Đi sim ở... quán karaôkê

Đồng bào dân tộc Vân Kiều có dân số khoảng 60 ngàn người, hiện sinh sống rải rác ở miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hướng Hóa và Đăk Rông, phía Tây Quảng Trị. Trong đời sống xã hội, đồng bào có tục “đi sim” của trai gái đến tuổi thành niên. Nhưng đến ngày nay, tục lệ này đã bị biến tướng, gây bức xúc trong cộng đồng và đời sống xã hội.

Phụ nữ Vân Kiều ở Quảng Trị.

Là một xã có đến 70% dân số là người Vân Kiều, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị hiện nay không còn một ngôi nhà xu nào. Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Tà Cô nói: “Nghe đâu bên xã Thanh còn độ vài ba cái, chứ ở xã tôi không còn nhà xu nào nữa. Trai gái bây giờ không còn đi nhà xu mà lấy quán cà phê, quán nhậu để làm nhà xu rồi”.

“Nhà xu” trong câu nói của ông Chủ tịch UBND xã Thuận chính là một dạng nhà cộng đồng theo truyền thống của người Vân Kiều. Ngôi nhà này được dùng chung trong làng, chuyên để dành cho trai gái đến tuổi cập kê đến đây tụ hội, tìm hiểu nhau. Buổi tối, con trai, con gái trong làng đi đến nhà xu gọi là đi sim. Khi đi sim, theo lệ làng, nam không được ép nữ, gái Vân Kiều đến tuổi lấy chồng được quyền chọn lựa người yêu. Qua quá trình tìm hiểu tình cảm đến lúc chín muồi thì mời ông bà mối tới để hỏi cưới. Trong quá trình tìm hiểu, đôi trai gái có sự chứng kiến của các bạn bè nam nữ thanh niên trong làng, tuyệt đối không ngủ chung ở nhà xu, không có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Khi nào đám cưới, có sự chứng kiến đồng ý của hai bên gia đình thì đôi trai gái mới được sinh sống như vợ chồng. Nếu vi phạm điều luật này ai cũng sẽ bị xử theo luật làng, thậm chí bị xử như một tội rất nặng, trục xuất ra khỏi làng.

Tháng 3 hàng năm là mùa đi sim, trong quan niệm của người Vân Kiều. Đang là mùa xuân, tiết kinh trập, khởi đầu của mùa đơm hoa kết trái, trai gái tự do tìm hiểu nhau. Vài năm gần đây, mặc dù những ngôi nhà xu dần mất đi, vì nhiều lý do, nhưng trai gái người Vân Kiều thì không bỏ lệ đi sim. Với nhịp sống hiện đại đang dần len lỏi vào tận các bản làng, thanh niên không lui tới nhà xu nữa, nhưng buổi tối họ vẫn thường hẹn hò tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Nhưng bên cạnh đó, cùng với việc mất đi những nét đẹp của tục đi sim là sự xuất hiện những vấn nạn mới trong lối sống của thanh niên. Đó là hiện tượng tập trung đông người, gây mất trật tự, phóng xe máy tốc độ cao suốt đêm, chặn xe, sàm sỡ với phụ nữ ở những con đường vắng. Các cô gái Vân Kiều phần nào không còn được tôn trọng trong việc tự do lựa chọn hôn nhân, bạn đời mà có nhiều trường hợp bị gả ép, tảo hôn. Cá biệt, có trường hợp sau những đêm đi sim không còn nằm trong khuôn khổ tục lệ của ông bà, những cô gái phải ngậm ngùi nuôi con một mình, khi chàng trai không ý thức được trách nhiệm, cũng như không còn lệ làng nào phát huy được vai trò xử phạt trong thời đại ngày nay. Càng ngày, các bản làng người Vân Kiều ở đây càng có nhiều trẻ em sinh ra không có bố, không hình thành gia đình hạt nhân ổn định mà chỉ là những cá nhân sống lay lắt không được cộng đồng chính thức thừa nhận.

Tục đi sim của người Vân Kiều đang có xu hướng biến tướng, thanh niên nam nữ buông thả quá trớn, không còn giữ được nét đẹp truyền thống mà còn làm băng hoại giá trị đạo đức, vốn văn hóa, đầy tính nhân bản của dân tộc mình. Một thanh niên người Vân Kiều được coi là cấp tiến trong bản người Vân Kiều tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa nói với tôi: Đi sim trước đây là nét đẹp, thể hiện tư tưởng tự do phóng khoáng của người Vân Kiều. Ở nhà xu, trai gái phải lòng nhau vì câu hát, những dự định cho tương lai, trai giỏi việc nương rẫy, gái giỏi việc nhà thì thường có bạn tình cũng giỏi. Ra nhà xu tìm hiểu nhau là tạo ra môi trường tự nhiên, giúp trai gái tự tin trao đổi tình cảm, tránh người khác nhìn vào và tránh bố mẹ hai bên để mắt quản lý, được gia đình hai bên khuyến khích. Bây giờ, nam nữ trốn nhà đi sim, thường để lại “hậu quả” khó giải quyết. Ngoài ra, còn có những chuyện đi sim, tụ bạ, uống rượu gây mất trật tự công cộng...

Tục đi sim không chỉ mất đi cái vỏ (mất nhà xu), mà còn mất phần lớn cái cốt lõi của một tập tục truyền thống văn hóa. Những câu hát giao duyên mai một, nét đẹp của luật tục cũng mất đi. Thế hệ trẻ hiện nay chỉ “dựa hơi” tục đi sim mà làm bậy, hoặc không hiểu gì về tục lệ tốt đẹp này, chỉ lợi dụng để tự phát những hành vi vi phạm pháp luật. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận việc trai gái đi sim đã bị biến tướng và gây ra những phức tạp trong đời sống xã hội. Với một số biện pháp tích cực, từ các đoàn thể có trách nhiệm như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, tục đi sim của người Vân Kiều có thể giữ được nét đẹp cũng như có thể được phục hồi lại nét nguyên xưa.

Thụy Văn

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/354/354/14312/Di-sim-o-quan-karaoke/bbp.aspx