Đi lại dịp Tết Tân Mão: Tai nạn giảm, bớt ùn tắc

TP. Hồ Chí Minh: Bến xe, nhà ga quá tải sau TếtHà Nội: Bến xe không đông như dự kiếnMiền Trung: Tai nạn vẫn ở mức báo động

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Tân Mão nên đã kiềm chế được gia tăng TNGT và không để xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài nhiều giờ. Theo báo cáo của Vụ ATGT, Bộ GTVT, trong 6 ngày Tết (từ ngày 30 tháng chạp Canh Dần đến ngày 05 Tết Tân Mão) đã xảy ra 381 vụ TNGT làm chết 297 người, làm bị thương 386 người. So với cùng kỳ Tết Canh Dần 2010 giảm 25 vụ, tăng 01 người chết, giảm 40 người bị thương. Riêng ngày mùng 6 Tết Tân Mão, đã có 36 vụ TNGT làm chết 21 người, bị thương 37 người. Đặc biệt, có một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra trong giai đoạn này: Ngày 2/2/2011 (ngày 30 Tết) tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã xảy ra vụ TNGT đường thủy làm chết 03 người do sử dụng phương tiện gia dụng chở người ra cửa biển chơi bị lật thuyền; Hồi 19h34’, ngày 6/2/2011 (mồng 4 Tết), tại cầu chung đường bộ, đường sắt (cầu Ghềnh) trên đường Hà Huy Giáp, thuộc phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tàu SE2 đã đâm vào 01 xe tải, 02 xe taxi đang chạy ngược chiều trên cầu và va phải 03 xe ôtô khác đang bị ùn tắc ở đầu cầu phía Nam làm chết 02 người, bị thương 15 người và 11 người khác bị trầy xước. 6 xe ôtô và đầu máy tàu bị hỏng, giao thông đường sắt bị ách tắc từ 19h34’ đến 22h50’ cùng ngày và làm chậm nhiều đoàn tàu. Tình hình trật tự ATGT tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đều giảm cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Riêng ở TP.HCM xảy ra 08 vụ tai nạn, làm chết 06 người, làm bị thương 2 người, so với cùng kỳ Tết Canh Dần tăng 04 vụ, tăng 03 người chết. Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra và xử lý TNGT - Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt cho biết, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Tân Mão, TNGT về cơ bản đã được kiềm chế, TNGT đường bộ, đường sắt giảm số vụ và số người bị thương. Đặc biệt, các địa phương không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và đua xe trái phép. Tuy nhiên số người chết vì TNGT đường bộ, đường sắt tăng 2 người so với 6 ngày Tết năm 2010, tình trạng người tham gia giao thông không đội MBH, chở quá số người quy định diễn ra ở nhiều địa phương. Với tâm lý cho rằng đầu xuân CSGT không kiểm tra xử lý nghiêm nên tại nhiều địa phương, rất nhiều người tham gia giao thông không đội MBH. Điều này dẫn tới nguy cơ tử vong cao cho người điều khiển phương tiện giao thông nếu gặp tai nạn. Theo phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn vẫn là do sử dụng rượu, bia quá nhiều trước khi lái xe. Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, từ ngày 31/1 - 4/2, cả nước có gần 5.000 trường hợp tai nạn phải vào cấp cứu tại các cơ sở y tế. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân khám cấp cứu có hơn 1.340 trường hợp do TNGT, số trường hợp bị tai nạn không đội MBH là 128 ca, giảm nhiều so với các năm trước. Đỗ Thi - K.Hà Hà Nội: Bến xe không đông như dự kiến Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết, lượng khách qua bến năm nay không đông như dự kiến, các bến xe trên địa bàn Hà Nội đều thừa năng lực phục vụ nên không hề có chuyện ách tắc hay ùn ứ khách tại các bến xe trung tâm. Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), từ ngày 24/1 đến 7/2/2011, các bến xe Trung tâm của Hà Nội (Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) đã huy động hơn 29.000 lượt xe vận chuyển gần 630.000 lượt hành khách. Trong các ngày trước Tết lượng khách tăng khoảng 50 % so với ngày thường nhưng do các đơn vị vận tải trên tuyến đều gia tăng tần suất quay vòng theo kế hoạch, đồng thời Công ty QLBX cũng huy động hơn 100 lượt xe tăng cường vào những ngày trước Tết nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của hành khách. Ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, tại bến Giáp Bát ngày mùng 1 Tết chỉ có lác đác một vài xe chạy tuyến ngắn đi Thái Bình. Mùng 2 Tết, có thêm vài xe chạy tuyến Thanh Hóa, Vinh... Đến mùng 3 Tết bắt đầu có hành khách đi các tuyến Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh. Nhưng đến ngày mùng 4 Tết lượng khách bắt đầu đông dần lên. Mặc dù vậy, cũng theo ông Trung thì ngày mùng 5 Tết (tức 7/2/2011) vốn được dự kiến là ngày cao điểm do CBCNV quay trở lại Hà Nội để bắt đầu đi làm trở lại song lượng khách tăng không đáng kể. Đến chiều ngày 6 Âm lịch (tức ngày 8/2/2011), lượng khách qua các bến xe cũng chỉ còn như ngày thường. Theo ghi nhận của phóng viên Báo GTVT, chiều mồng 5 Âm lịch, tại bến xe Giáp Bát, hầu hết các xe chở khách từ các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... về Hà Nội đều khá đông khách song đều được giải tỏa khá nhanh, không có tình trạng ùn ứ khách tại bến. Cũng vào ngày này thì lượng khách xuất phát từ bến xe Hà Nội đi tuyến ngắn lại rất vắng, chủ yếu là khách đi đường dài đến các tỉnh phía Nam như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Trung, bên cạnh việc bố trí đủ xe tăng cường đi các tỉnh phía Nam, bến còn phối hợp với lực lượng CSTT, Thanh tra GTCC để giữ gìn trật tự ở bến, đồng thời kiến nghị với ngành GTCC, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng cường thêm nhiều xe buýt để giải tỏa nhanh lượng hành khách đổ về bến. Được biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã thực hiện tổng cộng 114.164 lượt xe buýt, vận chuyển được gần 8 triệu lượt khách. Những ngày sau Tết Nguyên đán, lưu lượng hành khách tăng mạnh và chủ yếu tập trung nhiều tại các bến xe liên tỉnh như Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình..., các tuyến trục Quốc lộ 1, 3, 5, 6 và 32. Cụ thể, đối với những ngày sau khi nghỉ Tết, từ ngày 8-12/02/2011, tức từ ngày 6-10 Âm lịch, CBCNV đi làm bình thường, học sinh, sinh viên quay trở lại học tập sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt trong các ngày 10 và 11 Âm lịch (thứ bảy và chủ nhật), luồng hành khách tập trung trên các tuyến xe buýt xuất phát thông qua các bến xe liên tỉnh, ga Hà Nội và các tuyến ngoại thành vào thành phố. Do đó, từ ngày 6-13/02/2011 (tức từ ngày 4 đến 11 Âm lịch) Tổng công ty sẽ bố trí dự phòng 68 xe/ngày để sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến. T.B Miền Trung: Tai nạn vẫn ở mức báo động Mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền đi đôi với xử phạt nghiêm khắc nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn các tỉnh miền Trung trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão vẫn ở mức đáng báo động. Số vụ TNGT và số người chết một số tỉnh tăng cao. Trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết đã xảy ra 100 vụ TNGT làm chết 6 người, bị thương 165 người. So cùng kỳ năm trước tăng 5 vụ, giảm 5 người chết, tăng 44 người bị thương. Trong đó, TNGT nghiêm trọng xảy ra 6 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT phần lớn là do người điều khiển mô tô, xe gắn máy không chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT như: chở quá số người quy định, chạy nhanh... Theo Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Tân Mão, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ TNGT đường bộ, làm 10 người chết, 7 người bị thương. Trong đó, xảy ra 8 vụ TNGT nghiêm trọng làm 8 người chết, 4 người bị thương; 1 vụ TNGT rất nghiêm trọng làm 2 người chết, 3 người bị thương. So với cùng thời gian Tết Canh Dần năm 2010, số vụ TNGT tăng 6 vụ, tăng 6 người chết, tăng 5 người bị thương. TNGT đường sắt đã xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết; 23 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm 42 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tuần tra kiểm soát, phát hiện và lập biên bản 325 trường hợp vi phạm TTATGT; trong đó có 196 trường hợp phạt hành chính với số tiền hơn 96 triệu đồng, tước GPLX 8 trường hợp, tạm giữ phương tiện chờ xử lý 79 mô tô. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Bình, Phó Phòng CSGT tỉnh Phú Yên thì trước và sau Tết Nguyên đán tình hình TTATGT trên địa bàn Phú Yên luôn diễn biến phức tạp trên tuyến QL1. Lực lượng CSGT đã tăng cường 50 cán bộ, chiến sỹ tuần tra kiểm soát trên tuyến QL1 qua Phú Yên với 7 tổ công tác rải đều từ TX Sông Cầu đến huyện Đông Hòa suốt ngày đêm. Các lỗi được tập trung xử lý gồm chở quá khách, chạy quá tốc độ, không đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy... Ngoài ra, Phòng CSGT còn đề nghị Công an tỉnh tăng cường thêm 10 cảnh sát cơ động phối hợp tuần tra, sẵn sàng trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ khi bị xử lý hành chính. Tại điểm nóng Đèo Cả, nơi thường xảy ra ách tắc giao thông, CSGT đã duy trì một tổ tuần tra ở khu vực này với lực lượng từ 5 đến 7 chiến sĩ. Một vụ TNGT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam Một vụ TNGT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam Tại Quảng Ngãi, tình hình TTATGT diễn biến theo chiều hướng tích cực, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Theo thống kê, từ ngày 21/12 đến ngày mùng 5 Tết Âm lịch đã xảy ra 08 vụ tai nạn giao thông (giảm 07 vụ), làm 06 người chết (giảm 07 người chết) và 08 người bị thương (giảm 04 người bị thương). Theo Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi thì trong dịp Tết Tân Mão từ 28 tháng Chạp đến ngày mồng 3 Tết đã có 200 ca cấp cứu, trong đó phần lớn các ca nhập viện đều bị tai nạn liên quan đến rượu bia. Số người tử vong do TNGT tại bệnh viện có 1 người, chấn thương sọ não khoảng 10 người. Số vụ tai nạn giảm trong những tháng đầu của năm Tân Mão là chuyển biến tích cực ở Quảng Ngãi, bởi năm 2010, TNGT xảy ra tại địa bàn tỉnh tăng 9 vụ, tăng 29 người chết so với năm trước đó. Ánh Dương TP. Hồ Chí Minh: Bến xe, nhà ga quá tải sau Tết Sau đợt cao điểm trước Tết, tại Bến xe Miền Đông, từ ngày mùng 4 Tết, lượng khách lại bắt đầu tăng cao, có 1.403 lượt xe chở 32.133 khách đổ về bến, tăng 20% so với ngày thường. Theo ông Lê Thanh Tâm – Phó Phòng Điều độ bến xe Miền Đông, đến ngày 7/2 (tức mùng 5 Tết), lượng khách đổ về bến tiếp tục tăng, tính đến 4 giờ chiều có khoảng 1.500 xe chở hơn 30.000 lượt khách đổ về bến. Từ chiều mùng 3 đến mùng 5 Tết, lượng khách từ bến xe đi các tỉnh trung bình có khoảng 23.000 lượt khách, tăng 3.000 lượt so với ngày thường, chủ yếu là các tuyến đường gần đi Bà Rịa – Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Phan Thiết, Nha Trang. Từ 8-10 giờ sáng ngày hôm qua (8/2) cũng vậy, cả hai trạm trung chuyển xe khách liên tỉnh lớn nhất Sài Gòn đều nhộn nhịp với hàng đoàn xe khách, buýt, taxi, thi nhau nối đuôi vào bến. Cứ cách 5-10 phút lại có một đợt 4-5 xe buýt trả và đón khách. Dòng người đổ về TP HCM đang tăng dần, trong khi các quầy bán vé cũng đắt hàng vì lượng khách về quê ăn Tết muộn cũng đông không kém. Khi xe đổ khách, đội quân chạy xe ôm chen nhau đón khách ở cửa ra. Đây cũng là thời điểm cánh xe ôm thi nhau hét giá. Theo Phòng Tổ chức hành chính, ga Sài Gòn, trong những ngày đầu năm, lượng khách trở về thành phố tăng cao. Ngay từ ngày 6/2 (mùng 4 Tết) đã có 19 chuyến tàu về ga Sài Gòn và lượng hành khách đi tàu cũng rất đông do nhiều người về quê ăn Tết nay vào Sài Gòn làm ăn trở lại. Tuy không còn chịu áp lực lớn như khi bán vé nhưng vấn đề đặt ra là phải giải quyết nhanh chóng lượng khách đến để tránh xảy ra hiện tượng ùn tắc, mất trật tự trong sân ga. Vì vậy, các đơn vị vận tải taxi đã bố trí hơn 100 xe trong khu vực nhà ga sẵn sàng vận chuyển hành khách. Đồng thời, lực lượng trật tự, bảo vệ luôn tập trung cao độ để hạn chế hiện tượng móc túi, tranh giành khách. Đỗ Loan Đường bộ: Giao thông cơ bản thông suốt, vi phạm giảm Đến ngày mồng 5 Tết chưa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào do xe khách gây ra. TNGT do môtô, xe gắn máy gây ra chiếm tỉ lệ cao. Theo Tổng cục ĐBVN, Tổng cục cảnh sát QLHC TTXH, qua tổ chức kiểm tra tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước từ ngày 20/12 âm lịch (tức 23/1/2011) đến hết ngày mồng 5 Tết (tức 7/2/2011) cho thấy công tác phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Tân Mão khá chu đáo. Giao thông trên các tuyến đường cơ bản thông suốt, không có tình trạng ùn tắc kéo dài, tuy nhiên mật độ phương tiện lớn nên tốc độ lưu thông ở nhiều điểm giao cắt vẫn chậm. Lượng khách đi lại trước Tết năm nay tăng khá cao, song 3 ngày sau Tết, nhiều bến xe lượng khách giảm so với cùng kỳ năm trước. Bến xe miền Đông trước Tết khách tăng từ 11 - 23,5%, ngày mồng 2 Tết tăng 12%, ngày mồng 3 Tết tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bến xe Cần Thơ các ngày mồng 1, 2 và 3 Tết lượng khách chỉ đạt 57 - 65% so với cùng kỳ. Các bến xe khu vực Hà Nội, trước Tết khách tăng 14 - 60%. Song các bến xe đã huy động thêm xe giải tỏa khách và do thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài nên người dân về quê đón Tết rải rác, không quá căng thẳng. Cùng đó, tại các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với các bến xe bán vé và đón khách tại các khu công nghiệp, các trường học, giúp tình hình đi lại cơ bản ổn định và trật tự. Riêng tỉnh Đồng Nai đã bán vé hợp đồng cho 95.000 lượt khách. Tình hình vi phạm của lái xe trên đường, đặc biệt là chở quá tải đã giảm nhiều so với năm trước. Theo báo cáo từ các địa phương, có một số phương tiện khi kiểm tra đã phải hạ tải, song số lượng không lớn. Riêng tỉnh Đồng Nai trước Tết có 20 xe vi phạm chở quá tải, tổng số khách phải giảm tải là 345 người. Dự báo từ ngày mồng 5 Tết đến trước Rằm tháng Giêng, lượng khách tại các địa phương quay lại các thành phố lớn và khách đi lễ hội đầu xuân sẽ tăng cao, tình hình chở quá tải trên tuyến Bắc - Nam sẽ diễn biến phức tạp hơn. Tổng cục ĐBVN sẽ phối hợp Cục Cảnh sát QLHC TTXH và các địa phương chỉ đạo tăng cường phương tiện và tuần tra kiểm soát bảo đảm đi lại an toàn, thuận lợi theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Công an và UB ATGT quốc gia. P.A Từ 27, 28 tháng Chạp năm Canh Dần đến mùng 7 Tết Tân Mão, các hãng hàng không trong nước đã tăng chuyến, tăng số ghế phục vụ cho hàng trăm nghìn lượt khách đi và đến các cảng hàng không. Đặc biệt, tại Hà Nội, TP.HCM, mỗi ngày đều có từ 1 đến 2 vạn lượt khách, hàng chục nghìn tấn hàng hóa thông qua các cảng Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Theo Cảng vụ hàng không Miền Nam, từ ngày 28 Tết đến mồng 5 Tết, có 439.445 hành khách đến và đi qua các cảng hàng không khu vực miền Nam. Cảng vụ HKMN xác nhận công tác an ninh, an toàn hàng không được đảm bảo do phối hợp tốt với các cảng hàng không và hãng hàng không. Đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc cũng cho biết dù lượng khách, chuyến bay tăng cao gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường nhưng các dịch vụ phục vụ khách được đảm bảo. Tại Nội Bài, ngày 7/2 (mồng 5 Tết) lượng khách qua cảng rất đông, lên tới 13 nghìn người nhưng an ninh, an toàn được giữ vững. Theo thống kê, trong 13 ngày cao điểm phục vụ Tết, tại các cảng hàng không miền Bắc, có 87 chuyến bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific bị chậm giờ cất cánh, tuy nhiên, các hãng hàng không và đơn vị phục vụ tại cảng đã xử lý tốt công tác phục vụ nên không có hành khách gây rối hay khiếu kiện về dịch vụ. Nghĩa Anh Ông Nguyễn Văn Trạng - Giám đốc Cụm phà Vàm Cống cho biết, từ mùng 2 Tết lượng khách hành hương, du xuân đổ về An Giang qua Bến phà Vàm Cống, Mỹ Lợi, Đình Khao... tăng hơn 20% so với Tết năm trước. Trong ngày 6/2 (mùng 4 Tết) bến Vàm Cống phục vụ trên 6.300 ôtô. Sang ngày mùng 5 Tết số lượng cũng không giảm và chủ yếu tập trung vào ban ngày. Vì số lượng xe quá đông nên đã bị ùn tắc kéo thành hàng dài trên Quốc lộ 91, tới tận cầu Cái Sắn (giáp Cần Thơ). Trước tình trạng đó, Cụm phà đã huy động thêm 3 chiếc phà dự phòng loại tải trọng 100 - 200 tấn cho mỗi bến để đưa đón các phương tiện, giải quyết lượng xe ứ đọng. Theo Phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk, trong dịp Tết Nguyên đán 2011 trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Từ ngày 30 Tết đến mùng 4 Tết, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNGT, làm chết 18 người, bị thương 11 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 7 vụ, 6 người chết và 3 người bị thương. Trong đó TNGT xảy ra trên tuyến QL chiếm đa số (QL26: 4 vụ, 4 người chết, 3 người bị thương; QL14: 3 vụ, 3 người chết, 1 người bị thương; QL24: 3 vụ, 4 người chết, 3 người bị thương. Địa bàn xảy ra nhiều tai nạn là các huyện Krông Pak (4 vụ, chết 5 người), Ea Súp (3 vụ, chết 3 người) và Cư Kuin (2 vụ, chết 3 người). Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do lái xe lấn đường (8 vụ), không chú ý quan sát (2 vụ), lý do khác (6 vụ). Mặc dù tai nạn tăng cao, nhưng qua công tác tuần tra kiểm soát, chỉ có 274 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý. Đ.L Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trước và trong Tết Tân Mão 2011 và sự chuẩn bị chu đáo cho công tác TTKS giao thông nên công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo nhanh của Ban ATGT tỉnh Nghệ An thì 10 ngày qua (kể từ ngày 24/1/2010 đến hết ngày 4/2/2011) trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông làm chết 9 người, bị thương 3 người. So với cùng kỳ tết năm 2010 thì TNGT trên địa bàn tỉnh giảm được cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó giảm 2 vụ và giảm 3 người chết. Đặc biệt địa bàn thành phố Vinh trước đây là điểm nóng về TNGT dịp tết thì năm nay đều giảm cả thương vong lẫn ùn tắc. Xuân Bảy

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Xa-hoi/Tieu-diem/Di_lai_dip_Tet_Tan_Mao_Tai_nan_giam_bot_un_tac/