ĐH Giao thông vận tải: Đề án năm 2024 đăng ở website khác với bản gửi Bộ GDĐT

Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nên vào cuộc làm rõ tại sao có trường đại học không tuân thủ quy định, đồng thời xem xét trách nhiệm người kiểm duyệt.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết "ĐH Giao thông vận tải: Nhiều mục trong Đề án tuyển sinh 2024 không đúng quy định" nêu lên một số điểm đáng chú ý trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải.

Qua tìm hiểu của phóng viên, có nhiều mục trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường đại học này không đúng so với quy định tại phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Cụ thể, ở một số đầu mục như: số sinh viên trúng tuyển nhập học và số sinh viên tốt nghiệp đã không được đưa vào bảng thống kê trong đề án tuyển sinh năm 2024.

Ngoài ra, khi tìm hiểu thêm ở đề án tuyển sinh của năm trước đó là năm 2023, trong bảng thống kê còn lược bỏ các đầu mục như: chỉ tiêu, số nhập học. Điều này không tuân thủ theo yêu cầu tại phụ lục III của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cơ sở giáo dục đại học công bố các thông tin trong đề án tuyển sinh không đầy đủ theo quy định đã ảnh hưởng đến nhu cầu tìm hiểu thông tin tuyển sinh về trường của phụ huynh và thí sinh.

Hơn nữa, điều này còn gây ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục đại học khác đang thực hiện nghiêm túc các quy định. Qua đó, các chuyên gia kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân, tại sao vẫn có trường đại học không thực hiện đầy đủ các quy định đã đề ra như vậy? Đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải, nhiều đầu mục được yêu cầu theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT không được đưa vào trong báo cáo hoặc bị lược bỏ bớt. Ảnh chụp màn hình

Về việc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, khi đã có quy định đề ra thì các trường cần thực hiện nghiêm túc.

Qua đó, vị này nhấn mạnh rằng, việc không tuân thủ quy định chính là đang làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở giáo dục đó đối với người học có muốn tìm hiểu về trường.

Bà An bày tỏ: "Theo tôi, khi đã có thông tin phản ánh trên báo chí, cơ quản quản lý nên vào cuộc thanh tra làm rõ các vấn đề đã nêu.

Đặc biệt, sau đó cần yêu cầu nhà trường minh bạch lại các thông tin theo yêu cầu. Việc công khai về chỉ tiêu hay lượng sinh viên nhập học mỗi năm của một cơ sở giáo dục là điều bình thường và cần phải công bố cho xã hội được biết. Đó không phải bí mật quốc gia".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng nêu quan điểm rằng, việc chấn chỉnh các trường thực hiện nghiêm các quy định là việc các cơ quan quản lý cần làm sớm để đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau.

Đồng thời vị này nhấn mạnh rằng, nếu cơ quan quản lý có sự rà soát, kiểm tra, thậm chí là đưa ra phương án xử lý thì mới khiến các trường thực hiện nghiêm quy định. Có như thế mới đảm bảo tính nghiêm minh của văn bản được ban hành.

Cùng quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng, vẫn có việc một số cơ sở giáo dục đại học không thực hiện nghiêm túc theo các quy định một phần do tính răn đe và chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định đó chưa cao, vì thế sẽ vẫn còn trường hợp cố tình "phớt lờ".

Giáo sư Phạm Tất Dong cho hay: "Thông thường khi ban hành các văn bản quy định, cơ quan quản lý cũng đã có sự khảo sát, tính toán đến các điều kiện mà các cơ sở giáo dục có thể thực hiện. Vì thế, nếu trường cho rằng, nội dung đó không thể công bố là không hợp lý.

Hơn nữa, với các yếu tố liên quan đến công tác tuyển sinh thì cần công bố rộng rãi, thậm chí là phải thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải cho đông đảo phụ huynh, thí sinh được biết chứ không thể "dấu diếm" bớt thông tin như vậy.

Điều này cần minh bạch và cho những người học có nhu cầu để họ nắm rõ, có như vậy khi đưa ra các quyết định chọn lựa nhà trường thì người học đó cũng không bị ảnh hưởng đến quyền lợi vì ít ra trước đó họ được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ".

Qua đó, vị này nêu quan điểm, khi đã có quy định yêu cầu thì các cơ sở giáo dục đại học cần nghiêm túc thực hiện. Nếu vẫn còn trường hợp cố tình không tuân thủ quy định thì cơ quan quản lý nên vào cuộc khi có thông tin báo chí phản ánh, đồng thời cần xử lý nghiêm để làm gương.

Giáo sư Phạm Tất Dong (cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam). Ảnh: T.L

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) nhấn mạnh đến trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong việc kiểm duyệt lại thông tin trước khi đăng tải công khai.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cũng cho rằng, có thể lãnh đạo nhà trường quá bận rộn với công tác quản lý nên không nắm hết được các hoạt động của nhà trường.

Tuy nhiên, với những yêu cầu đặt ra trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là đã có phụ lục quy định rõ, những năm trước nhà trường đã thực hiện nghiêm túc mà các năm gần đây có biến động thì lãnh đạo phụ trách cũng nên có sự tìm hiểu, chỉnh đốn chứ không thể dễ dãi trong khâu kiểm duyệt như vậy.

"Theo tôi trong việc này nên nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trực tiếp phụ trách công tác tuyển sinh. Bởi lẽ, khi tạo ra các dư luận không tốt liên quan đến công tác tuyển sinh thì trước hết uy tín nhà trường cũng bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, quá trình tuyển sinh của nhà trường cũng sẽ gặp khó khăn vì những yếu tố đó", nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.

Nhận định về tác động đối với người có nhu cầu tìm hiểu tại các cơ sở giáo dục không tuân thủ quy định như vậy, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, điều này đang khiến cho họ thiếu thông tin, từ đó không có được cái nhìn tổng quan về thực trạng của nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: N.Q

Qua đó, thầy Bảo nhấn mạnh: "Để hạn chế xảy ra tình trạng cơ sở giáo dục đại học cố tình không đăng tải đầy đủ các thông tin theo quy định, theo tôi các cơ quan quản lý đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng vào cuộc xử lý.

Trước hết, là yêu cầu nhà trường làm rõ và công khai cho dư luận được biết, tại sao lại không đăng tải đầy đủ các thông tin đã được nêu rõ trong phụ lục như vậy. Đồng thời, chỉ đạo nhà trường xem xét trách nhiệm đối với cán bộ phụ trách công tác kiểm duyệt trước khi đăng tải công khai đề án tuyển sinh.

Ngoài ra, sau những sự việc xảy ra ở trường đại học được báo chí đăng tải, cơ quan quản lý nên có sự siết chặt công tác kiểm duyệt, tăng mức xử phạt hành chính, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm minh để các cơ sở giáo dục đại học lấy làm bài học".

Nội dung của bản đề án tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông vận tải gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo khác với bản đề án tuyển sinh được công bố trên cổng thông tin của nhà trường.

Phản hồi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau bài viết "ĐH Giao thông vận tải: Nhiều mục trong Đề án tuyển sinh 2024 không đúng quy định", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận nội dung trong bài viết nêu ra là đúng.

Lý giải về sự việc, vị này cho rằng có một số thiếu sót khi bộ phận phụ trách đưa thông tin vào đề án tuyển sinh. Sau khi tiếp nhận thông tin nhà trường sẽ cho sửa chữa, khắc phục và công khai để xã hội được biết.

Ngoài ra, theo thầy Chương, bản đề án tuyển sinh năm 2024 mà phía Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được là bản đầy đủ vì khi duyệt nội dung đề án tuyển sinh qua phần mềm của Bộ, sẽ có hệ thống quét được nội dung nào còn thiếu và cần phải bổ sung.

"Bản Đề án tuyển sinh năm 2024 đã được nhà trường đăng tải mà phóng viên tiếp cận có một số nội dung được bộ phận phụ trách rút gọn để phụ huynh và thí sinh có nhu cầu tìm hiểu đỡ bị rối thông tin", vị này thông tin thêm.

Khi được hỏi, vậy với bản đề án tuyển sinh được "rút gọn" trước khi đăng tải công khai, lãnh đạo nhà trường có kiểm duyệt lại hay không? Về việc này, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, vì "tin tưởng anh em cấp dưới" nên không kiểm duyệt lại.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-giao-thong-van-tai-de-an-nam-2024-dang-o-website-khac-voi-ban-gui-bo-gddt-post242567.gd