Đi xa để mang mùa Xuân về nhà

BHG - Cận Tết Nguyên đán 2024, hàng nghìn lao động là công dân huyện Mèo Vạc từ các tỉnh, thành trong cả nước hối hả trở về quê sum họp bên gia đình sau một năm làm việc tích cực. Bước xuống xe khách, ai cũng vui tươi, phấn khởi, tay xách nách mang với những túi quà, hàng Tết.

Anh Lầu Mí Tủa, thôn Sả Lủng, xã Pải Lủng – lao động đang làm việc tại một công ty ở thành phố Hải Phòng không giấu được niềm vui: Tết chính là dịp để những người lao động xa quê trở về bên mái ấm gia đình. Năm qua, công việc và thu nhập của tôi thuận lợi, ổn định. Tôi cũng dành được một khoản tiền để sắm cho gia đình cái Tết đầm ấm, tươm tất. Đặc biệt, năm nay gia đình tôi có thêm niềm vui lớn đó là đã xây được căn nhà khang trang từ số tiền tích lũy trong những năm đi lao động ngoài tỉnh. Đây là ngôi nhà chúng tôi mơ ước từ lâu; nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ diện tích đất sản xuất ít ỏi thì khó mà thực hiện được.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc thăm mô hình cải tạo vườn tạp của các gia đình xã Sủng Trà có con em đi lao động ngoài tỉnh.

Năm 2023, huyện Mèo Vạc có hơn 7.500 người đi xuất khẩu lao động và làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết số lao động của huyện đi làm việc ngoài tỉnh đều có việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân từ 6 – 12 triệu đồng/người/tháng; cá biệt có lao động làm việc tại các công ty của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam mức lương từ 16 – 25 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập tích lũy từ đi làm việc ngoài tỉnh đã giúp nhiều gia đình sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống, phương tiện đi lại.

Có thu nhập ổn định từ đi lao động ngoài tỉnh, gia đình em Lò Mí Pó (thứ 2 bên trái), thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà xây được ngôi nhà khang trang.

Mặt khác, việc đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trên địa bàn huyện; giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Đi làm việc ngoài tỉnh còn giúp người lao động tiếp cận văn hóa mới, có tác phong công nghiệp, tay nghề, thu nhập ổn định... Đây là cơ sở để hình thành đội ngũ lao động có khả năng hòa nhập với xu hướng phát triển trong tương lai.

Qua tìm hiểu tại một số đơn vị, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là công dân huyện Mèo Vạc được biết, hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá khá tốt về lao động của huyện như cần cù, chịu khó, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong công việc. Đồng thời, các đơn vị cũng đánh giá cao sự phối hợp của huyện trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh tại địa bàn.

Hội chợ việc làm huyện Mèo Vạc năm 2023 thu hút đông đảo người lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Huy Sắc cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, huyện tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường và giúp người lao động chuyển đổi việc làm phù hợp; mở rộng thị trường gắn với kết nối cung, cầu lao động để giải quyết việc làm và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, coi đây là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202402/di-xa-de-mang-mua-xuan-ve-nha-19f33d4/