Di tích cách mạng bị xuống cấp

Sau 10 năm kể từ ngày phục chế, trùng tu và hoạt động, ba khu di tích lịch sử cách mạng:

Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã xuống cấp trầm trọng.

Nhà trưng bày hiện vật Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (Tân Biên, Tây Ninh) là nơi trưng bày sa bàn toàn khu căn cứ cơ quan đầu não cách mạng miền Nam, chiến khu bắc Tây Ninh và các hiện vật. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngay tại tủ trưng bày, các hiện vật được để khá lộn xộn, bừa bãi. Thậm chí có tủ trưng bày bị vỡ, từng mảng kính nằm ngổn ngang; vôi vữa, bụi bặm bám đầy. Ngay cả các bảng giới thiệu về hiện vật cũng được đặt lung tung. Ngay bảng giới thiệu hiện vật là những chiếc cà men lại có nội dung: “Một số loại chông đã sử dụng trong thời kỳ chống Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ” còn vị trí của các loại chông là tấm bảng mang nội dung: “Quả tạc đạn và mìn tự chế”...

Xuống cấp toàn bộ

ông Nguyễn Văn Bôm, Giám đốc BQL, vẫn khẳng định: Công tác vệ sinh ở đây vẫn được thực hiện mỗi ngày nhưng vì sợ thất lạc hiện vật nên thỉnh thoảng BQL mới cho sắp xếp và lau chùi hiện vật. Ông Bôm cũng cho hay BQL đang tiến hành làm lại nhà trưng bày, sưu tầm thêm hiện vật và sắp xếp lại khoa học hơn.

Các ngôi nhà trong khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam phần lớn đều xuống cấp, hư hỏng, mục nát… Đến khu căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và khu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (cũng ở Tân Biên, Tây Ninh), tình cảnh càng thê thảm hơn khi toàn bộ gần 17 căn nhà tại đây đều hư hỏng hết phần mái lá, trơ lại các cột kèo... Những chiếc giường trong nhà ở của các vị lãnh đạo cũng mục nát; vạt giường gãy, thủng lỗ chỗ. Ông Huỳnh Minh Đức, tổ trưởng Tổ Quản lý Khu di tích, nói: “Hiện do không có kinh phí nên chúng tôi làm theo kiểu chắp vá, hư chỗ nào thì sửa chỗ đó nhưng với tình trạng nặng như hiện nay, chúng tôi làm không xuể”.

Hội trường lớn ở Khu di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ còn trơ xương. Ảnh: V.HOA

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Phước, nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam (nay đã giải thể và chuyển giao cho UBND tỉnh Tây Ninh quản lý), cho rằng không chỉ các ngôi nhà đều hư hỏng nặng mà tất cả vật dụng trong nhà cũng không còn. “Chủ trương phục chế lại các căn nhà này là để du khách khi vào tham quan sẽ hình dung được đời sống sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo trong kháng chiến; nghĩa là trên giường phải có chiếu, chăn, gối; bàn làm việc có giấy bút, radio… làm sao để khách vào thấy sống động như nhà vẫn có chủ. Tuy nhiên, các hiện vật này giờ đã mất hết” - ông Phước nói.

Thiếu kinh phí

“Năm nào tỉnh cũng được cấp kinh phí tu bổ từ ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia về di tích của Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên, năm 2010, do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chuyển nhầm nguồn kinh phí này cho Sở VH-TT&DL nên chúng tôi không có ngân sách để làm (BQL trực thuộc UBND tỉnh chứ không trực thuộc Sở VH-TT&DL). Tận tháng 7-2011 chúng tôi mới được giao kinh phí nên từ nay đến cuối năm, chúng tôi phải gấp rút sửa sang, chống xuống cấp cho ba khu di tích” - ông Nguyễn Văn Bôm phân trần.

Hiện vật được sắp xếp ngổn ngang với vôi vữa và mảnh kính vỡ; hiện vật một đường, chú thích một nẻo. Ảnh: V.HOA

Cũng theo ông Bôm, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm quá cao như hiện nay “không cách nào bảo quản nổi”. Ngoài các hạng mục được bê tông hóa giả gỗ để chống mối mọt, các phần còn lại vẫn dùng chất liệu gỗ, tre và mái lợp bằng lá trung quân. Hiện nay, lá trung quân càng ngày càng hiếm và với điều kiện khí hậu này, sức chịu đựng của loại lá này tối đa là ba năm. Thêm vào đó, do các ngôi nhà nằm giữa rừng sâu, cây cối um tùm nên thường bị các cành cây lớn rơi xuống làm thủng mái. “Trước đây, chúng tôi cũng cho phục chế hai căn nhà bằng phương án làm giả lá trung quân bằng nhựa. Sau khi làm xong, do có nhiều ý kiến không đồng tình nên chúng tôi cho dừng lại” - ông Bôm cho biết.

Về bức xúc của ông Trần Hữu Phước, ông Bôm cho hay cũng do độ ẩm quá cao, không thể bảo quản các hiện vật trong nhà nên đành để theo kiểu “vườn không nhà trống”. BQL đang có phương án trùng tu ba khu di tích; trong đó có thay mới toàn bộ lá trung quân và các hạng mục đã mục nát. Về việc bảo quản lâu dài, BQL đang có ý tưởng làm các ngôi nhà khác với chất liệu bền vững hơn (như mica), sau đó chồng lên các ngôi nhà hiện hữu. “Trước khi triển khai, chúng tôi còn phải tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn, làm thí điểm để thăm dò dư luận” - ông Bôm nói.

Năm 2006, có 808 đoàn với 74.697 lượt khách tham quan các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2010, chỉ còn 649 đoàn với 37.641 lượt khách.

(Thống kê của UBND tỉnh Tây Ninh)

Thấy cách ứng xử thiếu sự trân trọng với các hiện vật lịch sử như thế này, liệu các vị cách mạng lão thành, những người từng sống và chiến đấu nơi đây sẽ nghĩ gì? Đó là chưa nói tới du khách quốc tế rồi các em học sinh, sinh viên được đưa tới đây để giáo dục truyền thống đấu tranh yêu nước…

Ông NGUYỄN THÀNH VINH,du khách từ Tiền Giang

VIỆT HOA

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011110212220140p0c1021/di-tich-cach-mang-bi-xuong-cap.htm