Đẹp mãi phong tục Tết Cổ truyền

Mỗi độ xuân về, bất kể giàu hay nghèo, trẻ thơ hay người lớn, ở thành thị hay nông thôn, năm hết, tết đến, lòng ai cũng chộn rộn, nôn nao một niềm vui khó tả. Có lẽ cũng vì vậy, người ta thường ví von, so sánh một niềm vui đặc biệt nào đó với câu thành ngữ 'vui như tết'.

Nhiều người cho rằng, không khí hân hoan, háo hức nhất chính là những ngày trước tết. Từ rằm tháng Chạp, người người, nhà nhà chộn rộn đón tết. Nếu hoa đào là đặc trưng cho mùa xuân miền Bắc thì miền Nam đón tết với rực rỡ mai vàng. Cứ độ rằm tháng Chạp trở đi, dù bận rộn đến mấy, nhà nào cũng dành một ngày để lặt lá mai. Những người có kinh nghiệm, dựa vào tiết trời, xem mưa hay nắng, nóng hay lạnh để canh ngày lặt lá cho mai trổ đúng dịp. Tết ở miền Nam, nhà nào có mai vàng trổ đồng loạt thế nào cũng được trầm trồ năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài.

Sau đợt lặt lá mai, không khí mùa xuân càng rõ rệt, ai nấy cũng tất bật dọn nhà, trang hoàng đón tết, rồi cùng nhau đi chợ hoa, mua sắm áo quần, bánh mứt. Đến ngày 23 tháng Chạp thì tiễn ông Công, ông Táo về trời. Cũng trong ngày này, nhiều gia đình còn dựng nêu với ước mong tránh xa điều xui rủi trong năm cũ, đón nhận những điều may mắn, an lành của năm mới. Tuy ngày nay, phong tục dựng nêu ít nhiều mai một nhưng còn những gia đình vẫn giữ được nét đẹp ngày xuân ý nghĩa này, nhất là tại khu vực nông thôn.

Với tấm lòng hướng về nguồn cội, con cháu tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên, tùy mỗi địa phương hay gia đình lựa chọn những ngày khác nhau để tảo mộ nhưng thông thường, tại miền Nam, từ ngày 21-25 tháng Chạp trở đi (cũng có thể sớm hoặc trễ hơn), các gia đình bắt đầu quét dọn các phần mộ gia tộc. Tảo mộ là một phong tục ý nghĩa, thể hiện tình cảm của con cháu với những người đã khuất.

Đến ngày tất niên, các thành viên trong gia đình quây quần sum họp, cùng nhau cúng kiến rước ông bà, tổ tiên về đón tết rồi dùng bữa cơm cuối năm đầm ấm, trọn vẹn yêu thương. Bữa cơm tất niên bao giờ cũng ấm cúng với thật nhiều món ngon như thịt mỡ, dưa hành, bánh tét,... Sau một năm bôn ba làm ăn vất vả, bữa cơm sum họp bên người thân luôn rộn rã tiếng cười. Bao muộn phiền, âu lo dường như gác lại, sẵn sàng chờ đón những điều tốt đẹp của một năm mới với những niềm tin, ước vọng.

Ngày xuân, mọi người cùng nhau dâng hương, lễ chùa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc

Ngày xuân, mọi người cùng nhau dâng hương, lễ chùa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc

Tết chính thức bắt đầu sau thời khắc giao thừa - giây phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là một sự tiếp nối, giao hòa của đất trời. Dù mỗi vùng, miền, địa phương có những phong tục khác nhau nhưng điểm chung là đều có một mâm cỗ thịnh soạn, đủ đầy. Người chủ gia đình sẽ thành tâm khấn vái đất trời, tổ tiên, mong cầu một năm mới hạnh phúc, an lành.

Sáng mùng 1, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ; người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ với những phong bao lì xì đỏ thắm, gửi trao may mắn đến người nhận. Đây là một nét đẹp không thể thiếu trong phong tục Tết Cổ truyền của người Việt.

Tết Việt càng ý nghĩa khi ai ai cũng đều nhớ câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Mọi người sẽ dành những ngày đầu xuân để thăm họ hàng nội, ngoại và thầy cô. Trong tất cả phong tục của ngày tết, mọi hoạt động đều hướng về nguồn cội, thể hiện lòng biết ơn, tình cảm gia đình, yêu thương, trân trọng giữa người với người. Những ngày tết, mọi người còn cùng nhau du xuân, lễ chùa, họp mặt, vui chơi trước khi trở lại với vòng quay công việc.

Tết là dịp để nhà nhà, người người sum họp; là khoảnh khắc bình yên bên người thân, gia đình; là quãng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày dài làm việc căng thẳng, mệt nhoài và là cảm giác lâng lâng niềm vui, niềm tin về một năm mới bình an, sung túc. Những người con xa nhà lại càng thấu hiểu cảm giác nhớ tết quê nhà vì chẳng có niềm vui nào bằng niềm vui sum họp. Tết gắn kết mọi người cùng chan hòa, yêu thương, quên những nhọc nhằn của năm cũ để cùng hướng đến tương lai với những thành công phía trước. Với ý nghĩa ấy, dù cuộc sống ngày nay có hiện đại thì phong tục đón Tết Cổ truyền của dân tộc sẽ mãi được gìn giữ, lưu truyền./.

Phạm Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dep-mai-phong-tuc-tet-co-truyen-a170684.html