Đi trong tâm bão

Mặc cho mái tôn, cành cây bay vèo vèo, những chiếc Land cruiser chở Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu, vẫn luồn lách đi vào tâm bão để kiểm tra công tác chống bão ở hai tỉnh tâm bão là Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn cho thấy cấp bão 12, giật cấp 15. Nhận thấy đây là cơn siêu bão sẽ tác động ảnh hưởng rất lớn đến các công trình xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã thành lập Đoàn công tác và ngay tối 14/9 trực chỉ Hà Tĩnh thẳng tiến. Khi lên xe đã thấy Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà, Cục phó Phan Duy Thương; Viện trưởng Viện KHCNXD Nguyễn Đại Minh; Vụ phó KHCN&MT Hoàng Quang Nhu... cho thấy tầm quan trọng của công việc mà Bộ trưởng chỉ đạo.

01h00 ngày 15/9, Đoàn đến TP Hà Tĩnh. Dù dự báo đến 10h sáng bão sẽ đổ bộ vào đất liền nhưng lúc đó Hà Tĩnh vẫn lặng mưa lặng gió, một không khí cảnh báo trước bão sẽ rất mạnh.

Sáng 15/9, tại TP Hà Tĩnh, mưa bắt đầu lớn và gió giật liên hồi xé tan các biển quảng cáo và khiến nhiều cây xanh gãy, đổ. Tại trụ sở Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn Hà Tĩnh không khí thật khẩn trương và căng thẳng, tình hình ở các địa phương ven biển liên tục báo về. Ông Đặng Quốc Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với Thứ trưởng Lê Quang Hùng về công tác phòng chống bão, tỉnh đã bố trí 12 nghìn cán bộ chiến sĩ đến giúp các địa phương; đã di dời 35 nghìn dân đến nơi trú bão an toàn. Ở trong phòng báo cáo nhưng ngoài đường gió rít liên hồi khiến những người dự họp nóng lòng khoác vội áo mưa để ra hiện trường.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng dẫn đầu, vẫn luồn lách đi vào tâm bão để kiểm tra công tác chống bão ở hai tỉnh tâm bão là Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tại công trường cao ốc 18 tầng trên đường Trần Phú đang thi công dở dang, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị nhà thầu để tay cẩu tháp xoay tự do, hạ vận thang, giằng néo an toàn giàn giáo, che chắn VLXD để tránh gió bão thổi bay gây mất an toàn.

Đến kiểm tra tháp ăng ten cao nhất Hà Tĩnh 110m của Đài PT&TH Hà Tĩnh, lãnh đạo Đài cho biết cột ăng ten thường xuyên được bảo dưỡng và kiểm định, chịu được bão lớn nên có thể yên tâm về độ an toàn. Thứ trưởng cho biết, do những năm trước đã xảy ra các vụ đổ cột ăng ten làm chết người nên đây là những công trình đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra sự cố, nên phải thường xuyên kiểm tra an toàn.

Đoàn công tác kiểm tra cột ăng ten của Đài PT&TH Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh nhận được tin báo một đoạn đê chống mặn tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà vừa bị vỡ, nước tràn vào nhà dân nên Đoàn đã tức tốc đến hiện trường. Tại đây địa phương báo cáo đã sơ tán người già, phụ nữ và trẻ em đến nơi an toàn từ chiều qua, chỉ thanh niên ở lại ứng phó. Thứ trưởng hướng dẫn nhanh cho người dân cách giằng néo nhà cửa an toàn. Tiếp đó Đoàn đến kiểm tra nơi trú bão của người dân ở nhà thờ giáo xứ Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng - nơi có hơn 550 người dân sơ tán đến từ chiều 14/9. Cha xứ cho biết, đã bố trí ăn ở cho bà con chu đáo. Sau khi kiểm tra các phòng trú đã được giằng néo an toàn, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng đã trao quà và động viên bà con chống chọi để vượt qua thiên tai.

10h sáng ngày 15/9, Đoàn theo tâm bão Kỳ Anh thẳng tiến. Gió bão to khiến lực lượng chức năng phải đóng Quốc lộ 1 chiều vào tại trạm thu phí Cầu Rác. Là Đoàn xe chống bão nên CSGT cho chúng tôi qua và nhắc nhở phải cẩn thận trên đường. Tuy vậy, cũng chỉ chạy được thêm 10km nữa thì không thể chịu được sức gió, những chiếc Land cruise tự trọng 2,6 tấn cứ như những chiếc lá muốn bốc khỏi mặt đường, buộc Thứ trưởng quyết định quay lại chờ ngớt gió.

Không thể chịu được sức gió, những chiếc Land cruiser tự trọng 2,6 tấn cứ như những chiếc lá muốn bốc khỏi mặt đường.

Khoảng 11h30 nhận được tin cột ăng ten 100m của Đài PT&TH thị xã Kỳ Anh bị đổ khiến đoàn công tác nóng ruột hơn. Những số điện thoại của người quen dọc đường từ TP Hà Tĩnh vào đến Kỳ Anh được kết nối để xem tình hình mưa bão trên đường, để xe có thể vào được Kỳ Anh. Gần 13h các cộng tác viên cho biết, đã có thể di chuyển được nên đoàn khẩn trương lên đường. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Trần Hậu Thành cũng nóng ruột không chờ đoàn của tỉnh mà bám theo Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào Kỳ Anh.

Dọc Quốc lộ 1 mái tôn, cành cây, bể nước bị gió tốc bay vèo vèo; cột điện đổ khiến dây điện mắc võng ngang đường; mưa to mù mịt khó nhìn thấy đường nhưng những chiếc xe vẫn lầm lũi bò. Sau hơn 1 tiếng, Đoàn đã có mặt tại chân cột tháp. Trưởng Đài PT&TH thị xã Kỳ Anh cho biết, cột ăng ten không chịu được gió giật đã gục đổ lúc 11h11'. Rất may trước đó nhờ sự cảnh báo của Sở Xây dựng Hà Tĩnh nên đã tổ chức di dân trong vòng bán kính 120m ra đến nơi trú bão an toàn. Và cũng rất may là cột đổ gập từng khúc một thành 3 khúc nên gần như "hạ an toàn" trong khuôn viên của Đài, không gây thiệt hại cho các công trình xung quanh.

Báo cáo với Thứ trưởng, Trưởng Đài PT&TH Thị xã Kỳ Anh cho biết, cột ăng ten này lắp đặt năm 2011 và được Đài PT&TH Hà Tĩnh bàn giao cho Đài PT&TH thị xã từ tháng 4 vừa rồi; đã được kiểm định, chịu sức gió cấp 12.

Kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng: Chưa thể kết luận ngay nguyên nhân sự cố. Có thể là do cấp gió quá sức chịu đựng so với thiết kế, có thể do công tác kiểm định, bảo dưỡng, sử dụng... Cái may nhất là sự cố này đã không gây thiệt hại về người và công trình của người dân sống chung quanh. Qua đó thấy rõ sự cấp thiết phải kiểm định thường xuyên, định kỳ các công trình thuộc dạng nguy hiển này. Thứ trưởng giao Cục Quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng xem xét sự cố công trình này.

Có đi qua mới thấy Kỳ Anh là địa phương bị bão tàn phá nhiều nhất, ngoài tốc mái tôn, biển quảng cáo, cây xanh... thì cột điện đổ la liệt.

14h30, Đoàn rời Kỳ Anh vào Quảng Bình. Hầm đèo Ngang vẫn đóng, phải đi đường đèo. Phía Bắc, Kỳ Anh đang mưa tầm tã nhưng qua đèo, Quảng Bình đã hết mưa và trời có phần hửng. Vẫn cảnh cây cối ngổn ngang, mái tôn đầy đường và cột điện đổ suốt từ chân đèo vào đến TP Đồng Hới.

Tại Sở Xây dựng Quảng Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết, theo tổng hợp nhanh ban đầu, toàn tỉnh đã có hơn 49 nghìn ngôi nhà bị tốc mái; hư hại 20 trụ sở làm việc, 92 số điểm trường, 18 cơ sở y tế, 104 công trình văn hóa; hệ thống điện lưới nhiều nơi bị hư hỏng, phải mất nhiều ngày để khắc phục. Tại TP Đồng Hới, cao ốc trung tâm thương mại Vincom và cầu Nhật Lệ 2 không bị ảnh hưởng gì. Các biển quảng cáo và cổng chào đổ do gió lớn và một số công trình này không đảm bảo an toàn kết cấu, Sở không chứng nhận kiểm định do không an toàn và đã có cảnh báo từ trước.

Ngay sau đó Đoàn đến hiện trường một số công trình tại TP Đồng Hới và chờ Đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ Đà Nẵng ra Quảng Bình để chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 10.

18h30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra đến TP Đồng Hới và yêu cầu đi thị sát ngay hiện trường trước khi có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ngay hiện trường trước khi có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Kiểm tra tình hình thiệt hại sau bão tại TP Đồng Hới khi TP này vẫn bị mất điện diện rộng, Thủ tướng yêu cầu việc trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân, “chứ để cả thành phố tối, mất điện, sẽ rất nguy hiểm”. Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa cho người dân.

19h, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành họp với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình để đánh giá tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa bão. Thủ tướng yêu cầu: “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện bảo đảm sớm có điện cho địa phương. Ngành Y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh sau bão. Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để dự báo, thông báo kịp thời, có phương án sẵn sàng ứng phó.

Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân Quảng Bình; giao Bộ NN&PTNT kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tăng cường lực lượng quân đội cùng địa phương hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa. "Đây là nhiệm vụ cấp bách ngay sau cuộc họp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng nay 16/9, Thủ tướng rời Quảng Bình ra Hà Tĩnh chỉ đạo khắc hậu quả cơn bão số 10. Bão số 10 cấp 12 giật cấp 15 là cơn bão lớn nhất 10 năm qua, nhưng do sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và chủ động của địa phương, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nghiêm túc, người dân chủ động phòng chống, chèn chống nhà cửa, nên thiệt hại được hạn chế so với cấp độ của bão.

Bão đã qua, giờ là lúc nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bắt tay khôi phục lại nhà cửa, hoa màu. Hy vọng với sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương, họ sớm ổn định cuộc sống.

PV

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/di-trong-tam-bao.html