Dệt may vượt khó, bứt phá về thị trường mới

Năm 2023 là năm có nhiều khó khăn với ngành dệt may Việt Nam. Xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, trong những khó khăn của năm nay, con số kim ngạch xuất khẩu đạt được nêu trên cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bước sang năm 2024, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, với nhiều giải pháp được đặt ra.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của ngành dệt may trong năm 2023?

 Ông Vũ Đức Giang.

Ông Vũ Đức Giang.

Vũ Đức Giang: Năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của xuất khẩu hàng dệt may, nhất là về thị trường và đơn hàng. Những yếu tố bất ổn kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm sức mua trên toàn cầu giảm, đặc biệt đối với hàng dệt may do không phải nhóm hàng thiết yếu cho nên tỷ lệ sụt giảm rất cao, lượng hàng tồn kho lớn. Xuất khẩu toàn ngành dệt may cả năm đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn chung này, con số kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 là sự bứt phá, cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điểm nhấn nổi bật của ngành dệt may là sự đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, sản phẩm cũng như khách hàng. Chưa bao giờ dệt may Việt Nam xuất khẩu đến nhiều thị trường như thế, với 104 thị trường.

Về khách hàng, có những thị trường trước đây không nhập khẩu dệt may Việt Nam thì năm nay đã khác. Ví dụ, thị trường châu Phi, các nước đạo Hồi, hay như Bangladesh là nước sản xuất dệt may nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu được các sản phẩm thế mạnh ở dòng sợi tổng hợp, sợi tái chế vào các thị trường này... Việc đa dạng thị trường, mặt hàng, khách hàng, đối tác là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn, tạo vị thế cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

PV: Năm 2024 được dự báo như thế nào đối với ngành dệt may, thưa ông?

Ông Vũ Đức Giang: Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may. Điều này cho thấy, DN sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như bảo đảm sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các yếu tố phát triển xanh.

Về yếu tố thuận lợi, VITAS kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc tốt hơn. Thực tế, trong quý IV-2023, tín hiệu đơn hàng cho ngành dệt may đã tốt hơn. Cùng với đó, ngành dệt may nước ta vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán và là quốc gia duy nhất ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Anh, Nga.

Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định. Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

 Nhân viên Công ty Cổ phần Champtailor giới thiệu sản phẩm thời trang được làm bằng sợi vải tái chế từ bã cà phê. Ảnh: MINH ĐỨC

Nhân viên Công ty Cổ phần Champtailor giới thiệu sản phẩm thời trang được làm bằng sợi vải tái chế từ bã cà phê. Ảnh: MINH ĐỨC

PV: Yêu cầu của thị trường ngày càng có nhiều thay đổi, vậy theo ông, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần làm gì để đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024?

Ông Vũ Đức Giang: Để thực hiện hóa mục tiêu, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung vào 5 vấn đề lớn. Cụ thể, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng. Có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số... Cùng với đó, tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may cần tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, đây là vấn đề rất quan trọng. Trong đó quan tâm định hình đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Để phát triển thương hiệu thì cần thời gian rất nhiều năm. Trong ngành công nghiệp thời trang, nhãn hàng nào tạo dựng được thương hiệu sẽ nắm cuộc chơi. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam mong muốn Chính phủ hỗ trợ để định hình được một số nhãn hiệu thời trang do Việt Nam làm chủ, tạo được sức hút với thị trường toàn cầu giống như Nike, Adidas... Hiện nay, Việt Nam đã có một số thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, An Phước nhưng còn manh mún ở trong nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH AN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/det-may-vuot-kho-but-pha-ve-thi-truong-moi-754310