Đến với bài thơ hay 'Yêu và không yêu'

Bài thơ 'Yêu và không yêu' chảy trong mạch nguồn của thi ca truyền thống viết về đề tài tình yêu.

Ảnh minh họa.

Lời bình của Nguyễn Văn Luyện

Yêu thì giận cũng là thương

Không yêu hàng xóm mà đường hóa xa

Yêu thì lều cũng là nhà

Không yêu cung điện cũng là như không

Yêu thì đá nhẹ như bông

Không yêu bông nặng như chồng núi cao

Yêu thì biển nhỏ như ao

Không yêu ao rộng khác nào đại dương

Yêu thì làm chuyện phi thường

Không yêu nằm khểnh trên giường cũng chê...

Đặng Vương Hưng

Thơ hay như một thứ “bùa mê”. Với tôi, đọc thơ lục bát của Đặng Vương Hưng mỗi ngày ban đầu là sự tình cờ, dần dà trở thành thói quen, sau đích thực là nhã thú, hôm nào không được đọc sẽ cảm thấy thiêu thiếu.

Bài thơ “Yêu và không yêu” chảy trong mạch nguồn của thi ca truyền thống viết về đề tài tình yêu. Có điều, cách diễn đạt của thi sĩ rất ấn tượng, độc đáo, buộc người ta phải ngẫm ngợi nghĩ suy về quy luật muôn đời của việc yêu và không yêu.

Tinh ý, người đọc sẽ nhận thấy, câu lục thi sĩ nói đến những giá trị tuyệt vời mà yêu mang lại. Yêu có sức mạnh chuyển hóa vi diệu, biến cái không thể thành có thể, cái khó thực hiện bỗng trở nên dễ dàng, cái bất thường thành bình thường đáng yêu.

Này nhé, yêu thì “giận là thương”, thậm chí “giận thì giận mà thương cũng thật nhiều”, ranh giới thương giận nhiều khi xóa nhòa. Đang giận dỗi ngút trời, lời dịu ngọt, ánh mắt mến thương lại hiền như cô Tấm. Rồi nữa, “yêu thì lều là nhà; đá nhẹ như bông; biển nhỏ như ao”.

Cuộc sống nghèo khó, vất vả, không gian biển khơi cách trở ngàn trùng, tất cả đều không sao hết nếu yêu và được yêu. Quả thật, yêu tạo nên cho người ta sức mạnh tuyệt đối, nhiều “chuyện phi thường” chỉ yêu mới dám chứ bình thường có gan to như gan trời cũng đành chịu, bó tay.

Nghệ thuật đối lập được nhà thơ sử dụng rất tinh tế, quen mà độc lạ góp phần làm nổi bất ý thơ: Giận - thương, lều - nhà, đá - bông, biển - ao.

Yêu thì tuyệt thế, không yêu thì đủ thứ tréo ngoe: Hàng xóm hóa xa; cung điện như không; bông nặng như núi; ao là đại dương; và thú nhất là “nằm khểnh trên giường cũng chê”.

Thì ra, mọi sự đều tuân theo quy luật của tình cảm, rõ là “trăm cái lí không bằng tí cái tình”. Không yêu thì tất thảy đều trở nên vô nghĩa, khoảng cách gần mà xa, hẹp thành rộng, vật chất cao sang còn quan trọng gì đâu.

Chả trách, mấy mươi năm về trước thi sĩ Nguyễn Bính cảm thấy “ba gian đầy cả ba gian nắng chiều” từ thời khắc “cô đi lấy chồng”. Mong ước “Qua nhà” đành trở nên vô nghĩa.

Bài thơ gồm năm cặp lục bát, tác giả đều mở đầu bằng cấu trúc: Yêu thì... và không yêu... Cách viết như kiểu locgic toán học. Ngôn từ giản dị, dễ hiểu; hình ảnh thơ gần gũi đời thường; giọng điệu pha chút vui đùa hóm hỉnh, vừa đọc thơ người ta vừa tủm tỉm cười thích thú.

Nói chuyện “Yêu và không yêu”, nhà thơ nhắn gửi bài học ý nhị, sâu sắc. Yêu tuyệt lắm, không yêu mọi thứ hư không. Thế nên, dại gì mà không yêu, không đắm say. Sống những mong sẽ yêu và được yêu, hà cớ gì người ta cứ phải khép cửa trái tim rồi một mai ngậm ngùi nuối tiếc.

Nguyễn Văn Luyện

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-yeu-va-khong-yeu-post609212.html