ĐH Công nghệ & Thông tin Thái Nguyên: Điểm chuẩn 1 số ngành học hot qua các năm

Năm 2023, ngành Kỹ thuật phần mềm (liên kết quốc tế), Hệ thống thông tin quản lý và An toàn thông tin là 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất toàn trường.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên định hướng tầm nhìn trở thành “Trường đại học ứng dụng, đa ngành trên nền tảng số hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”.

Sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học; bồi dưỡng ngắn hạn; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Về lịch sử phát triển, ngày 14/12/200, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 6946/QĐ về việc thành lập Khoa Công nghệ thông tin trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 468/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở nâng cấp Khoa Công nghệ thông tin.

Theo thông tin trên website chính thức của nhà trường, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên có địa chỉ tại Đường Z115, Quyết Thắng, Thành phố Thái Nguyên.

Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tảo giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa giữ chức Hiệu trưởng.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Fanpage nhà trường.

Những thay đổi đáng chú ý trong phương thức tuyển sinh

Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên đang đào tạo các ngành/chuyên ngành bậc đào tạo đại học đáp ứng yêu cầu về nhân lực trình độ đại học cho xã hội.

Năm 2019, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông quyết định mở ngành học mới là Hệ thống thông tin.

Năm 2021, nhà trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo 3 ngành học mới, bao gồm: Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và robot; Công nghệ ôtô và giao thông thông minh; Kinh tế số.

Kể từ đó đến nay, cơ sở đào tạo duy trì các ngành học hiện có, không mở mới thêm ngành nào.

Về phương thức tuyển sinh, năm học 2020-2021, nhà trường tuyển sinh với 6 phương thức, cụ thể:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.
Phương thức 3: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín.
Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên điều kiện riêng của chương trình đối với chương trình liên kết quốc tế.

Năm 2021, nhà trường thay đổi phương thức tuyển sinh, chỉ sử dụng 2 phương thức là: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông (xét học bạ).

Trong năm 2022 và năm 2023, ngoài hai phương thức tuyển sinh của năm học trước đó, nhà trường bổ sung thêm 01 phương thức tuyển sinh nữa là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Biến động về chỉ tiêu và điểm chuẩn qua các năm

Để bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên được tổng quan và bao quát hơn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập nhật biểu đồ thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu của một số ngành hot của trường:

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên cùng với chỉ tiêu một số ngành học hot qua các năm.

Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1460 chỉ tiêu. Năm 2021, con số này tăng lên 1.900 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu của trường trong năm 2022 là 2.200 chỉ tiêu. Năm 2023 là 3.566 chỉ tiêu tuyển sinh.

Bên cạnh đó, năm 2020, trong khi ngành Thương mại điện tử có 100 chỉ tiêu tuyển sinh thì ngành Công nghệ thông tin có 230 chỉ tiêu.

Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công nghệ thông tin tăng lên so với năm học trước, đạt 560 chỉ tiêu. Đối với ngành Thương mại điện tử, chỉ tiêu của ngành cũng tăng lên mức 120 chỉ tiêu.

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành này không có quá nhiều biến động, ngành Thương mại điện tử tuyển sinh với 140 chỉ tiêu, ngành Công nghệ thông tin tuyển sinh 540 chỉ tiêu.

Đáng chú ý, năm học 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành này tương ứng 900 chỉ tiêu đối với ngành Công nghệ thông tin và 300 chỉ tiêu đối với ngành Thương mại điện tử.

Về điểm chuẩn, ngành Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử và Thiết kế đồ họa là ba trong số các ngành học có điểm chuẩn cao của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên qua các năm.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự biến động về điểm trúng tuyển giữa các ngành học qua các năm, dựa vào kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30.

Điểm chuẩn của một số ngành Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên qua các năm

Năm học 2020-2021, điểm chuẩn ngành Kỹ thuật phần mềm (liên kết quốc tế) là 19 điểm, ngành Hệ thống thông tin quản lý là 17 điểm và ngành An toàn thông tin là 17 điểm.

Năm học 2021-2022, điểm chuẩn của các ngành Kỹ thuật phần mềm (liên kết quốc tế), Hệ thống thông tin quản lý và An toàn thông tin lần lượt là 19 điểm, 17 điểm và 17 điểm.

Năm 2022, điểm chuẩn xét tuyển đầu vào của ngành Hệ thống thông tin quản lý và An toàn thông tin vẫn duy trì mức điểm so với các năm học trước đó, đạt 17 điểm. Trong khi đó, ngành Kỹ thuật phần mềm (liên kết quốc tế) có điểm chuẩn là 19 điểm.

Năm học 2023-2024, các ngành đều có xu hướng tăng nhẹ điểm chuẩn xét tuyển đầu vào. Cụ thể, ngành Kỹ thuật phần mềm (liên kết quốc tế) có điểm chuẩn cao nhất toàn trường, đạt 19.5 điểm. Đứng ở vị trí thứ hai là ngành Hệ thống thông tin quản lý với 18.5 điểm. Kế tiếp theo sau đó là điểm trúng tuyển của ngành An toàn thông tin (18 điểm).

Tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều ngành trên 94%

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê kết quả khảo sát vào năm 2022 về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo một số ngành dưới đây:

Kết quả khảo sát vào năm 2022 về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2021 được xác định theo một số ngành Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên

Có thể thấy, sau khi tốt nghiệp vào năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau đó tương đối cao.

Ngành Khoa học máy tính, Công nghệ truyền thông và An toàn thông tin là ba trong số các ngành có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức 100%.

Con số này cũng là tỷ lệ có việc làm của một số ngành học khác như: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Kỹ thuật phần mềm; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Bên cạnh đó, tỷ lệ có việc làm của ngành Truyền thông đa phương tiện là 94.1%; tỷ lệ ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông là 97.9%; và tỷ lệ của ngành Công nghệ thông tin là 97.2%.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-cong-nghe-thong-tin-thai-nguyen-diem-chuan-1-so-nganh-hoc-hot-qua-cac-nam-post242869.gd