Đi lễ nhiều mà thần thánh không thương

Depplus.vn - “Đi lễ đầu năm” là một tập quán mang theo nhiều ý niệm đẹp. Nhưng nó hàm chứa một mâu thuẫn quá lớn trong thời đại này: đầu năm bây giờ có phải là lúc nông nhàn như các cụ ngày xưa nữa đâu?

“Thưa các ngài,

Trong suốt hai năm qua tôi không thể tìm được ngày nào không phải ngày hội để nói chuyện với ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta. Ngày 12/4, khi chấm dứt tháng ăn chay thì lại bắt đầu tuần lễ ăn thịt. Đợi vài ngày cho ngài Xưtcư hồi sức sau hai tháng ăn chay, tôi đến thăm ông ta, nhưng người ta cho biết hôm ấy là ngày 23/4, tức là ngày Hội trẻ con...

Thưa các vị, mặc dù đã tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng tôi không sao tiếp xúc được với một nhân vật nào ở xứ sở này, vì những ngày hội hè ở đây quá nhiều. Vì thế tôi không tìm hiểu được nguyên nhân vì sao nước này chậm phát triển”.

Trên đây là trích đoạn phần trả lời của một vị giáo sư người Mỹ được đài thọ để nghiên cứu về việc “Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chậm phát triển” cho quỹ của ông ta, mà thiên tài châm biếm xứ này Axit Nezin đã viết vào năm 1959.

Vài ngày trước, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã phải ra chỉ đạo nghiêm cấm và xử lý các trường hợp, cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức đi lễ hội trong giờ làm việc. Năm nay, đã là năm 2014, các công sở đã tồn tại trên đất nước ta hơn một thế kỷ và một chỉ đạo như thế vẫn phải được ban hành. Hãy hy vọng rằng nếu có một vị giáo sư ngoại quốc nào đó muốn tìm hiểu về tình hình phát triển của Việt Nam thì ông sẽ không phải ra về tay trắng.

Có một mâu thuẫn kinh điển ở nước ta: đầu năm âm lịch, có rất nhiều ngày hội lớn của dân tộc, mhưng không phải ngày hội nào cũng là ngày nghỉ. Hãy xem năm nay chúng ta có gì: Hội Yên Tử tại Quảng Ninh ngày 10/1 (âm lịch), tức là thứ Ba; hội Lim tại Bắc Ninh ngày 13/1 tức là thứ Sáu; hội đền Trần ngày 12/1 tức là thứ Năm; hội đền Hùng ngày 10/3 là thứ Tư...

Tất nhiên việc đối chiếu này chỉ mang tính lịch sự chứ đa phần đều hiểu rằng ngay cả khi chính hội rơi vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật như là năm nay có Lễ hội Bà chúa Kho (14/1) hay Hội chùa Thầy (5/3) rơi vào cuối tuần, thì chưa chắc dân công sở đã chọn ngày này để mà đi.

Các lễ hội lớn rơi vào đầu năm âm lịch bởi một lẽ rất đơn giản là đó là thời gian nông nhàn – một di sản của nền văn hóa lúa nước. Cái tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” xuất hiện trong thời đại nông nghiệp một cách đầy hợp lý. Và nếu tiếp tục bám vào nó, thì đơn giản là chúng ta không thể thoát khỏi văn hóa lúa nước trong khi mục tiêu đặt ra là còn 6 năm nữa nước ta sẽ trở thành nước... công nghiệp.

Lễ hội không có tội, vì người chủ động thời gian làm việc có rất nhiều, dân buôn bán, hành nghề tự do, có phải ai cũng đi làm công sở đâu. Nhưng dân công sở muốn đi hội thì làm thế nào?

Độ vênh trong tính hợp lý này được họ bù đắp bằng thủ pháp tinh thần: thay vì tiếp cận ngày hội là ngày hội, tức là mang tính “ăn chơi” như các cụ, người ta nâng tầm nó lên thành những cơ may tâm linh thần thánh. Tôi không đi chơi, đi chơi sao phải bỏ công sở, đi chơi thì lúc nào trong năm đi chẳng được, tôi đi thành tâm khấn bái để xin các ngài cho gia đình, thậm chí là đất nước(?), được một năm thành đạt êm ấm. Chuyện này nhiều khi liên quan đến tính mệnh đừng lấy một ngày làm việc ra mà dọa tôi.

Những chuyện “buôn thần bán thánh” và các biến tướng khó lý giải của tôn giáo, thứ mà liệt kê cả ngày không hết, từ tâm lý này mà đi ra một phần. Hội không còn là hội nữa, nếu mà chỉ vì hội thôi phải đóng cửa cơ quan thì xấu hổ chết. Hội là cơ duyên để xin xỏ các ngài, mỗi năm chỉ có một lần.

Chung quy lại, lấy lý do gì thì người ta cũng đi lễ đi hội. Và phải đi vào hội dù có chen chúc dẫm đạp, chứ không phải là đi đến cái địa điểm ấy vào một thời điểm bất kỳ (điều mà đáng ra có thể làm nếu thực sự thành tâm hướng về các đấng bề trên).

Chung quy lại, người ta cương quyết bảo tồn tập quán lao động của thời kỳ kinh tế nông nghiệp.

Và như thế, cũng không nhất thiết phải đi tìm lý do tại sao nước ta kém phát triển vì có thể bi kịch Thổ Nhĩ Kỳ lại tái diễn, người ta bận đi hội hết rồi, không ai trả lời câu hỏi ấy cả.

Đức Hoàng (Depplus.vn)

Nguồn ĐẹpPlus: http://depplus.vn/tin-tuc/12-02-2014/di-le-nhieu-ma-than-thanh-khong-thuong/78/10929/