'Đi ngược thời gian' ở Yogyakarta

Yogyakarta, hay 'Jogjakarta' hoặc 'Jogja' như người Indonesia vẫn thường gọi một cách trìu mến, là thành phố có bề dày lịch sử trên đảo Java. Lịch sử Yogyakarta và lịch sử Indonesia gắn kết với nhau bền chặt. Đến Yogyakarta, du khách sẽ có cơ hội 'đi ngược thời gian' để chứng kiến quá khứ của xứ sở Vạn đảo...

Khu đền Borobudur.

Thành phố cổ kính

Yogyakarta là thủ đô của Vùng đặc biệt Yogyakarta nằm trên đảo Java. Khu vực này thực chất là một tiểu vương quốc Hồi giáo do Sultan kiêm Thống đốc Hamengkubuwono X cai trị. Lý do một vương quốc Hồi giáo tồn tại giữa lòng đất nước Indonesia dân chủ có liên quan đến Cách mạng dân tộc Indonesia khi Sultan Hamengkubuwono IX liên minh với lực lượng cách mạng. Giai đoạn 1946 - 1949, thành phố Yogyakarta là thủ đô của nhà nước Indonesia non trẻ. Sau khi Indonesia giành được độc lập từ tay Hà Lan vào năm 1949, chính phủ Jakarta biến vương quốc của Sultan Hamengkubuwono IX thành Vùng đặc biệt Yogyakarta và bổ nhiệm ông làm Thống đốc.

Du khách tới Yogyakarta thường ghé qua Borobudur đầu tiên. Đây là khu đền Phật giáo lớn nhất trên thế giới. Không chỉ Phật tử mới thấy đền Borobudur thú vị. Ai đến thăm khu di tích Borobudur cũng sẽ phải trầm trồ bởi quy mô và sự tinh xảo của công trình được xây từ thế kỷ IX. Nhìn từ xa, khu đền giống như một ngọn núi nhỏ với hàng trăm bức tượng Phật và phù đồ thay cho cây rừng. Những tác phẩm điêu khắc này mô tả cuộc đời của các vị Phật, Bồ Tát và La Hán, còn toàn bộ khu đền được xây theo bố cục miêu tả Tam giới: Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới.

Cách Yogyakarta không xa là Khu di tích đền Ấn giáo Prambanan - cũng là Di sản văn hóa thế giới như Borobudur. Đền Prambanan là một tổ hợp những ngọn tháp đá được xây dựng tinh xảo, mỗi ngọn tháp thờ một vị thần Ấn giáo. Ba ngọn tháp cao nhất ở trung tâm thờ ba vị thần Hindu tối cao là Brahma, Vishnu và Shiva. Ngôi đền từng bị phá hủy vì một trận động đất vào thế kỷ XVI, nhưng người ta đã dành hơn một trăm năm để dựng lại từng tòa tháp một.

Ngôi đền nổi tiếng thứ ba trong phạm vi Yogyakarta là Gereja Ayam, nghĩa là “nhà thờ con gà”. Nhà thờ là ý tưởng của Daniel Alamsjah, một tín đồ Công giáo sùng đạo. Ông muốn xây nhà thờ theo hình con bồ câu hòa bình, nhưng dân địa phương lại gọi đùa là “nhà thờ con gà”. Tiếc là vì chủ thầu thiếu kinh phí nên công trình bị ngừng thi công vào năm 2000. Nhà thờ đổ nát trong vài năm gần đây, trở thành điểm thu hút những du khách hiếu kỳ.

Nội đô Yogyakarta không thiếu những công trình lịch sử. Nơi đầu tiên phải nhắc đến là cung điện Yogyakarta, nơi Sultan cùng gia đình sinh sống. Công trình gồm có cung điện chính, một số ngôi nhà của các thành viên hoàng tộc, hai quảng trường, và tòa nhà dành cho người hầu. Quảng trường ở phía bắc cung điện là nơi tổ chức hội chợ hằng năm. Những buổi biểu diễn nghệ thuật mở cửa miễn phí cũng thường xuyên được tổ chức tại cung điện.

Gần cung điện Yogyakarta là cung điện nước Taman Sari. Vị Sultan đầu tiên mang danh hiệu Hamengkubuwono cho xây Taman Sari vào năm 1765. Ở khu vực trung tâm là một bể bơi cho hậu cung của Sultan, còn nhà vua thì ngồi ngắm nhìn toàn thành phố từ một tòa tháp cao. Chưa hết, ẩn giấu trong cung điện là một cầu tàu nhỏ nối với một con sông ngày nay đã bị tát cạn. Cung điện còn có đường hầm dẫn ra một con ngõ nhỏ. Cầu tàu và đường hầm được cho là “cửa sau” để Sultan đi lại an toàn và không bị ai dòm ngó.

Pháo đài Vredeburg được thực dân Hà Lan xây tại Yogyakarta vào năm 1760. Công trình quân sự này mang nhiều nét đẹp của kiến trúc Hà Lan đương thời. Năm 1980, quân đội Indonesia đồng ý chuyển giao pháo đài cho Chính phủ để làm bảo tàng. Viện bảo tàng Vredeburg trưng bày nhiều hiện vật về Cách mạng Indonesia và cuộc đời của các nhà cách mạng.

Nếu du khách muốn học hỏi về lịch sử - văn hóa Java thì hãy ghé qua bảo tàng Sonobudoyo. Ngoài tượng, mặt nạ, vũ khí, nhạc cụ, vải batik, con rối wayang..., bảo tàng có đủ mọi hiện vật về cuộc sống của người dân đảo Java. Tối thứ ba hằng tuần, tại đây tổ chức múa rối bóng wayang và hòa nhạc truyền thống gamelan.

Nhà thờ Gereja Ayam.

Trải nghiệm thú vị

Có rất nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị tại Yogyakarta dành cho du khách. Nhiều vị khách lựa chọn theo học một khóa nấu ăn, bắn cung hay nhảy theo phong cách truyền thống của Java. Số khác lại lựa chọn leo lên đỉnh núi lửa Merapi vẫn còn hoạt động. Trong một lần phun trào vào năm 2010, hình dáng của núi đã thay đổi hoàn toàn. Du khách muốn leo lên đỉnh Merapi nên chú ý đến cảnh báo phun trào của chính quyền địa phương. Đổi lại, cảnh tượng nhìn từ đỉnh núi Merapi sẽ là “món quà" vô cùng quý giá.

Nói về dạo chơi trên đường phố Yogyakarta, không gì bằng ngồi trên những cỗ xe ngựa kéo. Xe ngựa hai bánh gọi là “dokar”, còn bốn bánh là “andhong”. Đi xe ngựa có cái lợi là dừng ở đâu cũng được. Hành khách có thể dừng để mua sắm hay chơi một ván cờ vua - thứ giải trí ưa thích của dân lao động Yogyakarta.

Phố Jalan Malioboro là nơi tập trung nhiều cửa hàng thời trang nhất ở Yogyakarta. Đến Jalan Maliboro, khách du lịch dễ dàng tìm cho mình một tấm vải batik dệt thủ công, sau đó tìm thợ may để biến chúng thành những bộ quần áo. Con phố còn có một số cửa hàng thủ công chuyên về tượng gỗ, tranh thêu và hàng kim hoàn. Còn nếu bạn muốn mua nông sản và đồ gia dụng, hãy ghé qua Beringharjo - khu chợ xanh trên phố Jalan Malioboro có lịch sử hoạt động từ năm 1758.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/di-nguoc-thoi-gian-o-yogyakarta-639183.html