Đi tìm bản sắc Việt trong bộ phim Pháp của Trần Anh Hùng

Bản sắc văn hóa Việt Nam là dấu ấn không bao giờ thiếu trong các tác phẩm của vị đạo diễn gốc Việt, ngay cả ở bộ phim mới nhất và đậm chất Pháp của anh.

Trailer bộ phim 'Vĩnh cửu' "Eternité" là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trần Anh Hùng, sử dụng tiếng Pháp và có sự góp mặt của ba người đẹp Audrey Tautou, Bérénice Bejo, Mélanie Laurent.

6 năm kể từ sau tác phẩm chuyển thể đình đám Rừng Na Uy (2010), đạo diễn Trần Anh Hùng trình làng “đứa con tinh thần” tiếp theo mang tên Vĩnh cửu.

Tuy nhiên, đi ngược lại dự đoán và kỳ vọng của giới truyền thông quốc tế, bộ phim vắng mặt tại Cannes và Venice, hai liên hoan phim vốn rất ưu ái nhà làm phim người Pháp gốc Việt trong quá khứ.

Lý do mà Trần Anh Hùng đưa ra là các nhà giám tuyển và phê bình phim phương Tây chưa thực sự cảm và hiểu được cái đẹp, cũng như tính nhân văn mang chủ đề vĩnh cửu mà bộ phim muốn truyền tải.

Nhưng chứng kiến nỗi xúc động, sự ngưỡng mộ lẫn tình cảm yêu mến mà khán giả Việt Nam dành cho Vĩnh cửu tại hai buổi chiếu ra mắt ở Hà Nội và TP. HCM, câu trả lời đó có lẽ không còn quan trọng nữa.

Có thể thấy một hiện tượng thú vị ở đây: trong khi giới phê bình ngoài nước chưa hiểu hết các dụng ý nghệ thuật để đánh giá cao Vĩnh cửu, dù nó được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết phương Tây, lấy bối cảnh văn hóa, xã hội phương Tây, thì nhiều khán giả điện ảnh Việt Nam lại tỏ ra đồng cảm và yêu thích bộ phim.

Có nhiều lý do để yêu thích bộ phim Vĩnh cửu, như phần hình ảnh tuyệt đẹp trên nền nhạc piano quyến rũ, cốt truyện sinh tử luân lưu đầy tính nhân văn... Ảnh: Green Media.

Có nhiều lý do để yêu thích bộ phim Vĩnh cửu, như phần hình ảnh tuyệt đẹp trên nền nhạc piano quyến rũ, cốt truyện sinh tử luân lưu đầy tính nhân văn... Ảnh: Green Media.

Có người thỏa mãn sau khi “chết chìm” trong cái đẹp, có người xúc động nghẹn ngào với cốt truyện sinh tử luân lưu, có người rưng rưng khi tìm thấy hình bóng của bản thân, của mẹ, của gia đình trong phim…

Cũng có thể vài người trong số đó vì sẵn lòng ưu ái “đạo diễn nước nhà” mà dành cho tác phẩm một cái nhìn bao dung hơn. Song, có một điều chắc chắn rằng niềm đồng cảm lan tỏa trong công chúng điện ảnh Việt Nam về Vĩnh cửu không chỉ đến từ đó.

Bộ phim được Trần Anh Hùng chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Nét duyên góa phụ của nữ tác giả Alice Ferney người Pháp, kể câu chuyện về một gia tộc với những sóng gió cuộc đời qua hai thế kỷ. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là ba người phụ nữ, can trường nuôi dạy những người con khôn lớn để duy trì và tiếp nối tình mẫu tử thiêng liêng, vĩnh cửu.

Câu chuyện ấy có thể khiến độc giả dễ liên tưởng tới Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez với dung lượng hiện thực khổng lồ được co kéo trong hơn 100 trang tiểu thuyết. Qua bàn tay của Trần Anh Hùng, câu chuyện hai thế kỷ đó trở thành 120 phút thanh thoát trên phim.

Vĩnh cửu đề cao hình ảnh người phụ nữ, với nhiều chi tiết có thể khơi gợi nên sự đồng cảm ở khán giả Việt. Ảnh: Green Media.

Điểm đáng nói ở Vĩnh cửu là sự chắt lọc và tái tạo những chi tiết, hình ảnh trong tiểu thuyết để đưa lên phim. Bản thân Nét duyên góa phụ là một cuốn tiểu thuyết đậm tính nữ, đề cao người phụ nữ và vẻ đẹp tâm hồn họ.

Điều đó xem ra rất dễ cho Trần Anh Hùng trong việc thể hiện phong cách nghệ thuật giàu “nữ tính” như trong quá khứ. Tuy nhiên, việc lựa chọn khai thác sâu yếu tố gia đình và vai trò của người phụ nữ trong gia đình là điều mà nhà làm phim nói riêng và người Việt Nam nói chung có nhiều đồng cảm.

Những người phụ nữ trong Vĩnh cửu, trong Mùi đu đủ xanh hay trong Mùa hè chiều thẳng đứng tuy khác màu da, khác thế hệ, nhưng đều có chung một điểm là tình thương yêu, lòng thủy chung và đức hy sinh quên mình cho gia đình và tương lai thế hệ sau.

Cuộc đời họ có thể có hoặc vắng bóng đàn ông. Nhưng vẻ đẹp bao dung trong họ luôn lấp lánh tỏa sáng. Valentine hay Mathilde của Vĩnh cửu không chỉ đẹp trong ánh cười rạng rỡ khi nhìn từng đàn con cháu khôn lớn. Họ còn đẹp trong thiên chức làm mẹ đơn thuần của người phụ nữ: sinh thật nhiều con, nuôi chúng khôn lớn và hiến dâng chúng cho đất nước, cho cuộc đời.

Ở phương diện đó, những người tiếp nhận bộ phim từ ý thức hệ phương Tây, ưu tiên đề cao tính cá nhân thay vì mối quan hệ gia đình, cộng đồng, có thế sẽ cảm thấy chút xa lạ.

Đâu đó trong việc xây dựng phông nền văn hóa cho nhân vật, Trần Anh Hùng còn bộc lộ khá nhiều điểm thú vị về phân biệt giới theo tư tưởng truyền thống của người Việt Nam: quan niệm con trai phải xông pha trận mạc, con gái ở nhà học đàn ca sáo nhị, việc dựng vợ gả chồng do bố mẹ vun lo, hôn nhân đến trước tình yêu đến sau là chuyện không có gì to tát…

Tất nhiên, việc phân biệt có thể xuất phát từ ý tưởng của tác giả trong tiểu thuyết gốc. Tuy nhiên, việc triệt tiêu những diễn giải và ấn định quy cách hành xử cho nhân vật nam hay nữ như quy luật hiển nhiên, khiến Trần Anh Hùng theo cách nào đó rất gần với quan niệm của xã hội Việt Nam cũ, điều người xem từng thấy rõ nét ở Mùi đu đủ xanh.

Dù là vô tình hay hữu ý, Trần Anh Hùng đã để nhiều chi tiết mang dáng dấp Việt Nam len lỏi trong tác phẩm mới của anh. Ảnh: Green Media.

Khán giả có thể thấy khoái chí khi bất chợt bắt gặp giữa những thước phim vàng ấm cúng của mùa thu nước Pháp là một khung cảnh hết sức thân thuộc, gần gũi mang nét sinh hoạt của một gia đình tri thức Việt Nam thời xưa: người mẹ ôm con nô đùa trên tay, bên cạnh là người cha đăm chiêu đọc sách, thi thoảng ngước lên mỉm cười hiền từ giữa khu vườn xanh mướt nắng vàng.

Hay cách vấn tóc của những cô gái Pháp cuối thế kỷ XIX theo cách vòng hai tay ra sau, thắt lấy phần đuôi rồi cuộn tròn thành búi sau gáy như các bà, các mẹ Việt Nam thời xưa dường như cũng có chút gì gượng gạo. Giả như Trần Nữ Yên Khê ngồi đó, đưa tay búi tròn mái tóc dài, đen nhánh Á Đông thì có lẽ sẽ hợp tình hợp cảnh hơn.

Vĩnh cửu, nếu so với những bộ phim Việt Nam khác của Trần Anh Hùng, dấu ấn văn hóa Việt dĩ nhiên mờ nhạt hơn, ít ỏi hơn. Nhưng chắc chắn rằng biểu hiện của nó đáng giá hơn nhiều đối với việc tạo dựng và duy trì phong cách của một đạo diễn tác giả.

Việc người xem tìm thấy những hình thái, nét đi, nếp nghĩ của người Việt Nam trong một bộ phim lấy bối cảnh nước Pháp, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết văn học Pháp, kể về xã hội Pháp, dù là do đạo diễn vô tình hay hữu ý, cũng là một chiêm nghiệm thú vị về giao thoa văn hóa của các nghệ sĩ gốc Việt tha hương.

Vĩnh cửu, dù có bàn về những giá trị mang tính nhân loại, dù lấy bối cảnh bất của bất cứ xã hội nào thì trước hết, cũng vẫn là tác phẩm của một đạo diễn gốc Việt, mang hệ tư tưởng và chiều sâu văn hóa Việt Nam. Đặc điểm ấy từng xuất hiện khá sớm trong các tác phẩm đầu tay của Trần Anh Hùng như Mùi đu đủ xanh, Xích lô hay Mùa hè chiều thẳng đứng và được duy trì cho tới nay.

Có khác chăng, càng lúc tinh thần và cái nhìn của người Việt ấy lại càng hòa hợp (chứ không hòa tan) vào đời sống điện ảnh thế giới đương đại. Điều đó hứa hẹn tương lai thú vị dành cho Trần Anh Hùng, với tư cách một đạo diễn tác giả mang trong mình bản sắc quê hương.

Diệu Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/di-tim-ban-sac-viet-trong-bo-phim-phap-cua-tran-anh-hung-post680526.html