Đến năm 2026 đạt chỉ tiêu giảm 05% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Sáng nay (08/5), đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát cùng các thành viên đoàn đến giám sát việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 tại Sở Nội vụ.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Thành Thương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ; Ngô Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Kim Thị Thanh Nữ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; đại diện lãnh đạo Phòng Công chức, viên chức và Phòng Tổ chức cải cách hành chính trực thuộc sở.

Giai đoạn 2021 - 2023, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy đạt được một số kết quả khá toàn diện: tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm được số lượng lớn các phòng chuyên môn, giảm biên chế, giảm số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý, hạn chế tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

Thành viên đoàn giám sát tham dự buổi làm việc.

Tổ chức rà soát, giải thể 03 chi cục cấp tỉnh để chuyển thành phòng chuyên môn do không đảm bảo tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 của Chính phủ, đồng thời, tổ chức lại 02 chi cục thành 01 chi cục (giảm 01 chi cục), thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh. Sắp xếp giảm được 04 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển 06 đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện mô hình thí điểm hợp nhất cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, như: hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ cấp huyện, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra cấp huyện, từ đó, cắt giảm được một số chức danh lãnh đạo, quản lý để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhủ, Chủ tịch UBND huyện Càng Long, thành viên đoàn giám sát nêu lên một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 57/452 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó, có 17 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 35 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 05 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Quan tâm phối hợp, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị sau khi tổ chức sắp xếp lại phù hợp với các quy định của Trung ương, đến nay, có 18/19 cơ quan thực hiện (còn đơn vị Thanh tra tỉnh chưa ban hành do Tổng Thanh tra Chính phủ mới ban hành thông tư hướng dẫn có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2024).

Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau kiện toàn, sắp xếp từng bước ổn định, đi vào hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực.

Đồng chí Bùi Thành Thương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu và giải trình một số vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh do thành viên đoàn giám sát đặt ra.

Về tinh giản biên chế, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý và sử dụng biên chế khối chính quyền địa phương giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định, trong đó, xác định rõ lộ trình, chỉ tiêu tinh giản trong từng năm, bảo đảm đến năm 2026 thực hiện đạt mục tiêu giảm 05% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo quy định.

Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đối tượng tinh giản biên chế theo quy định, giai đoạn 2021 - 2023 đã trình UBND tỉnh phê duyệt 242 đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trong đó, có 223 CBCCVC cấp tỉnh, cấp huyện; 19 cán bộ, công chức cấp xã, góp phần thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ giải trình, làm rõ từng nội dung cụ thể.

Phát biểu kết luận sơ bộ tại buổi làm việc, đồng chí Kiên Quân đề nghị Sở Nội vụ thực hiện theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương thực hiện rà soát lại các cơ quan chuyên môn, cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập để sắp xếp giảm tối đa tổ chức bên trong, các tổ chức trung gian, giảm số lượng biên chế, khắc phục tình trạng trùng lắp, bỏ sót về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đến năm 2025 thực hiện đạt các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Tổ chức rà soát, đánh giá lại các kế hoạch, đề án sắp xếp cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo đơn vị sau sắp xếp hoạt động ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương gắn với tinh giản biên chế, giảm số lượng chức danh lãnh đạo, quản lý và hạn chế, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, tránh trường hợp tách ra, kiện toàn lại, thành lập mới sau khi hợp nhất, giải thể.

Tuyển dụng số công chức, viên chức đủ số lượng biên chế được giao để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, sắp xếp bố trí chức danh phù hợp với yêu cầu về chuyên ngành đào tạo. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC phù hợp với vị trí việc làm được phê duyệt.

Tổ chức rà soát việc sử dụng biên chế tại các cơ quan, đơn vị để có phương án đề xuất giao biên chế cho phù hợp, không để xảy ra trường hợp đơn vị được giao biên chế nhưng chưa sử dụng hết hoặc đơn vị thiếu biên chế ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh, bố trí, sử dụng biên chế phù hợp với khối lượng công việc trên cơ sở số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2026 đạt chỉ tiêu giảm 05% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 theo quy định; đánh giá, xếp loại CBCCVC hàng năm sát với các tiêu chí theo quy định để thực hiện tinh giản biên chế.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức sơ kết, đánh giá việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...

Tin, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/trong-tinh/den-nam-2026-dat-chi-tieu-giam-05-bien-che-cong-chuc-10-bien-che-vien-chuc-huong-luong-tu-ngan-sach-nha-nuoc-36962.html