Đến năm 2020, 30% dân số Việt Nam sẽ mua sắm online

(HQ Online)- Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chính sách thương mại điện tử 2015” do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT), Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách và thương mại của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức tại TP.HCM ngày 18-9.

Đại diện Cục TMĐT và CNTT giới thiệu về Dự thảo Kế hoạch Phát triển tổng thể TMĐT giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhận định về xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) thế giới đến năm 2020, ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT cho biết mô hình TMĐT doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2B) sẽ phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới chiếm 30%, đạt 1.000 tỷ USD.

Tại Việt Nam, đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người; doanh số tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ. TMĐT qua biên giới phát triển gắn với hoạt động xuất nhập khẩu, chiếm 15% doanh số B2B vào năm 2020. TMĐT sẽ phát triển sâu rộng tại khắp các tỉnh, thành phố.

Thanh toán điện tử sẽ trở thành công cụ hỗ trợ chính trong giao dịch điện tử với sự phát triển mạnh mẽ của các loại thẻ thanh toán, ví điện tử, tiền mặt số hóa. Mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận TMĐT là nhân tố cốt lõi trong phát triển bán hàng trực tuyến.

Theo dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phát triển TMĐT trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có khoảng 60% DN hiện diện trên Internet, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của DN; 80% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng online; 100% siêu thị, trung tâm, mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thẻ thanh toán; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông, truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn sử dụng các dịch vụ của các cá nhân, hộ gia định qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lí và sản xuất kinh doanh để phát triển giao dịch TMĐT giữa DN và DN và giữa DN và người tiêu dùng. Hình thành một số DN TMĐT lớn uy tín, hình thành phát triển các sàn giao dịch TMĐT xuyên biên giới...

Góp ý cho Kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT trong giai đoạn sắp tới, đại diện các nhà quản lí và các DN cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của TMĐT. Trong đó, thanh toán liên ngân hàng vẫn còn mất thời gian, chi phí điện tử cũng còn cao gây khó khăn cho DN. Phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen mua sắm trên mạng. Do vậy, bên cạnh việc cải thiện khâu thanh toán và giảm chi phí giao dịch để tăng tính cạnh tranh thì việc thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng và đưa các biện pháp nhằm quản lí và định hướng hoạt động kinh doanh của các DN TMĐT cũng là những vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/den-nam-2020-30-dan-so-viet-nam-se-mua-sam-online.aspx