Di chỉ hang Phia Muồn

Thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Muồn.

Tọa độ 22o 25’ vĩ bắc và 105o 30’ kinh đông, rộng hơn 100m2. Bề mặt hang khá bằng phẳng, dốc từ phía trong lòng hang ra ngoài, tầng văn hóa dày 0,50 - 0,60m, chia làm hai lớp: Lớp văn hóa 1 dày không đồng đều từ 0,15 đến 0,45m, có chỗ mỏng chừng 0,10m. Lớp đất có màu xám nhạt, kết cấu bở rời, nhiều mảnh đá vỡ nhỏ tự nhiên, chứa vỏ nhuyễn thể, mảnh xương động vật, công cụ đá ghè đẽo, rìu mài nhẵn và nhiều mảnh gốm vỡ, dấu vết của bếp lửa.

Lớp văn hóa 2 dày không đồng đều từ 0,20 đến 0,35m là loại đất á sét, màu nâu sẫm, kết cấu cứng chắc, chứa nhiều xương răng động vật là những loại thú nhỏ cùng vỏ ốc núi, ốc suối và di vật đồ đá ghè đẽo. Bộ di vật đá mang đặc trưng của kỹ thuật văn hóa Hòa Bình, tiêu biểu là những công cụ chặt hình rìu ngắn, công cụ hình bầu dục được chế tác từ đá cuội sông, suối.

Ốc biển được tìm thấy tại hang Phia Muồn.

Trong lớp văn hóa này còn tìm thấy vỏ ốc biển, dấu tích của bếp lửa và mộ táng. Có 2 bếp lửa chia đều cho mỗi lớp văn hóa, đó là những đám đất cháy màu đỏ hình bầu dục, kích thước trung bình 1,30m x 0,80m, trên có phủ lớp tro mỏng. Xương răng động vật gồm xương thú, vỏ nhuyễn thể, tìm thấy ở hầu khắp các lớp đào trong hố khai quật với số lượng không nhiều. Vỏ nhuyễn thể gồm loài ốc núi Cyclophorus, ốc suối Antimelania, trùng trục Lancealaria, cùng nhiều cua núi.

Có 12 mộ táng đều thuộc thời đại Đồ đá, trong đó có 4 mộ còn di cốt; số còn lại, xương cốt đã bị phân hủy, chỉ còn đồ tùy táng là những công cụ bằng đá và những tảng đá lớn dùng để đánh dấu mộ. Qua nghiên cứu ban đầu cho thấy, có ít nhất 2 loại táng thức. Táng thức thứ nhất là chôn nằm co, bó gối, đồ tùy táng chôn theo là công cụ ghè đẽo và mảnh tước. Phần bên trên mộ có xếp nhiều tảng đá lớn để đánh dấu mộ.

Táng thức thứ hai là di cốt được chôn trong tư thế nằm ngửa, hai tay buông xuôi, đồ tùy táng chôn theo là một vài chiếc rìu đá được mài nhẵn và đồ gốm văn thừng. Đáng chú ý là người tiền sử đã kè đá xung quanh di cốt người chết để tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục. Có 65 công cụ cuội ghè đẽo, gồm: rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi dọc, 1/4 cuội, công cụ hình đĩa, hình bầu dục, rìu ngắn, hình móng ngựa; công cụ mài, gồm rìu tứ giác, rìu, bôn có vai, dao đá: 8 hiện vật; công cụ mảnh tước: 20 di vật; chày nghiền, hòn kê: 3 chiếc; mảnh tước: 557 mảnh; đồ trang sức: 8 thỏi đá mài tròn; đồ gốm: 187 mảnh, trong đó 112 mảnh có hoa văn. Về chất liệu, phần lớn thuộc loại gốm khá mịn, loại gốm thô chiếm tỷ lệ nhỏ. Gốm được chế tạo từ đất sét pha cát, phần lớn gốm có xương màu xám. Hoa văn phần lớn là loại văn thừng mịn. Đã xuất hiện hoa văn khắc vạch nhưng số lượng rất ít; cách trang trí hoa văn khá đơn giản.

Thảo Chi

(Theo Địa chí Tuyên Quang)

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/di-chi-hang-phia-muon-187834.html