Đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu 100% thuốc được cung ứng kịp thời với nhu cầu

Với nhiều tiềm năng trong ngành dược, đến năm 2030 TP.HCM sẽ phấn đấu 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai…

Nhiều tiềm năng

UBND TP.HCM vừa có văn bản triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại TP.HCM.

Hiện TP.HCM có 43 nhà máy dược phẩm đạt GMP-WHO phân bổ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu dân cư... và chủ yếu sản xuất các thuốc generic để cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu.

Trong số 43 nhà máy, có 5 nhà máy đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP về sản xuất bao bì dùng trong ngành dược.

TP.HCM có nhiều tiềm năng trong ngành dược.

Tổng số các số đăng ký thuốc còn hiệu lực của các nhà máy sản xuất trên địa bàn là 2.529 số đăng ký, chiếm khoảng 10% tổng số đăng ký còn hiệu lực của cả nước. Số mặt hàng đưa vào sản xuất là 2.104 mặt hàng, chiếm hơn 83% tổng số đăng ký được cấp. Trong đó, có 121 thuốc đã được đánh giá tương đương sinh học.

Với hệ thống phân phối, nhờ số lượng công ty phân phối rộng khắp giúp cho việc tiếp cận thuốc của người dân được đảm bảo, sản lượng thuốc tiêu thụ tại TP.HCM chiếm từ 25-30% của cả nước. Trong đó, số lượng cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 1.476 cơ sở; số lượng cơ sở bán lẻ là 8.029 nhà thuốc.

Ngoài ra, TP.HCM là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, thuận lợi cho giao thương sản phẩm từ các vùng lân cận; tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Các nhà máy sản xuất thuốc cũng đã tiếp tục nâng cấp, xây dựng dây chuyền sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn GMP-EU hoặc tương đương theo chủ trương hội nhập với ngành dược khu vực và thế giới.

Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh dược của Cục Quản lý Dược cho thấy, tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 là 73 USD/người/năm, dự kiến tăng đến khoảng 80 USD/người/năm vào năm 2025. Theo khảo sát về nhu cầu về thuốc của các bệnh viện tại TP.HCM, tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa dao động từ 61% - 80%

Theo UBND TP.HCM, hiện Thành phố đang chú trọng phát triển dược lâm sàng cho các cơ sở điều trị, thúc đẩy việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và đẩy mạnh việc nộp hồ sơ trực tuyến cấp độ 3, 4 để tạo thuận lợi cho người hành nghề trong lĩnh vực y dược.

Mục tiêu chủ động cung ứng thuốc kịp thời

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời.

Phấn đấu 100% nguyên liệu dược liệu đạt tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước. Đồng thời hoàn thành cơ sở hạ tầng và bước đầu đưa vào hoạt động Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược. Đồng thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 10 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Theo UBND TP.HCM, Thành phố đặt mục tiêu 100% cơ sở kinh doanh được đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt; trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP); ít nhất 10 cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PICs-GMP hoặc tương đương…

Với các mục tiêu này, TP.HCM sẽ thực hiện trong 2 giai đoạn, từ 21/2/2024 đến 31/12/2025 và từ 1/1/2026 đến 31/12/2030. Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện Để án “Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để đảm bảo chủ động về nguồn thuốc, công nghiệp phụ trợ ngành dược và các sản phẩm trang thíet bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị trên địa bàn.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả; đào tạo nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế…

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/den-nam-2030-tphcm-phan-dau-100-thuoc-duoc-cung-ung-kip-thoi-voi-nhu-cau-d209516.html