Đi tìm bản quán bà Yă Dôk người vợ thứ 2 của Nguyễn Nhạc

Lâu nay, nhiều sách báo viết về Yă Dôk (có người viết là Yă Đố, trong tiếng Bahnar 'Yă' nghĩa là bà) là vợ thứ 2, còn gọi là Cô Hầu của thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn Nguyễn Nhạc trên vùng đất Đông Gia Lai trước và sau cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1773). Bà là người có công rất to lớn trong việc vận động đồng bào Bahnar hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ nêu chung chung chứ chưa có ai viết cụ thể về bản quán của bà.

Để tìm hiểu lai lịch của Yă Dôk, ngày 25-8-2020, tôi cùng các anh Trần Đình Luân-cán bộ Nhà Bảo tàng An Khê, Nguyễn Công Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang, Đinh Mun-cán bộ Trung tâm, cùng nhau lên đường lần tìm quê quán của Yă Dôk. Trước đó, chúng tôi cũng chỉ nghe nói Yă Dôk quê ở xã Đông (huyện Kbang), còn ở làng nào thì chưa rõ.

Sau khi lần tìm ở một số làng nhưng không có manh mối, đến làng Đak Yang 2, chúng tôi may mắn được gặp ông Đinh Dem, 76 tuổi. Ông Dem cho biết: Quê ông ở xã Yang Nam, huyện Kông Chro. Năm 1959, ông đi bộ đội. Đến năm 1963, đơn vị ông chuyển đến đóng quân ở địa bàn huyện Kbang. Tại đây, ông yêu một cô gái làng H’Mầu và cưới làm vợ. Lúc đó, làng H’Mầu ở bên suối Sem, giáp huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Ở rể tại đây, ông được nghe dân làng kể rằng làng H’Mầu chính là quê hương của Yă Dôk. Năm 1965, làng H’Mầu dời về gần Vườn mít và Cánh đồng Cô Hầu. Năm 1974, làng H’Mầu nhập vào làng Quao. Từ đó, tên làng H’Mầu không còn nữa. Đến năm 1976, làng Quao và làng Rõ tiếp tục sáp nhập thành làng Đak Yang, đến năm 1985 tách thành 4 làng: Quao, Rõ, Đak Yang 1 và Đak Yang 2.

Chúng tôi xuống làng Quao (xã Nghĩa An, huyện Kbang) tìm gặp ông Hunhép, 70 tuổi. Ông Hunhép khẳng định: Làng H’Mầu trước kia chính là quê hương của Yă Dôk, vì trong bài cúng của làng luôn có mời Yă Dôk về chứng kiến.

Đi sâu vào chi tiết câu chuyện, nhận thấy phải có người lớn tuổi hơn mới có thể cung cấp đủ thông tin cần thiết, ông Hunhép cho cháu gái lấy xe máy vào rẫy chở bok Sớ (77 tuổi) về gặp chúng tôi. Bok Sớ xác nhận: Yă Dôk chính là người làng H’Mầu. Mỗi lần cúng làng tại nhà rông, già làng đều mời Yă Dôk về dự. Vườn mít và Cánh đồng Cô Hầu trước kia thuộc địa phận của làng H’Mầu, do nghĩa quân Tây Sơn trồng và Yă Dôk cai quản.

Khu vực Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An, huyện Kbang). Ảnh: Phan Duy Tiên

Khu vực Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An, huyện Kbang). Ảnh: Phan Duy Tiên

Đặc biệt, bok Sớ còn giới thiệu với chúng tôi rằng ở làng H’Mầu cũ có bok Prol là người già nhất làng H’Mầu, hiện vẫn còn sống và có thể nhớ nhiều thông tin hay về Yă Dôk. Chúng tôi tìm đến nơi bok Prol sinh sống ở làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê) và may mắn gặp được ông. Bok nay đã 100 tuổi. Tuy đã yếu nhưng vẫn còn minh mẫn.

Trò chuyện cùng chúng tôi (tất nhiên là có con cháu phiên dịch), bok xác nhận Yă Dôk là người làng H’Mầu. Làng H’Mầu trước đây rất giàu có. Vườn mít và Cánh đồng Cô Hầu là do Yă Dôk lấy đất của làng H’Mầu chia cho nghĩa quân trồng lúa, bắp, cam, mít... Đến thời kỳ kháng chiếng chống Pháp và chống Mỹ, làng bị đốt cháy nên phải thay đổi chỗ ở, sau đó nhập vào làng Quao. Từ đó, cái tên làng H’Mầu không còn nữa.

Ngày nay, tại làng Quao và các làng ở gần Vườn mít và Cánh đồng Cô Hầu, mỗi khi có lễ cúng, cùng với khấn vái trời đất thì già làng đều khấn vái và mời Yă Dôk về dự. Lời khấn được tóm lược như sau: “Ơ thần núi, thần sông. Ơ bok Teng. Ơ Yă Dôk. Lũ làng xin mời về hưởng vật phẩm mà dân làng hiến cúng...”.

Cả một ngày rong ruổi xe máy đến các làng, chúng tôi đã được gặp gỡ các cụ cao niên vẫn còn nhớ những thông tin hay về bok Nhạc cùng Yă Dôk. Điều ấy chứng tỏ niềm tin, sự kính trọng dành cho nghĩa quân Tây Sơn và tình đoàn kết Kinh-Thượng trong cuộc đấu tranh lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Và, một trong những điều làm nên sức mạnh giúp đoàn tượng binh, kỵ binh hùng dũng của quân Tây Sơn đánh đổ thù trong giặc ngoài, thu giang sơn về một mối năm 1789 chính là sự đóng góp của Cô Hầu đốc tướng-Yă Dôk ở làng H’Mầu năm xưa.

PHAN DUY TIÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202009/di-tim-ban-quan-ba-ya-dok-nguoi-vo-thu-2-cua-nguyen-nhac-5699887/