Đi làm cả năm nhưng không dư đồng nào

Một số người trẻ đành vay mượn để trang trải chi phí dịp Tết. Mất việc làm, cắt giảm lương thưởng, hay 'vung tay quá trán' là vài lý do đẩy họ vào tình cảnh này.

Vay mượn là giải pháp của một số nhân viên văn phòng khi không đủ tiền tiêu Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“2023 là năm khó khăn nhất của tôi kể từ khi tốt nghiệp đại học”, Ngân Hà (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), nhân viên kinh doanh, chia sẻ.

Biến cố lớn đến với Ngân Hà khi bố cô đổ bệnh, nằm viện suốt nửa năm nay. Hà phải chi trả khoản viện phí lên đến 10 triệu đồng/tháng, đồng thời đối mặt với thông tin doanh nghiệp cắt giảm lương, thưởng do hoạt động kinh doanh không thuận lợi.

Mức thu nhập hàng tháng của cô giảm 15%, từ 18 triệu đồng xuống 15 triệu đồng. Tuy lương giảm, nhân viên văn phòng này không nghỉ việc để tìm vị trí có phúc lợi tốt hơn, bởi cô vẫn cần một khoản đều đặn mỗi tháng để đóng viện phí, mua thuốc thang cho bố.

Nhằm gia tăng nguồn thu, sáng Ngân Hà hoàn tất các nhiệm vụ tại công ty, tối nhận thêm “job ngoài”, tranh thủ làm trong lúc trông nom bố ở bệnh viện. “Cày cuốc” cả năm, song tài khoản của cô chỉ dư vỏn vẹn 3 triệu đồng trước Tết Nguyên đán.

“Tôi xác định năm nay không sắm Tết, không quà cáp ai”, Hà thở dài nói.

Nhiều người trẻ không để dành được một khoản chi tiêu Tết dù chăm chỉ làm việc cả năm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Miệt mài "cày cuốc" suốt cả năm qua nhưng nhiều người trẻ chưa tiết kiệm được đồng nào.

Trong khi một số người thừa nhận đã chi tiêu quá tay, chưa biết thu vén tài chính cá nhân, một số khác cho biết bị công ty sa thải, cắt giảm lương, thưởng Tết.

Số dư 0 đồng

Ngày Tết gần kề, Phương Uyên (25 tuổi, TP.HCM), nhân viên truyền thông, thở dài khi nhìn vào tài khoản ngân hàng chỉ còn dư 5 triệu đồng.

Trong bối cảnh công ty kinh doanh ế ẩm, cắt giảm nhân sự và quy mô hoạt động, sếp cô thông báo năm nay không có thưởng. Hơn nữa, cô cũng mới chuyển sang công ty này được 4 tháng.

“Dù không được nhận thưởng Tết, tôi thấy mình vậy là may mắn rồi. Nhiều bạn bè của tôi còn đang ở trong tình trạng thất nghiệp”, Uyên nói.

Đi làm 3 năm nhưng cô gái không có tiền tích lũy. Mức thu nhập 11 triệu đồng hàng tháng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt ở thành phố, như ăn uống, đi lại, tiền nhà và hóa đơn điện nước.

Thông thường, tiền tiêu Tết của Phương Uyên phụ thuộc vào các khoản thưởng cuối năm. Và năm nay là năm đầu tiên cô không nhận được khoản phúc lợi tài chính này.

“Càng gần Tết, tôi càng sốt ruột, bởi chưa bao giờ rơi vào cảnh sắp cạn kiệt tài chính như vậy. Mọi năm, cứ đến thời điểm này, tôi đã sắm sửa đồ mới rồi. Năm nay, mọi thứ khó khăn hơn tôi nghĩ”, cô than thở.

Còn Duy Vũ (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) vừa phải vay 20 triệu đồng để sửa nhà trước Tết.

Trong năm đầu tiên đi làm sau khi tốt nghiệp, nhân viên IT dành phần lớn mức lương 14 triệu đồng/tháng phục vụ sở thích cá nhân.

Vũ Duy phải vay mượn để sửa sang phòng khách trước Tết Nguyên đán.

Cụ thể, anh chi hơn 40 triệu đồng cho dàn máy tính tại nhà, chưa kể các khoản mua thêm linh kiện nâng cấp chiếc xe phân khối lớn. Cuối năm, Duy nhận thấy tài khoản không đạt 8 con số.

Ban đầu, việc sửa nhà không nằm trong kế hoạch chi tiêu Tết của nhân viên văn phòng này. Song, phòng khách trong căn hộ chung cư của gia đình anh xuống cấp trầm trọng sau đợt thời tiết nồm ẩm.

Không thể trưng những mảng tường bong tróc tiếp đón khách trong dịp năm mới, Duy Vũ quyết định vay mượn người quen để sửa chữa, rồi trả sau Tết.

Dành toàn bộ ngân sách sửa sang không gian sống, anh không mua sắm trang phục mới hay nhuộm tóc trước Tết Nguyên đán.

“Tôi khá hối hận vì những khoản chi lớn cho sở thích cá nhân trong năm qua, không lường trước việc để dành cho tình huống khẩn cấp”, nhân viên IT nói.

Vay mượn cũng là phương pháp ứng phó của Phương Uyên khi nhận “0 đồng thưởng Tết”. Sau khi kiểm tra giá vé máy bay từ TP.HCM về quê nhà Đà Nẵng, Uyên chán nản khi nhìn thấy con số 5 triệu đồng cho chuyến bay khứ hồi.

Tự nhận thấy không thể kham nổi chi phí di chuyển, nữ nhân viên văn phòng đành nhắn tin vay tạm từ bạn bè. Hơn nữa, vì đi làm xa nhà cả năm, cô tự nhận thấy không thể về quê tay không, ít nhất cũng phải tặng bố mẹ hộp bánh, chai rượu.

Dù không muốn mắc nợ trong thời điểm cuối năm, ngại chia sẻ khó khăn tài chính, Uyên không còn cách nào khác.

“Khi người ta tất toán nợ nần dịp cuối năm, tôi lại phải ôm thêm một khoản vay”, Phương Uyên chia sẻ với Tri thức - ZNews.

“Thắt lưng buộc bụng” là chính sách chi tiêu của nhiều người trẻ dịp Tết Âm lịch. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Làm thế nào để tiết kiệm?

Từng chia sẻ với Tri thức - ZNews, anh Nguyễn Phụng Sang, Hội viên CMA Australia - Chương trình quốc tế trong lĩnh vực Quản trị tài chính và Quản chiến lược dành cho các nhà quản lý cấp cao tại Australia, cho biết từ lâu, sự chi tiêu không kiểm soát thực chất đã là vấn đề lớn của người trẻ. Nhiều người vốn chưa được tiếp cận với các phương pháp cũng như tư duy quản lý tài chính cá nhân thực tiễn và hiệu quả.

Theo anh, kế hoạch chi tiêu hiệu quả sẽ bắt đầu từ việc đơn giản như lập ngân sách. Ngay khi nhận khoản thu nhập tháng, hãy tạo ngân sách cho các khoản chi tiêu của mình, phân bổ tiền vào 3 nguồn với thứ tự xử lý như sau:

Đầu tư, tiết kiệm. Đây là số tiền dùng để đầu tư, dự phòng khẩn cấp. Khoản này có thể chiếm khoảng 10-30% thu nhập định kỳ hàng tháng, cần được cắt ra đầu tiên ngay khi bạn có được thu nhập.
Chi tiêu cho giải trí. Đây là số tiền dùng cho việc ăn uống hàng quán, gặp gỡ bạn bè, mua sắm theo sở thích, du lịch... Mức tiền cho hạng mục này nên bắt đầu từ 15% thu nhập và không vượt quá 25%.
Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu: Số tiền còn dư lại từ thu nhập sẽ sử dụng để chi trả hết các khoản sinh hoạt phí cố định. Không cần ghi chép quá chi li về việc hôm nay ăn gì, bao tiền, nhưng hãy ước lượng được tổng số hàng tháng và nắm bắt ngay vấn đề khi số tiền có biến động đáng kể. Nếu chi tiêu thiết yếu vẫn không hết tiền lương, bạn có thể đưa số tiền dư về 2 nguồn tiền nêu trên (đầu tư/tiết kiệm hoặc giải trí).

Linh Vũ - An Thy

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-lam-ca-nam-nhung-khong-du-dong-nao-post1457822.html