹ nhàng trong quá trình làm việc. Dường như cô rất có kinh nghiệm làm việc, mặc dù tuổi còn trẻ.

Thực tế J-na không phải là con người thật mà chỉ là một hình ảnh ảo, do máy tính tạo ra, và thuộc sự điều hành của một nhà thầu tư nhân. Tin tức mà J-na đọc, gồm những cập nhật về chính sách và các hoạt động liên quan tới hòn đảo, về cơ bản cũng chỉ là một tập lệnh được tạo ra bởi các mô hình ngôn ngữ lớn (trí thông minh nhân tạo tiên tiến) như ChatGPT. Ngay cả cái tên J-na cũng chỉ là sự kết hợp các chữ cái đầu tiên của 3 từ gồm "Jeju", "News" (Tin tức) và "AI" (Trí tuệ nhân tạo).

Theo chính quyền Jeju, việc chuyển sang sử dụng người dẫn tin tức ảo là một lựa chọn có chi phí rẻ hơn nhiều. Được biết phí thuê J-na và hoạt động viết kịch bản cho cô đọc bằng trí thông minh nhân tạo cũng chỉ gây tốn kém khoảng 600.000 won (450 USD) mỗi tháng. Một quan chức của đảo Jeju chia sẻ với The Korea Herald: “Tuyển dụng người dẫn chương trình tin tức là người thật khiến chúng tôi tốn khoản phí đáng kể. Vì vậy, chúng tôi đã tìm kiếm giải pháp thay thế và chọn J-na”.

Mặc dù J-na chỉ mới tham gia cung cấp tin tức trên kênh YouTube, rõ ràng chi phí thấp của những người dẫn tin tức ảo và việc chất lượng ngày càng tăng chắc chắn sẽ khiến loại dịch vụ này sớm thu hút các chương trình tin tức truyền hình cáp. Korea Herald cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên người dẫn chương trình tin tức AI xuất hiện trước công chúng ở Hàn Quốc.

Tháng 11/2020, MBN là kênh truyền hình Hàn Quốc đầu tiên ra mắt người dẫn chương trình tin tức AI, được mô phỏng theo người dẫn chương trình tin tức ngoài đời thực là Kim Joo-ha. Kể từ sau đó, đài đã phát sóng các chương trình tin tức hàng ngày có phiên bản AI của người dẫn chương trình nêu trên.

Đầu năm ngoái, Kênh truyền hình SBS đã sử dụng một người dẫn chương trình ảo khác có tên Zae-in, để trình bày một phân đoạn trong chương trình nói về các vấn đề thời sự có tựa đề “Morning Wide Part 3”. Zae-in là sản phẩm của công ty AI Pulse9.

Để đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập, tháng 9 năm ngoái, kênh tin tức truyền hình cáp YTN cũng giới thiệu người dẫn chương trình tin tức AI Y-Go và Y-On, lần lượt đại diện cho một người đàn ông và một người phụ nữ. Nhà phát triển AI ESTsoft đã tạo ra hai người dẫn chương trình tin tức AI này, bằng cách kết hợp khuôn mặt của các nhân viên YTN.

Trên thế giới, người dẫn chương trình ảo cũng được sử dụng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đơn cử như hồi năm 2018 Tân Hoa Xã của (Trung Quốc) đã giới thiệu người dẫn chương trình truyền hình ảo, được quảng bá là tích hợp trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Người dẫn chương trình này được tạo ra bằng phương pháp dựng mô hình kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của một người thật, sau đó sử dụng kỹ xảo máy tính để tạo khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt… khi lên sóng. Giọng đọc của người dẫn chương trình được tổng hợp bằng trí tuệ nhân tạo.

Tháng 4/2023, kênh truyền hình India Today của Ấn Độ cũng giới thiệu người dẫn chương trình ảo mang tên Sana, cũng có tích hợp AI. Cô gái này đã trình diễn khả năng dẫn những chương trình truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. India Today cho biết Sana có thể dẫn chương trình bằng 75 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Hindi… Cùng tháng 4 đó, mạng truyền hình tvOne của Indonesia đã ra mắt 3 người dẫn chương trình được tích hợp trí tuệ nhân tạo, với tên gọi lần lượt là Sasya, Nadira và Bhoomi.

Nhưng dù nhiều nhà đài thi nhau giới thiệu các người dẫn chương trình ảo, giới quan sát đánh giá việc dùng nhân vật ảo và AI để thay thế hàng loạt người thực là điều vẫn chưa thể xảy ra trong tương lai gần./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dia-phuong-han-quoc-gay-chu-y-khi-thue-nguoi-dan-chuong-trinh-tin-tuc-ao-post936283.vnp