Dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa có hiệu lực thi hành với mức phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn cao nhất tới 160 triệu đồng.

Thế nhưng, không ít người vẫn băn khoăn: Liệu mức phạt rất nặng (cao hơn hẳn các quy định trước đây) có dẹp được vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn vốn tồn tại dai dẳng ở nước ta?

Ô nhiễm tiếng ồn nói chung, chuyện “cái loa kẹo kéo” nói riêng khiến đại đa số người dân bức xúc. Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo: Việc ô nhiễm tiếng ồn ở nước ta ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, như gây suy giảm thính giác, tác động xấu tới giao tiếp, làm rối loạn tâm, sinh lý, gây hệ lụy cho tim mạch... Đó là chưa kể đã có nhiều vụ xích mích, gây mất an ninh trật tự, thậm chí xảy ra án mạng mà nguyên nhân chính xuất phát từ... tiếng ồn!

Ô nhiễm tiếng ồn gây không ít khó chịu cho những người xung quanh. Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, trước khi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thì việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP; ngoài ra còn có thể xử lý theo các chế tài khác liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị hay an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Song, thực tế lâu nay, những vi phạm liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu mới xử lý bằng... nhắc nhở, thậm chí "bỏ qua". Và nhiều nhà hàng, quán karaoke, những chiếc loa "kẹo kéo" và cả các cơ sở sản xuất cơ khí vẫn vô tư xả tiếng ồn với cường độ lớn trong khu dân cư, nơi công cộng, bất chấp người dân kêu ca. Nguyên nhân chính là: Nước ta chưa có quy trình chuẩn về xử phạt ô nhiễm tiếng ồn; chưa có lực lượng nào đảm trách xử lý vi phạm một cách triệt để; thiếu các thiết bị đo chuyên dụng, đúng quy chuẩn để ghi nhận bằng chứng vi phạm làm cơ sở xử phạt... Bởi thế, các quy định xử phạt vi phạm về tiếng ồn dù xác định rõ mức phạt, nhưng "trống" khoản thực thi nên không hiệu quả.

Như vậy là, nếu chỉ quy định mức xử phạt cao thì chưa đủ. Cần phải phân nhiệm cụ thể đối với lực lượng có chức năng xử phạt vi phạm, tránh tình trạng "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa"; đồng thời trang bị đầy đủ dụng cụ đo tiếng ồn cho lực lượng xử lý vi phạm, đưa ra các quy định về sử dụng chứng cứ do người dân cung cấp để phát huy vai trò giám sát, tố giác vi phạm của nhân dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều phải ký cam kết, nếu vi phạm thì xử phạt nghiêm và tước giấy phép hoạt động. Có triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thì vi phạm về tiếng ồn mới giảm, dẹp vấn nạn "tra tấn tai nhau".

DUY VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dep-nan-o-nhiem-tieng-on-704108