Dĩ vãng êm đềm trong 'Gia đình tôi'

Đọc 'Gia đình tôi' của nhà văn Duy Lam nhận thấy cái êm đềm tựa hồ bất biến. Êm đềm nhưng không ru ta vào mộng mị, mà dắt độc giả về một thuở ngây thơ...

Bìa tập sách "Gia đình tôi" của nhà văn Duy Lam.

“Trong gia đình tôi là con cả. Tôi cao 1 thước 72. Cũng giống Sơn, hồi tôi bắt đầu lớn, sự tăng chiều cao của tôi đã từng làm ba tôi ngạc nhiên và tự hào...

Mới đầu tôi còn kém ông một cái trán, rồi dần dần nửa cái trán, một phần ba cái trán và cuối cùng tôi... vượt hẳn ông một cái đầu”. Nhà văn Duy Lam đã tự giới thiệu về mình như thế trong tác phẩm “Gia đình tôi”, xuất bản năm 1962.

Thân mẫu của nhà văn Duy Lam là bà Nguyễn Thị Thế, em ruột của nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và là chị ruột của nhà văn Thạch Lam.

Nếu độc giả từng biết thêm về dòng họ Nguyễn Tường qua “Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường” của Nguyễn Thị Thế, thì nay chân dung bà lại hiện lên sống động, ấm áp trong tác phẩm “Gia đình tôi” (Phanbook và NXB Đà Nẵng) của Duy Lam.

Nhà văn Duy Lam tên thật là Nguyễn Kim Tuấn, sinh năm 1932 ở Hà Nội. Khi Nhất Linh vào Sài Gòn và chủ trương tờ Văn hóa Ngày nay, Duy Lam trở thành cây bút chủ lực của tờ này.

Duy Lam cho đăng bản thảo “Gia đình tôi” dài kỳ trên báo Văn hóa Ngày nay. Tác phẩm mỏng manh này không có tham vọng dựng lên trường thiên tiểu thuyết lần giở theo lịch sử một dòng họ với đầy đủ vinh quang và cay đắng. Nó nhẹ nhàng lướt qua thời gian với nụ cười hóm hỉnh lấp lánh xuyên suốt trang sách.

Tác phẩm gợi nhắc độc giả những trang văn của Tự lực Văn đoàn, khắc họa đời sống một lớp thị dân, một đời sống không bao giờ thiếu phần lãng mạn của những thanh niên nam nữ căng tràn sức trẻ, một thứ sức sống không phô trương nhưng luôn tươi mới, hấp dẫn.

Thị dân trong tác phẩm này của Duy Lam tuy không phải lao động chân tay nhưng cũng chẳng thuộc hàng khá giả, vẫn có lúc phải ăn những bữa “tu tiên” - chỉ giai đoạn túng thiếu mỗi bữa phải liệu cơm gắp mắm.

Và cũng chẳng hiếm lần gia đình dựa dẫm vào nhuận bút một truyện ngắn của anh con cả. Ta nhìn ra mấy nét đơn sơ của cảnh nhà thanh bần nhưng không để tâm hồn mình “túng thiếu”...

“Gia đình tôi” có lẽ lấy bối cảnh những năm 1950 đến đầu những năm 1960, khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng gần như không thấy điều này ảnh hưởng gì đến nhịp sống của xã hội thời chiến.

Các nhân vật trong “Gia đình tôi” dù chính hay phụ, già hay trẻ, trong đôi mắt của tác giả đều là những con người trong sáng đáng yêu. Họ cũng có thói tật, cũng có khuyết điểm, nhưng những điều ấy chỉ làm bức chân dung họ thêm rõ nét với vài đặc tả đủ giúp độc giả hình dung được tính cách nhân vật.

Đó là một bà mẹ “nội tướng” quán xuyến hết công việc trong ngoài, từng có thời là mỹ nhân. Giữa những câu chuyện đùa vui thấp thoáng hình ảnh của thời quá vãng, về “một trong những người đàn bà đầu tiên vấn tóc trần, rẽ lệch, mặc áo màu và mang dù Nhật”.

Đó là một người cha sống theo lối “người quân tử ăn chẳng cầu no”, là những em gái em trai tinh nghịch mà cũng đáng yêu đáng nhớ.

Gia đình mà Duy Lam dựng lên trên trang viết là một gia đình hiện đại, đầm ấm và hạnh phúc, nơi con cái và phụ huynh có thể bầu bạn với nhau, dẫu đôi khi có bị áp lực cơm áo gạo tiền nhưng không vì thế mà chối từ niềm vui bình dị từ cuộc sống thường nhật.

Nhưng cái bình yên ấy không phải toàn bích đến nỗi chẳng gợn chút điều chi tiếc nuối. Quá khứ vẫn có điều gì đó hấp dẫn con người.

“Một cảm giác ghen tị ló hiện đâu đây trong tâm hồn tôi. Tôi muốn có một cặp mắt của ba me để có thể nhìn thấy một dĩ vãng xa xôi và hồi tưởng lại khá rõ rệt đời sống cách đây mấy chục năm: nói tóm lại tất cả những cái gì êm đẹp của một thời xa xôi mà tôi không hề dự phần...”.

Duy Lam đã kết thúc tác phẩm “Gia đình tôi” như thế. Và đến lượt hậu nhân chúng ta, cũng muốn có đôi mắt người xưa để nhìn thấy trong trang văn Duy Lam một thời ngây thơ đã mất.

HUỲNH TRỌNG KHANG

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/di-vang-em-dem-trong-gia-dinh-toi-3130289.html