Đến năm 2025 cần 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc

Theo tính toán của Cục Đường bộ Việt Nam, đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc. 'Công trình giao thông cấp đặc biệt' cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành này.

Đây chính là lý do, Cục Đường bộ Việt Nam triển khai khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc. Khóa học được khai giảng ngày 15/8 và kéo dài trong 30 ngày với sự tham gia của các học viên đến từ các đơn vị đang quản lý, bảo trì đường cao tốc, nhà đầu tư BOT…

Phát biểu khai mạc khóa học, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo “Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đến năm 2025 nước ta sẽ có khoảng 3.000km và đến năm 2030 sẽ có 5.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2050 đạt 9.014 km/41 tuyến cao tốc.

Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề với Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000km quốc lộ.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai giảng khóa tập huấn

Trong đó, đối với đường cao tốc là “công trình giao thông cấp đặc biệt”, có yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường. Trong khi số lượng nhân, vật lực, đơn vị bảo trì đáp ứng tốt yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc trên cả nước còn hạn chế.

Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 2 công nhân kỹ thuật/km đường. Do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 2023 cần 10.000 công nhân.

Tới năm 2025, cần khoảng 6.000 công nhân cho công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc (Ảnh: Báo Chính phủ)

Do đó, ông Cường nhấn mạnh, việc khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Khóa 1 về quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc là tiền đề cho việc chủ động đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo trì chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo trì đường cao tốc.

Theo Ban tổ chức, ngoài các giờ học lý thuyết, các học viên sẽ được trải nghiệm thực tế về công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì tại một số tuyến cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Bắc Giang – Lạng Sơn… nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, bảo trì đường bộ trong tương lai.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/den-nam-2025-can-6-000-cong-nhan-quan-ly-van-hanh-duong-cao-toc-2178037.html