Dẻo thơm socola Hồng Sơn

'Ngon lắm, em ăn thử đi' - chị luôn miệng mời và giới thiệu khi bưng hộp socola làm từ trái ca cao trong vườn nhà, làm người đối diện không khỏi tròn mắt ngạc nhiên, vì ở đất Bình Thuận cũng có thể sản xuất được socola, không như lâu nay vẫn nghĩ chỉ ở vùng, lãnh thổ khác mới sản xuất.

Dẻo thơm socola Hồng Sơn

Chị Kiệm đang chăm sóc vườn ca cao trĩu trái.

Socola nhà làm

Trận mưa rào ở TP. Phan Thiết vừa ngớt, tôi chạy xe vượt 20km theo quốc lộ 1A đến thôn 4, xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) gặp chị Phạm Thị Kiệm – Chủ tịch Hội khuyến học xã như đã hẹn. Dù đã ở tuổi 60, nhưng nhìn chị như trẻ hơn so với tuổi, phong cách hoạt bát nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ khi tiếp xúc. Sau những lời chào hỏi, chị đưa ra vài hộp nhựa màu nâu đen giới thiệu: “Em ăn thử đi, socola nguyên chất nhà chị làm đấy, chứ không phải mua ở chợ hay siêu thị”. Tôi tò mò: “Chị chế biến được socola?”. Vì lâu nay khi mua socola ở các siêu thị về sử dụng, vẫn thường thấy nguồn gốc sản xuất từ các nước như: Mỹ, Ý, Đan Mạch và Thụy Sĩ...

Chị Kiệm nghe vậy cho biết: “Nhà có vườn ca cao, nên chị lên mạng nghiên cứu công thức làm. Thực ra nó rất đơn giản, sau khi thu hoạch ca cao về mình để 7 ngày, rồi đập lấy hạt, đem ủ với thời gian 7 ngày để hạt ca cao lên men, tiếp tục phơi nắng 7 ngày tiếp. Sau đó rang khô, nghiền nát, lọc bỏ lớp vỏ chế biến socola... Nếu socola sữa thì trộn sữa tươi, sữa đặc hoặc sữa bột nguyên kem, ít hay nhiều sữa tùy theo khẩu vị. Socola của chị Kiệm có mùi hương đặc trưng của ca cao tự nhiên, không ngọt gắt như những thanh socola ở các siêu thị lớn. Đây là socola của người dân xã Hồng Sơn tự sản xuất đầu tiên mà tôi thưởng thức.

Theo y học, tiêu thụ socola với hàm lượng ca cao nguyên chất càng cao thì càng có lợi cho hệ miễn dịch, tim mạch, trí nhớ, tâm trạng và nhiều tác động sức khỏe tích cực khác. Chị Kiệm chia sẻ: 1 hộp 500g chỉ với giá 200.000 đồng, mình làm bán cho vui, chủ yếu bán nguyên liệu thô (hạt ca cao).

Cho thu nhập ổn định

Thưởng thức hết miếng socola, chị Kiệm bảo tôi lên xe chị chở đi thăm vườn ca cao. Sau nhiều phút trải qua con đường mòn dưới những chân ruộng lúa, thanh long quanh co khó đi, chúng tôi đến được vườn ca cao. Lần nữa tôi lại ngỡ ngàng trước hàng trăm cây ca cao trĩu trái đang kỳ thu hoạch, trồng xen lẫn với nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, mít trên diện tích hơn 1 ha. Chị Kiệm nói: Cả huyện Hàm Thuận Bắc bây giờ có một mình nhà chị trồng ca cao, trước kia cũng có hộ trồng nhưng không biết cách chăm sóc mang lại hiệu quả kinh tế nên đã phá bỏ. Tôi đi giữa những hàng ca cao trĩu trái mà xuýt xoa khen ngợi, tự hỏi lòng mình cái thứ cây ngoại lai này cũng chịu được đất Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận cho món socola dẻo thơm ngon. Gia đình chị Kiệm đầu tư 20 triệu đồng giống cây ca cao, trồng xen canh với xoài cát Hòa Lộc từ năm 2010, theo sự tư vấn kỹ thuật của cán bộ Phòng NN-PTNT huyện. Đến những năm gần đây mới tìm được đầu ra ổn định do “chân ướt chân ráo” chưa quen với loại cây ngoại lai này.

Chị Kiệm chia sẻ: Khi mới trồng thì chăm sóc vất vả vì nó không chịu được nắng... Sau 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch và phải đến năm thứ 3 cây mới cho thu hoạch trái ổn định từ 10 - 12 kg trái tươi/cây, tương đương 1 kg khô. Được cái hay là cây cho trái quanh năm, hết lứa này đến lứa khác nên có thu nhập thường xuyên. Mỗi năm cho thu hoạch hơn 7 tạ hạt, vừa bán cho các cơ sở thu mua chế biến ca cao ở Đắk Lắk và Lâm Đồng, vừa để lại chế biến socola. Trung bình gia đình chị thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm từ ca cao, chưa kể các loại cây trồng xen canh khác trên cùng một diện tích đất. Gia đình chị dự định sẽ phát triển thêm cây ca cao nhưng cũng đang cân nhắc. Tuy nhiên, chị Kiệm sẽ sẵn sàng chia sẻ về kinh nghiệm nếu ai thích trồng loại cây này. Bà Phạm Thị Lựu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết: Hồng Sơn có nhiều mô hình cây trồng và vật nuôi mang lại kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng ca cao của chị Kiệm cho thu nhập ổn định.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/deo-thom-socola-hong-son-137265.html