Đi tìm hòa bình toàn diện cho Syria

Ngày 16-9, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani diễn ra ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 giữa 3 nhà lãnh đạo nói trên kể từ năm 2017 với mục tiêu sớm đạt được sự ngừng bắn hoàn toàn ở Idlib, cũng như các bước cần thực hiện trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng xung đột ở Syria và kiểm soát tình trạng di cư.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara đưa các nước đứng về các chiến tuyến khác nhau tại Syria ngồi cùng một bàn thảo luận. Tổng thống V.Putin và Tổng thống H.Rouhani ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ, châu Âu và các đồng minh Arab ủng hộ các phe phái đối lập trong cuộc xung đột tại Syria.

Một trong những chủ đề quan trọng được đưa lên bàn hội nghị là tình hình tại tỉnh Idlib của Syria, thành trì lớn cuối cùng của phe đối lập tại Syria. Tỉnh này cũng có vị trí chiến lược quan trọng vì có chung một khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm phiến quân mạnh nhất hoạt động tại tỉnh có tên là HTS, nhóm bảo trợ của lực lượng Mặt trận Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9-2018, các vùng nông thôn của tỉnh Idlib và vùng nông thôn kế cận thuộc tỉnh Hama cũng như vùng nông thôn phía tây của tỉnh Aleppo đều nằm trong các vùng giảm căng thẳng. Tuy nhiên, thỏa thuận này không thực hiện được do HTS mở rộng tấn công tại Idlib và các vị trí quân sự của quân đội Syria. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 chốt giám sát quanh Idlib nhằm duy trì lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và các nhóm phiến quân tại đây. Thời gian gần đây, các chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị trúng đạn do chiến dịch của quân đội Chính phủ Syria chống lại các phần tử khủng bố trong khu vực. Tổng thống Tayyip Erdogan cảnh báo, bất cứ vụ tấn công nào vào các chốt an ninh cũng sẽ đối mặt với sự trả đũa của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (bên phải) tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước thềm hội nghị tại Ankara. Ảnh: aljazeera.com

Trong khi đó, Tehran cho rằng, đối phó với khủng bố và sự can thiệp nước ngoài tại Syria, đưa người tị nạn trở về quê hương, cải cách hiến pháp và tổ chức bầu cử, tái thiết Syria là những vấn đề cần được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Ankara. Tổng thống H.Rouhani cũng bác bỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria. “Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là một hành động xâm chiếm, can thiệp bất hợp pháp. Các vấn đề của khu vực này cần phải được giải quyết bởi các quốc gia trong khu vực, thông qua đối thoại và thỏa hiệp”, Tổng thống H.Rouhani nói.

Về phần mình, Moscow nhấn mạnh, phe đối lập phải có đại diện trong Ủy ban Hiến pháp của Syria, từ đó đóng góp xây dựng kế hoạch chính trị tổng thể nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở đất nước Trung Đông này theo Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc.

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần thứ 5 được tổ chức trong khuôn khổ Tiến trình Astana-hiệp định do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ. Khởi xướng từ năm 2017, trải qua 13 vòng đàm phán, Tiến trình Astana chưa thể đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Syria. Tuy nhiên, với sự hợp tác 3 bên hay song phương giữa 3 nước Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ Astana với việc tập trung vào những mục tiêu nhỏ hơn đang tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc chiến kéo dài 8 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp giữa Tổng thống Bashar al-Assad và đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentiev tại thủ đô Damascus ngày 15-9, hai bên đã nhất trí về danh sách Ủy ban Hiến pháp Syria, song, cơ chế hoạt động của ủy ban này vẫn đang được thảo luận. Quyết định thành lập Ủy ban Hiến pháp được thỏa thuận tại Đại hội đối thoại dân tộc Syria tổ chức ở khu nghỉ mát Sochi của Nga ngày 30-1-2018. Việc khởi động Ủy ban Hiến pháp Syria gồm đại diện chính phủ và phe đối lập là trọng tâm nỗ lực hòa bình của Liên hợp quốc tại Syria nhằm tổ chức bầu cử để chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/di-tim-hoa-binh-toan-dien-cho-syria-591273