Đi tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm - Bài 3: Quản lý đang chạy theo thực tiễn

Các vụ ngộ độc thực phẩm lớn thời gian qua có điểm chung là các cơ sở này kinh doanh không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chính điểm chung này, theo các chuyên gia, đang gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong đời sống hiện nay.

Mẫu số chung của các vụ ngộ độc thực phẩm

Trong khi các bộ ngành, địa phương đang cố gắng chỉ đạo ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm thì các vụ ngộ độc thực phẩm lại không chịu dừng lại.

Mới đây nhất hai vụ ngộ độc xảy ra liên tiếp tại hai bếp ăn tập thể ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Đồng Nai. Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam (Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận đến sáng ngày 17/5 đã có gần 500 người bị ngộ độc trong đó 381 người khỏi, được ra viện; còn 57 người đang điều trị.

 Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ảnh Trinh Phúc).

Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ảnh Trinh Phúc).

Vụ ngộ độc mì quảng gà do Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Hồng Phúc cung cấp cho công nhân thuộc xưởng 14 của công ty Dechang tại Đồng Nai. Có khoảng 400 công nhân ăn sau một lúc, nhiều người có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, nôn ói. Vụ ngộ độc này khiến 94 công nhân nhập viện cấp cứu. Đến ngày 17/5 vẫn có 10 người điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.

Xâu chuỗi với các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán cơm gà Nha Trang, bánh mì đường phố ở Đồng Nai trước đây và các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể mới đây có thể thấy một mẫu số chung các loại hình kinh doanh này đều không cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Cụ thể tại Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm quy định Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, sơ chế nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, sản xuất kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm bao gói sẵn; Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Nhà hàng trong khách sạn; Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; kinh doanh thức ăn đường phố.

Điều này lý do tại sao trong khi Luật an toàn thực phẩm quy định chi tiết yêu cầu đảm bảo vệ sinh đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trong khi Nghị định 15 lại để mở cho phép các cơ sở này kinh doanh không cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đang được nhiều người đặt ra?

Tuyên truyền có phải chìa khóa vàng?

Hiện nay để quản lý các cơ sở kinh doanh đồ ăn đang là một thách thức lớn đối với y tế cơ sở. Tại các địa phương, việc quản lý đang thực sự đặt ra nhiều thách thức, trong đó biện pháp tuyên truyền luôn được áp dụng như phương pháp chính.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trịnh Văn Quyết Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, để người kinh doanh được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận thức được vấn đề này để áp dụng hàng ngày, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh.

 Quản lý thức ăn đường phố đang đặt ra nhiều thách thức (ảnh Trinh Phúc).

Quản lý thức ăn đường phố đang đặt ra nhiều thách thức (ảnh Trinh Phúc).

Công tác thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao kiến thức, thực hành, thái độ của chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng.

Y tế cơ sở như tại tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đa dạng hóa nhiều hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; người tiêu dùng; cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm như: huy động các kênh truyền thông đại chúng, đài truyền thanh, truyền hình; treo pano tại các khu vực đông dân cư, in ấn băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi để phân phối cho các địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện trực tiếp về an toàn thực phẩm...

Thường xuyên cập nhật các thông tin, vấn đề mang tính thời sự về an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử, công khai các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân được biết nhằm lựa chọn cơ sở, sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc, chung tay của toàn thể xã hội. Trong những năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho đội ngũ tuyên truyền viên của các đoàn thể, hội phụ nữ, hội nông dân, góp phần đưa kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm được phổ biến sâu rộng đến toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận, hiện nay, theo quy định, chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận.

“Tuy nhiên, qua thực tế, đa số các cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, trình độ chuyên môn, nhận thức của một bộ phận người dân, chủ cơ sở về vấn an toàn thực phẩm còn hạn chế, nhiều cơ sở chỉ có 1 lao động vừa là chủ, vừa là nhân viên… nên việc tập huấn, xác nhận kiến thức cho nhân viên còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Đây cũng là khó khăn, trăn trở trong công tác quản lý của ngành” – ông Trịnh Văn Quyết cho biết.

Không chỉ tại Lâm Đồng mà ở địa bàn cả nước công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được coi trọng. Không thể phủ nhận những nỗ lực để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm không xảy ra, Chính phủ và Bộ Y tế cùng các bộ ngành và địa phương đã liên tục triển khai nhiều biện pháp.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Trong công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố....

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định…

Cần siết chặt quản lý

Với những nỗ lực, quyết tâm của cả Chính phủ, bộ ngành, địa phương cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tới đây nếu ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra thì công tác quản lý nên thay đổi thế nào để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

Trước thực tế các vụ ngộ độc không chịu dừng lại, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục Trưởng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Bộ Y Tế - Chủ Tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Chứng Năng Việt Nam) cho rằng, cần phải trở lại cách quản lý như ngày xưa. Tức là các đơn vị muốn kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh.

 Chuyên gia cho rằng cần phải cấp phép đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (ảnh Trinh Phúc).

Chuyên gia cho rằng cần phải cấp phép đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (ảnh Trinh Phúc).

Theo ông Trần Đáng, muốn kinh doanh phải đáp ứng đủ 3 nhóm cơ bản. Thứ nhất phải có một có cơ sở kinh doanh (tức nhà ăn, mặt bằng chế biến, bếp, bàn ghế, phòng ăn …điều kiện cơ sở mặt bằng, nhà xưởng, không gian không được ở gần công rãnh, thùng rác. Thứ 2 phải đáp ứng được trang thiết bị dụng cụ, bàn ghế ăn, bát đũa.

“Khi thời còn pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm, đi kiểm tra người ta còn rút đũa ra để ngửi có mùi hôi không, cái ống để đũa có bẩn không. Bây giờ tôi hỏi có ai đi kiểm tra như vậy không” - chuyên gia này chia sẻ.

Điều kiện thứ 3 về con người. Theo đó, nhân viên phải học tập bài về vệ sinh an toàn thực phẩm; bao gồm động tác rửa tay, kiến thức, bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ. “Ví dụ không may trong chế biến buôn bán bánh mì, người nhân viên buôn bán bánh mì đang nhiễm vi khuẩn thương hàn thì sẽ lây sang bánh mì, từ đó gây ngộ độc cho nhiều người” - ông Trần Đáng nhận định.

Đối với thức ăn đường phố, theo ông cần phải thực hiện 10 tiêu chuẩn. Theo thông lệ, người ta sẽ chia ra, thức ăn đường phố quán nhỏ, quán trung bình, quán lớn, nhà hàng…Tất cả đều phải có tiêu chuẩn.

Điều kiện chung là phải thực hiện kiểm soát được chuỗi cung cấp thực phẩm. “Mỗi một ngày cơ sở lấy chế biến 30 món ăn, nguyên liệu 30 món ăn đó phải biết rõ lấy từ đâu và phải kiểm soát từng chuỗi một. Cá thủy sản mua từ đâu, có nguồn gốc an toàn, rau quả lấy ở đâu..., toàn bộ từng chuỗi một đều phải có chứng nhận chuỗi đó phải an toàn” – ông Trần Đáng nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, "các chế độ kiểm thử 3 bước cần phải đảm bảo. Trước khi lấy nguyên liệu phải kiểm tra, lấy nguyên liệu trong kho ra nấu cũng phải kiểm tra, nấu xong chia ra thức ăn cũng phải kiểm tra.

Cuối cùng, lưu mẫu để đánh giá. Ví dụ vụ bánh mì vừa rồi ở Đồng Nai khiến hơn 500 người nhập viện nhưng không thấy lưu mẫu. Cần phải tìm ra, giải trình được bột mì lấy ở đâu, pate mua ở đâu, chuỗi trừng lấy ở đâu và có an toàn hay không”.

Nếu thực ăn đường phố đi kiểm tra nhưng không đủ điều kiện thì đóng cửa. Trong kiểm tra, thanh tra xử lý cũng phải thực hiện 6 nguyên tắc kiểm soát thức ăn đường phố. Trước hết, chính quyền phải là người thực thi. Ví dụ, trên địa bàn của phương nào thì phường ấy chịu trách nhiệm. Trước đây, mình làm được, kể cả người bán rong.

Y tế phải là cơ quan tham mưu thông minh, phù hợp với thực tế; Phối hợp liên ngành, công an, y tế, quản lý thị trường. Các hội của phường đó phối hợp với nhau để thực hiện. Ngoài ra cần giáo dục đến từng chủ hộ kinh doanh, tất cả các nhân viên đều được học 100% về an toàn thực phẩm.

“Trước đây tổ chức y tế thế giới người ta đến hướng dẫn chỉ có 30 phút nắm được kiến thức. Đều là những vấn đề cầm tay chỉ việc” – ông Trần Đáng chia sẻ và nhấn mạnh: “Thức ăn đường phố phải là kinh doanh có điều kiện. Muốn mở được cửa hàng thì cơ quan y tế có thẩm quyền cấp cho giấy phép đủ điều kiện. Phải tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên và xử lý thích đáng. Cứ thực hiện như vậy mới kiểm soát được thức ăn đường phố”.

Không được thả nổi việc bán hàng ăn trên mạng

Ông Trần Đáng cho rằng, kinh doanh chế biến thức ăn sẵn trên mạng là hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý cũng thích ứng các biện pháp quản lý mới. Để quản lý đối tượng này, người bán hàng vẫn phải đăng ký kinh doanh để cơ quan quản lý chuyên môn kiểm tra cơ sở có đảm bảo điều kiện hay không.

Muốn được kinh doanh cũng phải được cấp phép cơ sở, các nguồn nguyên liệu cũng phải được kiểm soát, con người cũng phải đảm bảo theo quy định. Kiểm soát để tránh việc sử dụng các thực phẩm quá hạn, hàng kém chất lượng, chế biến linh tinh đưa đi bán.

Nếu anh bán như vậy anh có lưu mẫu hay không. Tất cả quản lý đều như đối với kinh doanh truyền thống. Ngoài ra, những thông tin quảng cáo lan truyền trên mạng cũng phải được cấp phép tránh việc thổi phồng chất lượng, hư cấu để bán hàng.

(Còn nữa)

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/di-tim-loi-giai-cho-bai-toan-dam-bao-an-toan-thuc-pham--bai-3-quan-ly-dang-chay-theo-thuc-tien-post295840.html