Đi tìm 'Anh bộ đội Cụ Hồ' trong tấm ảnh hơn 60 năm trước

Bức ảnh 'Anh bộ đội bế em bé' vốn được in trên bìa của tờ 'Họa báo Việt Nam' cách nay 62 năm đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều độc giả khi đó bởi sự gần gũi, giản dị của người lính Cụ Hồ.

Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kể lại hành trình đi tìm lại nhân vật trong bức ảnh "Anh bộ đội bế em bé" xuất hiện trên tờ "Họa báo Việt Nam" năm 1955.

Lúc đó quân đội ta vừa chiến thắng trận Điện Biên Phủ, trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau ký kết Hiệp định Geneve.

Trong bức ảnh, hình ảnh một anh bộ đội với bộ quần áo kaki bạc, chiếc mũ nan lợp vải với lưới ngụy trang, khẩu súng trường cổ lỗ… và mặc dầu đã được tô màu (lúc đó ảnh còn phải tô bằng tay) nhưng vẫn không làm nhạt đi cái dáng dấp chân chất của người nông dân mặc áo lính – cái cốt cách của anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Video: Ôn lại lịch sử bi tráng cùng chương trình đặc biệt 'Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm'

Súng khoác trên vai, cánh tay rắn chắc và nét mặt hồn hậu dành cho đứa trẻ đủ toát lên niềm tin cậy của nhân dân đối với một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ…

Bức ảnh có tên là “Anh bộ đội bế em bé” này đã được in trên bìa của tờ “Họa báo Việt Nam” cách nay 62 năm (1955 – 2017). Bức ảnh đã gây một ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều độc giả khi đó bởi sự gần gũi, giản dị của người lính Cụ Hồ.

Có nhiều người muốn tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của bức ảnh, ai là tác giả đã chụp, anh bộ đội trong tấm ảnh đó là ai, giờ ở đâu,…

 Bức ảnh nổi tiếng về anh bộ đội Cụ Hồ bế em bé đăng trên "Họa báo Việt Nam" năm 1955.

Bức ảnh nổi tiếng về anh bộ đội Cụ Hồ bế em bé đăng trên "Họa báo Việt Nam" năm 1955.

Năm 1994, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1994), để chuẩn bị cho sốTạp chí Xưa & Nay (khi đó mới ra đời chưa lâu), tôi quyết định sẽ đi tìm nguồn gốc và nhân vật bức ảnh này.

Lúc đầu, tôi cho đăng bức ảnh trên Tạp chí Xưa & Nay với các bài viết khác. Số báo phát hành được vài hôm thì tòa soạn nhận được lá thư của anh Trần Tiệu, một cộng tác viên thân thiết của báo.

Trong thư anh Tiệu cho biết một vài chi tiết về nhân vật trong ảnh với lời nhắn: người lính trong bức ảnh là bác Giang Đình Căn, năm nay đã 78 tuổi (năm 1994 – PV), đang sống ở Nam Định. Anh Tiệu cũng cho biết đời sống khó khăn nên bác Căn phải đi bơm xe kiếm sống…

Người chiến sĩ ấy sau 40 năm sau. (Ảnh: Anh Vũ Thế Long chụp năm 1994)

Tôi đang tìm cách cử người đi Nam Định, thì may sao có anh Vũ Thế Long, một nhà cổ sinh vật học của Viện Khảo cổ, khi nghe tôi kể chuyện đã vui vẻ nhận làm “phóng viên” của Xưa & Nay đi gặp bác Căn.

Hôm sau, anh Long trở về và báo cho biết là đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh Long đưa bài viết kèm theo một cuộn phim đã chụp.

Anh Long cho biết, bác Căn rất cảm động khi đón tiếp phóng viên tại nhà mình. Đó là một căn nhà đơn sơ, bừa bộn đồ nghề bơm vá xe đạp, nhưng trên tường vẫn ngay ngắn những kỷ vật của một thời mặc áo lính với những tấm huân chương gắn trên quân phục.

Những kỷ vật của đời lính.

Bác Căn sau giây phút xúc động còn cho biết, mặc dù đời sống vật chất còn khó khăn nhưng bác vẫn giữ được tinh thần lạc quan và thói quen rèn luyện thân thể của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi sáng, khi ngủ dậy bác Căn vẫn giữ thói quen tập thể dục và nghe đài.

Vài hôm sau, tòa soạn nhận được thư của bác Căn, trong đó kể lại căn cước của tấm hình: sau khi theo đơn vị về tiếp quản Thủ đô được ít hôm, bác Căn gặp anh Bùi Duy Ly là phóng viên nhiếp ảnh của báo Quân đội Nhân dân.

Bài liên quan

Chương trình nghệ thuật 'Sâu nặng ân tình' kỉ niệm ngày 27/7

Anh Bùi Duy Ly có hỏi bác về ý nghĩa, mục đích chiến đấu của quân đội ta. Bác Căn trả lời: “Tôi không dám nói đến những nhiệm vụ lớn lao khác của quân đội mà chỉ xin phép được nói đơn giản là: chiến đấu để bảo vệ tương lai cho các con em chúng ta, để lúc lớn lên, chúng được học hành chứ không đến nỗi dốt nát như chúng ta hiện nay nói chung và như bản thân tôi nói riêng”.

Nghe vậy, đồng chí Bùi Duy Ly đề nghị tôi bế một em bé đang có mặt ở đó, và chụp tấm hình. Lúc đó, bác Căn chỉ kịp nhớ là cậu bé ấy mới lên 4 tuổi, tên là Tuấn, con một cán bộ trong báo Quân đội Nhân dân.

Từ địa chỉ anh Long đưa cho, tôi đã viết thư động viên thăm hỏi bác Căn. Cuối năm ấy, giáp Tết nguyên đán, thay mặt cho tòa soạn Tạp chí Xưa & Nay, tôi đã gửi tặng báo và tặng món quà là “một nồi bánh chưng đón Xuân” cho anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong ảnh năm xưa.

Tìm được người trong ảnh, giới thiệu được cặn kẽ với bạn đọc về nguồn gốc ra đời của một tấm hình đẹp, có lẽ đó là trách nhiệm và cũng là niềm vui của người làm nghề báo và viết sử như tôi.

Nguồn VTC: http://vtc.vn/xa-hoi/di-tim-anh-bo-doi-cu-ho-trong-tam-anh-hon-60-nam-truoc.1-337850.htm