Di tích Thành cổ Biên Hòa trước nguy cơ đổ sập

QĐND - Thành cổ Biên Hòa-Di tích lịch sử Quốc gia nằm trên đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là công trình cổ có cấu trúc độc đáo, được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 2013. Hiện nay, Thành cổ Biên Hòa đang trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Di tích thành... phế tích

Thành cổ Biên Hòa do người Lạp Man (Chân Lạp) đắp bằng đất vào thế kỷ XIV-XV với tên gọi là Thành Cựu. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên là Thành Biên Hòa. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, Thành Biên Hòa là căn cứ phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Đến năm 1861, người Pháp xây dựng lại bằng vật liệu đá ong, gốm, sứ… cận đại kết hợp với xi măng, sắt thép, gốm cao cấp châu Âu… theo kiến trúc biệt thự Pháp độc đáo, pha trộn giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Thành thiết kế gồm có cổng thành, tường thành (dài hơn 420m, cao 2,5m), lô cốt, biệt thự phía tây bắc và công trình kiến trúc phía đông. Thời kỳ Mỹ chiếm đóng miền Nam , Thành Biên Hòa là nơi địch giam giữ, tra tấn chiến sĩ cách mạng của ta.

Khu biệt thự phía tây Thành Biên Hòa trong cảnh hoang phế, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Thành Biên Hòa không chỉ là nơi minh chứng lịch sử đấu tranh anh dũng của quân dân Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mà còn là nơi ghi dấu thời kỳ lưu trú con người thuộc văn hóa Óc Eo-hậu Óc Eo; khẳng định sự trường tồn của văn hóa dân tộc nói chung và Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Tìm đến đây, chúng tôi hỏi nhiều người dân phường Quang Vinh về di tích nhưng nhiều người không biết. Tận mắt chứng kiến cảnh hoang phế của di tích, chúng tôi hết sức chạnh lòng và không thể nhận ra, đây lại là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Không gian phía trước thành đã bị dùng làm nơi bán cà phê. Còn xung quanh biệt thự, phía Tây là bãi đốt rác. Mặt tường biệt thự rêu mốc, gạch mục lở nham nhở nhiều chỗ đổ vỡ, đứt gẫy. Mái tầng lầu sập từng mảng ngói lớn; bên trong mùi hôi nồng nặc; cánh cửa, cầu thang đổ gẫy ngổn ngang; tường ngăn các phòng nghiêng đổ từng mảng, nền bị bong tróc, mốc. Các khe biệt thự trở thành nơi chim, chuột làm tổ. Các góc nhà biến thành nơi chứa vật dụng sinh hoạt, chất phế thải. Tường thành xiêu vẹo, rêu mốc, nhiều chỗ dây leo, cỏ dại phủ kín.

Ông Nguyễn Tiến Trung (60 tuổi), nhà ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh bức xúc: “Thành bị xuống cấp trầm trọng, lại bị một số người thiếu ý thức biến khuôn viên thành nơi đổ rác, rất ô nhiễm. Chúng tôi cũng xót lắm nhưng chẳng biết làm sao! Những trận mưa lớn cuối tháng 6 vừa qua đã làm gẫy thêm một cột khói và sụp thêm mái ngói…”. Được biết, việc quản lý di tích thời gian qua còn lỏng lẻo nên đã để một số tư liệu, di vật bị mất, biến dạng. Đây sẽ là những khó khăn lớn trong công tác tôn tạo, trùng tu. Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban quản lý Di tích Danh thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi cũng tổ chức bảo vệ, vệ sinh nhưng do khu vực rộng, nhiều chỗ bị che khuất và khi tiếp nhận di tích đã xuống cấp nên khó quản lý, kiểm soát”.

Cần sửa chữa khẩn cấp

Thành Biên Hòa là di tích có giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khoa học, khảo cổ học. Xây dựng cùng thời Thành Biên Hòa ở Nam Bộ, các thành: Gia Định, Vĩnh Long, Cần Thơ... đều đã sập đổ, chỉ còn duy nhất Thành Biên Hòa. Để bảo tồn di tích lịch sử, ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sở cũng đã tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức, trình độ, trách nhiệm trong gìn giữ bảo vệ di tích. Cơ quan cũng đã báo cáo cấp trên đề án tôn tạo trùng tu, nhưng do kinh phí lớn (hơn 40 tỷ đồng), tỉnh còn nhiều công trình khác nữa, nên vẫn phải đợi”.

Việc để Di tích lịch sử Quốc gia ngay trung tâm TP Biên Hòa bị hoang phế, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào là rất khó chấp nhận. Trong lúc chờ đợi quyết định của các cấp có thẩm quyền, để di tích không bị hư hại, xuống cấp thêm trong mùa mưa bão, ngành chức năng cần khẩn trương tổ chức chống đỡ, làm tốt công tác vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường di tích trong khả năng, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, cần tổ chức sưu tầm, quản lý cổ vật, hiện vật, tư liệu, hình ảnh..., tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, để có phương án phục chế phù hợp, phục hồi di vật, cổ vật, trùng tu di tích.

Bài và ảnh: DUY HIỂN

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/di-tich-thanh-co-bien-hoa-truoc-nguy-co-do-sap/310361.html